Tác phẩm tham dự Giải báo chí Búa liềm vàng lần thứ IX-2024: Dựa vào dân để xây dựng Đảng, chính quyền

Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện Quyết định số 218-QĐ/TW, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị (khóa XI) ban hành quy định về việc Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, tỉnh Nam Định đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Hoạt động góp ý xây dựng Đảng, chính quyền ngày càng hiệu quả, góp phần giải quyết những bức xúc và dư luận xã hội quan tâm, tạo đồng thuận xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân đối với cấp ủy đảng, chính quyền, từ đó tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng, trật tự xã hội ở địa phương.

Ban công tác Mặt trận xóm 6, xã Giao Lạc (Giao Thủy) tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia xây dựng xóm nông thôn mới kiểu mẫu.

Ban công tác Mặt trận xóm 6, xã Giao Lạc (Giao Thủy) tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia xây dựng xóm nông thôn mới kiểu mẫu.

Gần dân, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của nhân dân

Phường Cửa Nam là cửa ngõ và là tuyến giao thông quan trọng nối liền 6 huyện phía Nam tỉnh với thành phố Nam Định. Với mục tiêu, chiến lược mở rộng không gian đô thị thành phố Nam Định phát triển về phía Nam, từ năm 2021 đến nay trên địa bàn thành phố có 17 dự án phải thực hiện công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) do UBND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư. Trong đó, phường Cửa Nam được tỉnh, thành phố quan tâm đầu tư với 4 dự án trọng điểm gồm: Dự án xây dựng tuyến đường trục trung tâm phía Nam thành phố Nam Định đoạn nối từ tỉnh lộ 490C đến vị trí giao với đường dẫn cầu Tân Phong, Dự án xây dựng khu đô thị mới phía Nam Sông Đào, Dự án kè sông Đào, Dự án cầu qua sông Đào nối từ đường Song Hào đến đường Vũ Hữu Lợi. Đặc biệt, Dự án cầu qua sông Đào nối từ đường Song Hào đến đường Vũ Hữu Lợi khởi công xây dựng tháng 10/2022 được coi là dự án trọng điểm có tính cấp thiết quan trọng đối với tỉnh Nam Định nói chung và thành phố nói riêng. Công tác triển khai dự án ban đầu gặp rất nhiều khó khăn: Tổng số 94 hộ dân và 1 tổ chức chịu ảnh hưởng bởi dự án, tổng diện tích đất phải thu hồi 18.316m2. Trong đó có 42 hộ với tổng diện tích đất thu hồi toàn bộ là 5.370m2; có 8 hộ với tổng diện tích là 1.982m2 thu hồi gần hết và 44 hộ tổng diện tích 5.676m2 thu hồi một phần. Khi bắt đầu triển khai thực hiện dự án, các hộ dân đều nhất trí với chủ trương chung của tỉnh, thành phố; tuy nhiên vẫn còn nhiều băn khoăn về giá đất đền bù thấp, giá đất tái định cư cao, vị trí tái định cư không phù hợp...

Xác định tầm quan trọng của công tác GPMB dự án xây dựng cầu qua sông Đào, Đảng ủy phường Cửa Nam đã thành lập Ban chỉ đạo GPMB gồm các đồng chí trong Thường trực Đảng ủy, HĐND, lãnh đạo UBND, trưởng các ban, ngành, đoàn thể, trong đó nòng cốt là đồng chí Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường. MTTQ phường tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, để các tầng lớp nhân dân biết và ủng hộ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tạo đồng thuận cao trong xã hội; đồng thời bám sát cơ sở để nắm tình hình tư tưởng của người dân. Trong đó, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ phường đã tổ chức quán triệt cho các trưởng ban công tác Mặt trận tại các hội nghị giao ban, đưa nội dung tuyên truyền thực hiện công tác bồi thường GPMB là một trong những nhiệm vụ trọng tâm; phân công nhiệm vụ cho từng đồng chí chia theo từng khu vực. Ban công tác Mặt trận phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, tổ dân phố, tập trung phân tích từng nhóm đối tượng, nắm bắt điều kiện hoàn cảnh của từng hộ dân, từ đó có biện pháp tuyên truyền để các hộ dân hiểu rõ về chủ trương, chính sách bồi thường, hỗ trợ GPMB, trách nhiệm của công dân trong việc phát triển của địa phương, phát triển thành phố. Đồng thời chú trọng phát huy vai trò của đảng viên, người cao tuổi, những người có uy tín, sức ảnh hưởng, có tiếng nói ở khu dân cư để tuyên truyền, vận động thuyết phục nhân dân. Tại khu dân cư, thành viên ban công tác Mặt trận đều tham gia tổ tuyên truyền, vận động GPMB các dự án, qua đó đã phối hợp với chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyền truyền, thường xuyên trao đổi thông tin, nắm bắt tình hình, nắm chắc thực trạng từng dự án, những tồn tại, vướng mắc của từng hộ dân; tổ chức họp dân, để Hội đồng GPMB thành phố và các đồng chí lãnh đạo đảng, chính quyền, các đoàn thể đối thoại với nhân dân trong vùng dự án, tạo sự đồng thuận và kịp thời phối hợp giải quyết những vấn đề nổi cộm xảy ra.

Cùng với sự cố gắng, nỗ lực, kiên trì của cả hệ thống chính trị, sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Ban chỉ đạo, Hội đồng GPMB thành phố, những băn khoăn, vướng mắc của nhân dân dần được tháo gỡ. Một số gia đình cán bộ, công chức, đảng viên đã gương mẫu tiên phong nhận tiền bồi thường, tiếp đến là một số hộ ngay từ ban đầu có ý kiến gay gắt cũng đã nhận tiền bồi thường. Đến ngày 27/10/2023, sau tròn 1 năm dự án cầu được khởi công, 100% các hộ dân có đất nằm trong phạm vi dự án đã bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công, đảm bảo đúng tiến độ thời gian thực hiện dự án, không phải thực hiện quyết định cưỡng chế…

Dựa vào dân để xây dựng Đảng, chính quyền

Qua hơn 10 năm triển khai tổ chức thực hiện Quyết định số 218-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị, MTTQ các cấp trong tỉnh đã tổ chức tham mưu với cấp ủy tổ chức trên 4.100 hội nghị quán triệt triển khai học tập các nội dung của Quyết định trong các tổ chức cơ sở đảng, chi bộ đảng và cho 100% cán bộ Mặt trận các cấp, trưởng ban công tác Mặt trận ở các khu dân cư trong toàn tỉnh. Qua đó đã góp phần nâng cao nhận thức trong công tác lãnh đạo của các cấp ủy đảng, trách nhiệm phối hợp của chính quyền và hiệu quả trong tổ chức thực hiện của các cấp Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội và đội ngũ cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, đặc biệt phát huy được vai trò của nhân dân tham gia vào nhiệm vụ góp ý xây dựng Đảng, chính quyền ở nhiều địa phương. Ngày 14/11/2014, Ban thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh tổ chức khai trương hòm thư góp ý kiến xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của các tổ chức và nhân dân. Bên cạnh đó, định kỳ hàng tháng, MTTQ tỉnh còn phân công lãnh đạo, cán bộ, công chức đi nắm bắt tình hình cơ sở, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân tại cơ quan Ủy ban MTTQ tỉnh theo nội quy tiếp công dân của Ủy ban MTTQ tỉnh.

MTTQ các cấp trong tỉnh đã tổ chức tốt việc lấy ý kiến đóng góp của các tầng lớp nhân dân vào dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng các cấp trong tỉnh và dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, XIII. Chú trọng việc thu thập, nắm bắt dư luận và lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân để kịp thời phản ánh với các cấp ủy đảng, Mặt trận cấp trên, nhất là đối với những vấn đề xã hội bức xúc liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Đối với nội dung góp ý xây dựng chính quyền, MTTQ tỉnh đã triển khai tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ tham gia công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV, XV; đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 và 2021-2026. Quy trình hiệp thương 5 bước đã được Ban Thường trực và Mặt trận các cấp tổ chức thực hiện chặt chẽ, đúng kế hoạch, đã lựa chọn những người đủ đức, đủ tài tham gia cơ quan quyền lực của Nhà nước. Năm 2023, MTTQ các cấp trong tỉnh cũng đã tổ chức 237 hội nghị trực tiếp đóng góp và tiếp nhận 21.347 lượt ý kiến góp ý của nhân dân vào Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi. Ngoài ra, Ban thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh còn góp ý vào hàng chục các văn bản dự thảo đề án, nghị quyết quan trọng khác trình HĐND tỉnh của các sở, ngành chức năng. Đây là những cơ chế, chính sách lớn về kinh tế - xã hội đã được Mặt trận tập trung tổ chức phản biện xã hội một cách chặt chẽ, xác đáng; góp phần hoàn chỉnh nội dung dự thảo nghị quyết, quyết định, kế hoạch, thể hiện được nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, nhằm đảm bảo nghị quyết, quyết định, kế hoạch sau khi thông qua và tổ chức thực hiện tạo được sự đồng thuận của nhân dân.

Ở cấp huyện, xã, công tác góp ý xây dựng Đảng, chính quyền của MTTQ và các đoàn thể chủ yếu thông qua các hội nghị tiếp xúc cử tri ở địa bàn dân cư; đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân; hội nghị giao ban, sơ kết, tổng kết của tổ chức đảng, MTTQ và các tổ chức đoàn thể; hội nghị cán bộ, công chức về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng của địa phương. Năm 2023, 10/10 huyện, thành phố đã xây dựng kế hoạch và tổ chức đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với MTTQ, các đoàn thể chính trị và nhân dân. MTTQ các cấp và các cơ quan liên quan thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc, đúng quy định việc phối hợp tổ chức các hội nghị đối thoại và tham gia đối thoại, góp phần quan trọng tăng cường vai trò lãnh đạo của cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy đảng, đáp ứng nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân.

Để nâng cao hiệu quả góp ý xây dựng Đảng, chính quyền trong thời gian tới, tỉnh Nam Định tiếp tục tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng về công tác Mặt trận nói chung và nhiệm vụ xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền nói riêng. Chủ động lựa chọn những nội dung, vấn đề bức xúc mà xã hội đang quan tâm có liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, đoàn viên, nhân dân để giám sát và có kiến nghị kịp thời để các chủ trương, chính sách triển khai thực hiện có hiệu quả. Tập trung nâng cao vai trò chủ trì của Mặt trận trong việc phối hợp, thống nhất hành động với các đoàn thể chính trị - xã hội trong quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ góp ý xây dựng Đảng, chính quyền.

Bài và ảnh: Lam Hồng

Nguồn Nam Định: https://baonamdinh.vn/chinh-tri/202408/tac-pham-tham-du-giai-bao-chi-bua-liem-vang-lan-thu-ix-2024-dua-vao-dan-de-xay-dung-dang-chinh-quyen-d361999/
Zalo