Tái cấu trúc du lịch, giữ hồn bản sắc

Chủ trương sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh đang mở ra những chuyển động lớn cho ngành du lịch. Không đơn thuần là thay đổi ranh giới địa lý, việc sắp xếp lại đặt ra yêu cầu tái cấu trúc chiến lược phát triển, xây dựng chuỗi sản phẩm du lịch liên vùng nhưng vẫn bảo lưu bản sắc văn hóa, tạo sức hút cho điểm đến.

Mùa vàng Mù Cang Chải, Yên Bái. (Ảnh: VŨ LINH)

Mùa vàng Mù Cang Chải, Yên Bái. (Ảnh: VŨ LINH)

Không gian du lịch mở rộng: Cơ hội và thách thức

Từ thực tiễn tại các địa phương được đề xuất sáp nhập như Hải Phòng-Hải Dương, Lâm Đồng-Đắk Nông-Bình Thuận, Hà Giang-Tuyên Quang hay Bắc Ninh-Bắc Giang… có thể thấy rõ tiềm năng để hình thành những cực tăng trưởng du lịch mới. Khi ranh giới hành chính được mở rộng đồng nghĩa với việc tài nguyên du lịch được tích hợp đa dạng, cho phép định hình các tuyến trải nghiệm dài hơn, hấp dẫn hơn cả về nội dung và không gian. Trước đây, các tour du lịch nội địa chủ yếu mang tính chất “một tỉnh-một sản phẩm” và bị giới hạn bởi kết nối hạ tầng thì nay với không gian mới, các địa phương có điều kiện quy hoạch vùng du lịch tích hợp vừa có biển, có rừng, cao nguyên… hay tuyến di sản, tâm linh, cộng đồng… vừa phát triển sản phẩm chuyên biệt theo tiểu vùng, tránh phân tán nguồn lực.

Làng rau Trà Quế - điểm du lịch xanh trong lòng Hội An. (Ảnh: VŨ LINH)

Làng rau Trà Quế - điểm du lịch xanh trong lòng Hội An. (Ảnh: VŨ LINH)

Điển hình như liên kết Hải Phòng-Hải Dương sau sáp nhập có thể xây dựng tuyến du lịch liên hoàn từ di sản Côn Sơn-Kiếp Bạc, đền thờ Chu Văn An tới các điểm nghỉ dưỡng ven biển như Đồ Sơn, Cát Bà, Lan Hạ chỉ trong 1 hành trình, du khách được trải nghiệm đầy đủ các lớp không gian văn hóa-sinh thái đặc trưng. Tương tự, vùng hợp nhất giữa Lâm Đồng, Đắk Nông và Bình Thuận có thể trở thành “tam giác du lịch” mới của khu vực Nam Trung Bộ-Tây Nguyên với 1 hành trình kết hợp khí hậu cao nguyên, biển xanh cát trắng của Mũi Né và không gian văn hóa các buôn làng Tây Nguyên sẽ tạo nên sản phẩm liên vùng độc đáo, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.

Theo các chuyên gia, quá trình sáp nhập không chỉ là tái định vị địa lý mà là dịp để các địa phương tái cấu trúc chiến lược phát triển ngành du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại và bền vững. Việc tích hợp các thế mạnh riêng biệt như du lịch sinh thái (Lâm Đồng), du lịch biển (Bình Thuận), du lịch rừng và văn hóa bản địa (Đắk Nông) đòi hỏi tầm nhìn chiến lược trong phân bổ nguồn lực và phát triển sản phẩm mang tính hệ thống, không chồng lấn. Không gian mở sẽ cho phép quy hoạch các khu du lịch quy mô lớn hơn, đồng bộ hơn về hạ tầng, dịch vụ, và thúc đẩy liên kết vùng chặt chẽ. Những vùng "trắng" du lịch trước đây bị chia cắt do ranh giới hành chính nay có thể trở thành điểm kết nối trung tâm.

Hội voi Buôn Đôn là một trong những lễ hội đặc sắc vùng Tây Nguyên.

Hội voi Buôn Đôn là một trong những lễ hội đặc sắc vùng Tây Nguyên.

Theo Tiến sĩ Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa-Xã hội của Quốc hội, việc sáp nhập là cơ hội để các địa phương quy hoạch và tổ chức lại hệ thống sản phẩm du lịch một cách bài bản, thay vì phát triển riêng lẻ và phân tán như trước. Các chương trình du lịch liên vùng từ núi rừng đến đồng bằng, vùng biển… trở nên mạch lạc, hấp dẫn hơn, mang lại trải nghiệm trọn vẹn hơn cho du khách.

Không thay đổi tên di sản: Giữ ký ức, giữ thương hiệu

Một trong những lo ngại lớn nhất sau sáp nhập là nguy cơ làm phai mờ các giá trị lịch sử-văn hóa đã định hình sâu sắc trong tâm thức cộng đồng. Không gian du lịch có thể được mở rộng nhưng tên gọi các di sản, di tích, danh thắng cần được bảo tồn như một phần không thể tách rời của bản sắc địa phương. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có văn bản yêu cầu các địa phương không được thay đổi tên gọi các di sản văn hóa-thiên nhiên thế giới, di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia hay di tích cấp tỉnh đã được công nhận bởi đó không chỉ là ký ức cộng đồng mà còn là thương hiệu du lịch đã được tích lũy qua thời gian, khẳng định vị thế trên bản đồ du lịch trong nước và quốc tế.

Văn hóa bản địa là điểm nhấn hấp dẫn du khách. (Ảnh: VŨ LINH)

Văn hóa bản địa là điểm nhấn hấp dẫn du khách. (Ảnh: VŨ LINH)

Những tên gọi như Côn Sơn-Kiếp Bạc, Mũi Né-Phan Thiết, Đồng Văn-Mã Pì Lèng, Mù Cang Chải hay Hội An… không đơn thuần là địa danh hành chính mà là lớp trầm tích văn hóa dày dặn gắn liền với niềm tự hào và cảm xúc của người dân. Chị Lê Phương Liên, một du khách từ Hà Nội chia sẻ: Điều khiến tôi nhớ và quay lại không phải tên tỉnh mà là cảm xúc từ phong tục, ẩm thực, nghệ thuật dân gian… Những gì đọng lại sau chuyến đi chính là bản sắc văn hóa của con người nơi đó.

Có thể thấy, trong du lịch, trải nghiệm là giá trị cốt lõi và bản sắc văn hóa là lực hấp dẫn của điểm đến. Du lịch muốn phát triển bền vững không thể tách rời cộng đồng bản địa. Việc giữ gìn phong tục, tập quán, ngôn ngữ, lễ hội, trang phục và tri thức dân gian là cách để tạo ra sản phẩm du lịch có chiều sâu, khác biệt và chạm đến cảm xúc người trải nghiệm.

Những cung đường quanh co làm nên "thương hiệu" du lịch Hà Giang.

Những cung đường quanh co làm nên "thương hiệu" du lịch Hà Giang.

Sáp nhập tỉnh là cơ hội để tái định nghĩa lại cách làm du lịch, thay vì phát triển manh mún, tự phát, cần đi theo hướng bản sắc-sáng tạo-liên kết-bền vững. Quy hoạch không gian du lịch cần dựa trên cấu trúc tiểu vùng, xác định rõ từng địa phương như một thành tố trong chuỗi giá trị, nơi bản sắc là yếu tố làm nên sự khác biệt. Chuyển đổi địa giới là bước đi hành chính nhưng chiến lược du lịch trong giai đoạn mới phải vừa không xóa nhòa ký ức mà làm dày thêm các lớp văn hóa, để mỗi vùng đất dù mới về danh xưng nhưng vẫn là điểm đến quen thuộc trong lòng du khách bốn phương.

NGỌC LIÊN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tai-cau-truc-du-lich-giu-hon-ban-sac-post881905.html
Zalo