Tác phẩm sơn mài nặng 500kg của Chu Nhật Quang
Tác phẩm sơn mài khổ lớn 5mx10m, nặng 500kg của họa sĩ Chu Nhật Quang sẽ được trưng bày tại Hoàng thành Thăng Long, dịp kỷ niệm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10).
Ngày 5/10 tới, họa sĩ Chu Nhật Quang sẽ tổ chức trưng bày Dấu thiêng tại Hoàng thành Thăng Long, giới thiệu 52 tác phẩm sơn mài truyền thống về phong cảnh quê hương, các địa danh di sản dân tộc, chia thành 4 chủ đề.
Chủ đề Khởi mở đầu triển lãm với 14 bức tranh sơn mài tập trung vào thể loại tĩnh vật. Chu Nhật Quang không chỉ tìm cách tái hiện các vật dụng quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày, phản ánh ký ức sâu sắc của anh khi học làm gốm mà còn là sự chiêm nghiệm về những giá trị thẩm mỹ giản dị nhưng đầy ý nghĩa.
Chủ đề Cội gồm 17 bức tranh, đưa người xem vào hành trình sâu xa khám phá văn hóa và di sản của dân tộc Việt Nam như Hoàng thành Thăng Long, Tháp Rùa, chùa Một Cột, chùa Thầy.... Với hình tượng mẹ Âu Cơ và nghệ thuật múa rối nước, họa sĩ gợi lên câu chuyện về nguồn gốc thiêng liêng, sự hy sinh thầm lặng của người nông dân đã nuôi dưỡng và giữ gìn văn hóa lâu đời. Những bức tranh cũng phô bày sự đối lập giữa truyền thống và hiện đại, như một lời nhắc nhở về nguy cơ mai một của nghệ thuật dân gian.
Chủ đề Linh với 9 bức tranh, tiếp tục khơi gợi sự hoài niệm về văn hóa và di sản. Họa sĩ tái hiện cảnh sân khấu thủy đình xưa với những buổi diễn rối nước, ngôi chùa Thầy nổi tiếng... Từ hình ảnh nhà sư tu thiền đến hoa sen biểu tượng cho sự giác ngộ, mỗi tác phẩm mang đậm chất triết lý và tâm linh, phản ánh khát vọng tìm kiếm chân lý và hoàn thiện bản thân. Hoàng thành Thăng Long và Tháp Rùa cũng được khắc họa một cách sinh động, thể hiện sự trường tồn của văn hóa Việt Nam qua mọi thăng trầm lịch sử.
Chủ đề cuối cùng Nôi gồm 12 bức tranh, gợi ký ức về quê hương, đình làng và nghệ thuật rối nước - những biểu tượng văn hóa đặc trưng của cộng đồng nông dân Việt Nam. Các bức tranh về rối nước không chỉ tái hiện đời sống và tập quán của nền văn minh lúa nước, mà còn khắc họa rõ nét bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc. Qua những hình tượng như phượng hoàng, con cá hay những con rối sinh động, họa sĩ truyền tải thông điệp về sự hòa hợp giữa con người với thiên nhiên và niềm hy vọng duy trì giá trị truyền thống quý báu qua nhiều thế hệ.
Trả lời câu hỏi của PV VietNamNet: Tranh sơn mài luôn được bày ở những nơi ánh sáng đầy đủ để đảm bảo cho công chúng thưởng thức một cách tốt nhất, giới thiệu các tác phẩm của mình ở không gian rộng lớn là Hoàng thành Thăng Long, hẳn anh có tính toán kỹ lưỡng?
Họa sĩ Chu Nhật Quang cho biết: "Tôi muốn thử nghiệm và chấp nhận thất bại nếu xảy ra. Với tinh thần đó, tôi vẽ bức tranh khổ rất lớn 5mx10m, nặng 500kg. Tác phẩm lớn như vậy mà trưng bày không gian trong nhà sẽ không thực sự hiệu quả. Vì thế tôi đã tính toán kỹ ánh sáng cho giới mộ điệu thưởng lãm tác phẩm một cách tốt nhất, chắc chắn mọi người sẽ xúc động".
Tại họp báo, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều bày tỏ sự thán phục vì "Chu Nhật Quang đã chọn con đường nghệ thuật sơn mài trong hội họa hiện đại".
“Nghệ thuật sơn mài là di sản lớn của dân tộc. Một nghệ sĩ sáng tạo nếu rời bỏ nguồn cội sẽ dễ rơi vào hoang mang, cô lập. Nhưng nếu nghệ sĩ đó 'giam cầm' trong cái gọi là truyền thống lại không có sự sáng tạo. Kế thừa và phát triển nghệ thuật từ gia đình, Chu Nhật Quang đã đóng góp vào sự đa dạng và phong phú của nghệ thuật sơn mài hiện đại, hòa quyện giữa truyền thống và đương đại. Các tác phẩm của anh mang đến cho khán giả những trải nghiệm thẩm mỹ đầy mới lạ và sâu sắc. Ý thức về cội nguồn làm tôi tôn trọng và đặt cược niềm tin vào Chu Nhật Quang", ông Thiều nhận xét.
Từ góc nhìn của một người nghiên cứu lịch sử, ông Dương Trung Quốc cảm nhận được khát vọng đổi mới trong tranh sơn mài của Chu Nhật Quang.
"Những tác phẩm này dù còn mới mẻ, nhưng tôi tin với nhiệt huyết và sức sáng tạo, Chu Nhật Quang sẽ đưa sơn mài Việt Nam vươn xa hơn", ông Quốc khẳng định.
Một vài tác phẩm của họa sĩ Chu Nhật Quang:
Nghệ sĩ Chu Nhật Quang sinh ra và lớn lên trong gia đình giàu truyền thống nghệ thuật. Ông nội của Chu Nhật Quang là Nghệ nhân nhân dân Chu Mạnh Chấn - người có niềm đam mê sâu sắc với việc khôi phục và bảo tồn di sản văn hóa của làng quê Bắc Bộ qua nghệ thuật sơn mài. Cha của anh, NSƯT Chu Lượng - nguyên Giám đốc Nhà hát Múa rối Thăng Long - đã góp phần không nhỏ vào việc gìn giữ và phát triển nền nghệ thuật đặc trưng của dân tộc.
Chu Nhật Quang tiếp nối truyền thống gia đình bằng việc phát triển tranh sơn mài - một hình thức nghệ thuật đòi hỏi sự tỉ mỉ, tinh xảo và tầm nhìn sáng tạo. Nguồn cảm hứng lớn nhất của anh luôn hướng về quê hương, mặc dù anh cũng có dịp tiếp xúc với văn hóa phương Tây trong suốt thời gian học tập và nghiên cứu ở nước ngoài.
Ảnh: BTC