Tài chính công đoàn được kiểm toán 2 năm 1 lần

Các đại biểu đồng tình với việc tiếp tục duy trì 2% kinh phí công đoàn để có nguồn lực chăm lo cho đoàn viên, người lao động trực tiếp dưới cơ sở, đồng thời bàn nhiều về quản lý, sử dụng tài chính công đoàn.

Ngày 18-6, tiếp tục kỳ họp thứ bảy, Quốc hội (QH) thảo luận ở hội trường về dự án Luật Công đoàn (sửa đổi).

Một trong những quy định được nhiều đại biểu (ĐB) quan tâm, cho ý kiến liên quan đến vấn đề kinh phí, tài chính và quản lý, sử dụng tài chính công đoàn.

“Tối thiểu 75%” và “tối đa 25%”

Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) trình QH bổ sung quy định “kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH cho người lao động”. Về việc phân phối kinh phí công đoàn 2%, dự thảo quy định hai phương án.

Phương án 1, kinh phí công đoàn 2% “được phân phối cho các tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở theo quy định của Chính phủ”.

 Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang tại phiên thảo luận ngày 18-6. Ảnh: PHẠM THẮNG

Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang tại phiên thảo luận ngày 18-6. Ảnh: PHẠM THẮNG

Phương án 2, kinh phí công đoàn 2% do công đoàn cấp trên quản lý, sử dụng 25%; 75% còn lại được phân phối cho công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp. Việc quản lý, sử dụng kinh phí công đoàn của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp do Chính phủ quy định.

Nêu ý kiến, ĐB Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương) tán thành với quy định về mức kinh phí công đoàn. Theo bà Nga, đây là nội dung đã thực hiện ổn định, lâu dài, không phát sinh nhiều vướng mắc trên thực tế.

Về việc quản lý, sử dụng tài chính công đoàn, bà Nga lựa chọn phương án 2 của dự thảo. “Việc quy định cụ thể tỉ lệ phân phối kinh phí công đoàn là cần thiết, nhằm đảm bảo tính công khai, minh bạch trong việc sử dụng tài chính công đoàn” - bà Nga nói.

 Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) tại phiên thảo luận ngày 18-6

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) tại phiên thảo luận ngày 18-6

Tuy nhiên, để tạo điều kiện cho việc tăng cường bố trí nguồn kinh phí công đoàn cho các hoạt động của công đoàn cơ sở là nơi trực tiếp chăm lo cho đời sống của người lao động, bà Nga cho rằng nên “có sự linh hoạt” trong việc quy định tỉ lệ phân bổ kinh phí công đoàn, không quy định cứng tỉ lệ 25% và 75% như dự thảo.

Nữ ĐB đề nghị chỉ nên quy định tỉ lệ “tối thiểu” và tỉ lệ “tối đa”. Theo đó, ban soạn thảo nên xem xét quy định kinh phí công đoàn do công đoàn cấp trên quản lý, sử dụng tối đa 25%, còn lại được phân phối cho công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp…

Tương tự, ĐB Nguyễn Hữu Thông (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận) đề nghị nên quy định theo hướng “tối thiểu 75%” và “tối đa 25%” để bảo đảm linh hoạt trong điều tiết tổng thể của cả hệ thống, tùy theo quy mô của tổ chức công đoàn hoặc theo địa bàn.

Đề xuất giao Chính phủ hướng dẫn việc sử dụng tài chính công đoàn

Cũng bày tỏ sự nhất trí quy định về tài chính công đoàn và công tác quản lý, sử dụng tài chính công đoàn, tuy nhiên ĐB Nguyễn Phi Thường (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội) cho rằng nên giao Chính phủ thống nhất quy định cụ thể về công tác thu, quản lý, sử dụng nguồn tài chính công đoàn.

 Đại biểu Nguyễn Phi Thường (đoàn Hà Nội) tại phiên thảo luận ngày 18-6

Đại biểu Nguyễn Phi Thường (đoàn Hà Nội) tại phiên thảo luận ngày 18-6

“Việc này sẽ giúp công tác quản lý nhà nước về tài chính công đoàn minh bạch, chặt chẽ và hiệu quả hơn, tránh thất thoát, lãng phí. Đồng thời khắc phục được tình trạng chủ doanh nghiệp can thiệp quá sâu vào hoạt động thu, chi tài chính của công đoàn” - ĐB Thường nhấn mạnh.

Như vậy, theo ĐB Thường, Nhà nước sẽ thống nhất quản lý nhà nước về thu, quản lý, sử dụng tài chính công đoàn (bao gồm cả kinh phí và đoàn phí công đoàn). Tổng Liên đoàn Lao động (TLĐLĐ) Việt Nam sẽ hướng dẫn triển khai, thực hiện thay vì phải thực hiện cả quy định của Chính phủ và cả quy định của TLĐLĐ Việt Nam như dự thảo luật.

ĐB Dương Khắc Mai (Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông) cũng thống nhất lựa chọn phương án 1. Theo ĐB Mai, thực tiễn cho thấy nếu quy định một tỉ lệ xác định phân phối kinh phí công đoàn giữa các cấp và giữa các tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở như trong phương án 2 sẽ gây khó khăn, không khả thi để áp dụng.

Ông Mai cho rằng việc phân phối kinh phí công đoàn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Chẳng hạn, tình hình ra đời và hoạt động của tổ chức người lao động tại doanh nghiệp, tình hình quan hệ lao động, nhiệm vụ của từng cấp công đoàn trong mỗi giai đoạn…

Một vấn đề khác, dự thảo luật quy định theo hướng công đoàn các cấp được đảm bảo về tổ chức và số lượng cán bộ công đoàn. Đồng thời cho phép TLĐLĐ Việt Nam quyết định số lượng cán bộ chuyên trách là người làm việc theo hợp đồng lao động trong các cơ quan chuyên trách của công đoàn và công đoàn cơ sở.

Việc công khai tài chính được thực hiện đúng quy định

Phát biểu cuối phiên thảo luận, Chủ tịch TLĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang ghi nhận việc đa phần ĐBQH đồng tình cho việc tiếp tục duy trì 2% kinh phí công đoàn để có nguồn lực chăm lo cho đoàn viên, người lao động trực tiếp dưới cơ sở.

Dư hơn 43.000 tỉ đồng kinh phí công đoàn

Tiếp thu, giải trình ý kiến thảo luận của các ĐBQH tại tổ về dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi), TLĐLĐ Việt Nam cho biết nguồn thu kinh phí công đoàn 2% được quy định từ năm 1957 và được duy trì từ khi có Luật Công đoàn cho đến nay. Việc luật hóa và duy trì nguồn thu 2% kinh phí công đoàn thể hiện sự ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa.

Theo TLĐLĐ Việt Nam, kinh phí công đoàn được sử dụng tại công đoàn cơ sở là chủ yếu để trực tiếp chăm lo cho đoàn viên, người lao động.

Với mức tiền lương bình quân làm căn cứ đóng BHXH hiện nay của người lao động là khoảng 5,7 triệu đồng/tháng thì trong một năm doanh nghiệp phải đóng phí công đoàn khoảng 1,4 triệu đồng. Khi đó, 75% số phí này (khoảng 1 triệu đồng) sẽ được phân phối cho công đoàn cơ sở để chăm lo cho đoàn viên, người lao động dùng để thăm hỏi ốm đau, quà sinh nhật, quà Tết, hoạt động văn hóa, thể thao...

Tổng hợp báo cáo của các cấp công đoàn, số dư nguồn tài chính công đoàn tích lũy đến ngày 31-12-2023 là khoảng 43.200 tỉ đồng. Trong đó, số dư tài chính công đoàn tích lũy của công đoàn cơ sở là hơn 12.370 tỉ đồng, chiếm gần 29% tổng số dư tài chính công đoàn tích lũy của hệ thống công đoàn.

Số dư tài chính công đoàn tích lũy của ba cấp còn lại gần 31.000 tỉ đồng. Trong đó, dư tại công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở gần 8.700 tỉ đồng; dư tại LĐLĐ tỉnh, TP và tương đương gần 15.360 tỉ đồng; dư tại TLĐLĐ Việt Nam gần 6.800 tỉ đồng.

Về nguồn kinh phí này, ông Khang khẳng định 100% thực hiện theo các quy định hiện hành của Luật Ngân sách nhà nước và các luật tài chính khác.

Chủ tịch TLĐLĐ Việt Nam cũng khẳng định việc công khai tài chính được thực hiện theo đúng các quy định hiện hành. Tài chính công đoàn được Kiểm toán Nhà nước định kỳ kiểm toán hai năm/lần trên cơ sở kế hoạch kiểm toán được QH thông qua. Kết quả kiểm toán được báo cáo QH và tổng hợp chung vào báo cáo kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước.

“Chúng tôi cũng chịu sự thanh tra, giám sát của tất cả cơ quan khác như Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Bộ Tài chính… Quy định trong dự thảo luật này để thể chế hóa cho rõ tình hình công khai tài chính công đoàn” - theo ông Khang.

Về biên chế của cán bộ công đoàn, chủ tịch TLĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho biết thời gian qua vấn đề này có rất nhiều bất cập. Đây là lý do TLĐLĐ Việt Nam đã đề xuất với Ban Chỉ đạo về biên chế của Trung ương một công thức tính trên cơ sở số lượng đoàn viên từng ngành, từng địa phương.

Về ý kiến cho rằng doanh nghiệp trả lương cho cán bộ công đoàn sẽ làm giảm đi tinh thần chiến đấu, bảo vệ trong quan hệ lao động, ông Khang rất mong muốn có cơ chế hợp đồng để có các cán bộ công đoàn chuyên trách ở cơ sở.

“Đặc biệt như TP.HCM, mặc dù chưa có hợp đồng nhưng Thành ủy TP.HCM đã cho tổ chức công đoàn 22 biên chế để cử xuống làm chủ tịch công đoàn chuyên trách ở các cơ sở có đông công nhân lao động và quan hệ lao động phức tạp” - ông Khang dẫn chứng.

...............................

Ý kiến

ĐB NGUYỄN HOÀNG UYÊN (Đoàn ĐBQH tỉnh Long An):

Trên 130.000 đoàn viên nhưng chỉ có 8-10 cán bộ công đoàn

Cần bổ sung quy định cơ chế quản lý biên chế phù hợp vào dự thảo luật lần này nhằm tăng quyền chủ động của công đoàn trong việc bố trí đội ngũ cán bộ công đoàn. Bởi với sự phát triển kinh tế - xã hội, số lượng đoàn viên và công đoàn cơ sở sẽ tiếp tục tăng nhưng biên chế cho cán bộ công đoàn chuyên trách có hạn.

Một số công đoàn cấp trên trực tiếp quản lý từ 6.000 đoàn viên trở lên nhưng biên chế chỉ 1-2 cán bộ chuyên trách; công đoàn khu, Liên đoàn Lao động huyện có những nơi quản lý hơn 130.000 đoàn viên mà chỉ có 8-10 cán bộ công đoàn. Điều này sẽ gây khó cho công tác quản lý, điều hành, kiểm tra, giám sát hoạt động công đoàn và việc chăm lo, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người lao động có lúc, có nơi e rằng chưa kịp thời...

Do đó, cần quan tâm bố trí cán bộ công đoàn cơ sở hoạt động chuyên trách theo quy mô, số lượng đoàn viên công đoàn ở cơ sở trong doanh nghiệp cho phù hợp.

.................

ĐB HOÀNG NGỌC ĐỊNH (Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang):

Dù làm tăng chi phí nhưng doanh nghiệp vẫn chấp nhận được

Việc tiếp tục thu nguồn kinh phí công đoàn 2% là hết sức cần thiết. Về bản chất, việc quy định thu gián tiếp 2% theo quy định của Luật Công đoàn là để phục vụ cho việc chăm lo lại cho người lao động để tái sản xuất sức lao động, bù đắp lại hao phí sức lao động của người lao động mà người sử dụng lao động, doanh nghiệp chưa tính đúng, tính đủ vào tiền lương của người lao động.

Thực tiễn nghiên cứu cho thấy việc đóng 2% kinh phí công đoàn chiếm tỉ trọng nhỏ trong chi phí của doanh nghiệp (khoảng 0,2% đối với doanh nghiệp gia công và 0,14% đối với doanh nghiệp khác). Do vậy, dù làm tăng chi phí của doanh nghiệp nhưng về tổng thể, mức đóng 2% vẫn nằm trong phạm vi chấp nhận được đối với sức chịu đựng của các tổ chức, doanh nghiệp.

........................

ĐB NGUYỄN HỮU THÔNG (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận):

Hưởng lương doanh nghiệp, cán bộ công đoàn có dám bảo vệ người lao động?

Tổ chức công đoàn tại các công ty, doanh nghiệp là người bảo vệ quyền lợi của người lao động tại công ty, doanh nghiệp. Tuy nhiên, tiền lương và các chi phí trả cho cán bộ công đoàn ở các công ty và doanh nghiệp đều do chủ công ty và doanh nghiệp trả. Vậy cán bộ công đoàn trong công ty, doanh nghiệp có thật sự dám lên tiếng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động bị xâm phạm?

Thực tiễn thời gian qua chúng ta đã thống kê được có bao nhiêu vụ việc khiếu kiện, khiếu nại liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động tại các công ty, doanh nghiệp mà tổ chức công đoàn tại đây đã đứng ra đại diện bảo vệ cho người lao động, hiệu quả thế nào?

Tôi đề nghị tiền lương, tiền thưởng và các khoản phụ cấp khác đối với cán bộ công đoàn chuyên trách ở các công ty, doanh nghiệp nên lấy từ công đoàn cấp trên để chi trả. Việc này giúp cán bộ công đoàn toàn tâm, toàn ý thực hiện nhiệm vụ của mình là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động tại công ty, doanh nghiệp mình.

NHÓM PHÓNG VIÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/video/tai-chinh-cong-doan-duoc-kiem-toan-2-nam-1-lan-post796310.html
Zalo