Tác phẩm độc tấu, hòa tấu nhạc cụ dân tộc đạt giải: Được đưa đến công chúng

Để tham gia Cuộc thi Độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc đợt 1 năm 2023, diễn ra vào tháng 6 vừa qua tại TP. Nha Trang, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh và Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng đã dàn dựng tổng cộng 12 tiết mục có chất lượng. Sau cuộc thi, nhiều người dành sự quan tâm đến việc các tác phẩm đó sẽ được tiếp tục sử dụng, phát huy như thế nào vào hoạt động biểu diễn của từng đơn vị?

Nhiều tiết mục dự thi có chất lượng cao

Đến với Cuộc thi Độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc đợt 1 năm 2023, Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng đã xây dựng chương trình thi diễn gồm 7 tiết mục là những tác phẩm khí nhạc, được xây dựng cho các loại nhạc cụ dân tộc, như: Đàn đá, đàn tranh, đàn T’rưng, đàn bầu… Theo đánh giá của giới chuyên môn, các tiết mục này đều có chất lượng nghệ thuật tương đối cao. Trong số 7 tiết mục dự thi của đoàn (Gió về miền đất tháp, Ponagar hồn tháp, Lời ru trên biển, Say trăng, Vũ điệu đại ngàn, Liên khúc dân ca Indonesia, Thác đôi) có 1 tác phẩm đạt giải nhất, 2 tác phẩm đạt giải nhì và 2 tác phẩm đạt giải ba. “Để xây dựng chương trình dự thi, đoàn đã dành nhiều thời gian tập luyện cho các nghệ sĩ, nhạc công. Bên cạnh đó, đơn vị cũng mời ê-kíp hòa âm, phối khí là những người có tài năng, như: Huỳnh Tú, Nguyễn Tấn Đạt, Trường Lâm, Vũ Văn Thiềng. Chính vì thế, chất lượng nghệ thuật của các tác phẩm này đều được người trong nghề đánh giá cao”, ông Trần Đức Hà - Trưởng đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng cho biết.

Nghệ sĩ Văn Tấn của Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng biểu diễn tác phẩm Ponagar hồn tháp.

Nghệ sĩ Văn Tấn của Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng biểu diễn tác phẩm Ponagar hồn tháp.

Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh đã xây dựng chương trình thi diễn mang chủ đề "Thanh âm xứ Trầm", với 5 tiết mục độc tấu nhạc cụ đàn nhị, đàn tranh và hòa tấu dàn nhạc dân tộc. Những nhạc công trẻ của nhà hát, gồm: Võ Nguyễn Như Bình, Nguyễn Thị Hường, cùng các thành viên khác đã có sự thể hiện rất tốt phần thi của mình. Những làn điệu âm nhạc dân tộc truyền thống xàng xê - xuân nữ - hò quảng - cổ bản - lý quân hành - sắc bùa đã được các nghệ sĩ, nhạc công thể hiện nhuần nhuyễn. Kết quả có 1 tiết mục đạt giải nhất, 1 tiết mục đạt giải nhì. Qua đó, đã phản ánh đúng sự quan tâm, đầu tư, cũng như nỗ lực của các nghệ sĩ, nhạc công.

Đưa các tác phẩm phục vụ khán giả

Lâu nay, sau mỗi cuộc thi, liên hoan, hội thi nghệ thuật nói chung và âm nhạc, nhất là âm nhạc dân tộc nói riêng, nhiều người quan tâm đến vấn đề phổ biến các tác phẩm như thế nào? Bởi thực tế, có nhiều tác phẩm sau khi thi xong, thậm chí đạt giải cao lại không được phổ biến rộng rãi tới công chúng. Lý giải điều này, những người trong nghề cho rằng, giữa tác phẩm dự thi và tác phẩm biểu diễn phục vụ đại trà khán giả có sự khác nhau. Tác phẩm dự thi thường để thể hiện khả năng, trình độ, xu hướng của các nhạc sĩ sáng tác, người hòa âm phối khí, dàn dựng, nghệ sĩ biểu diễn. Hiểu nôm na là những tác phẩm âm nhạc mang tính học thuật cao, nên thường dành cho đối tượng thụ hưởng có độ am hiểu chuyên môn nhất định. Còn các tác phẩm biểu diễn thường đi sâu vào cảm xúc, hướng đến đại đa số người nghe, có thể dễ dàng cảm thụ được.

Tác phẩm Thác đôi được các nghệ sĩ, nhạc công của Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng biểu diễn trong Festival Biển 2023.

Tác phẩm Thác đôi được các nghệ sĩ, nhạc công của Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng biểu diễn trong Festival Biển 2023.

Vậy nên, làm sao để vừa có được một tác phẩm đáp ứng được những tiêu chí khắt khe của hội đồng giám khảo, lại có thể mang đi biểu diễn phục vụ đông đảo khán giả mà không để lãng phí công sức, kinh phí và góp phần nâng cao mức thụ hưởng văn hóa của người dân là điều không dễ. Chính vì thế, khi bắt tay vào dàn dựng các chương trình, tác phẩm tham dự cuộc thi biểu diễn nhạc cụ dân tộc, hai đơn vị nghệ thuật của tỉnh đã có sự tính toán đến việc sử dụng lâu dài những tác phẩm đó trong hoạt động biểu diễn của mình. “Những tiết mục độc tấu, hòa tấu nhạc cụ dân tộc của đơn vị tham gia cuộc thi vừa qua về cơ bản đều là những làn điệu dân ca, làn điệu bài chòi, những làn điệu dân ca phát triển trong sân khấu kịch hát bài chòi. Vì thế, hoàn toàn có thể sử dụng được trong quá trình dàn dựng những vở diễn, trích đoạn mới của nhà hát sau này. Bên cạnh đó, các tiết mục dự thi cũng phù hợp để biểu diễn độc lập phục vụ khán giả trong và ngoài tỉnh”, ông Nguyễn Ngọc Quang Trung - Phó Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh cho biết.

Với các tác phẩm của Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng, đã có tiết mục Thác đôi được đơn vị đưa ra biểu diễn tại đại nhạc hội Âm vang đại dương trong chương trình Festival Biển Nha Trang - Khánh Hòa 2023; còn những tác phẩm khác được lãnh đạo đoàn đưa vào chương trình biểu diễn phục vụ khách du lịch tại Trung tâm biểu diễn của đoàn (số 128 đường Hoàng Văn Thụ, TP. Nha Trang). “Trong định hướng phát triển hoạt động dịch vụ biểu diễn nghệ thuật của đoàn, chúng tôi luôn chú trọng đến việc xây dựng các tiết mục, chương trình mới có chất lượng nghệ thuật, phù hợp với nhiều đối tượng khán giả. Chính vì thế, việc có thêm 7 tác phẩm âm nhạc dân tộc sau cuộc thi là điều rất quý, sẽ được chúng tôi sử dụng hiệu quả nhất”, ông Trần Đức Hà cho biết.

GIANG ĐÌNH

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/van-hoa/202307/tac-pham-doc-tau-hoa-tau-nhac-cu-dan-toc-dat-giaiduoc-dua-den-cong-chung-42a5c1d/
Zalo