Tắc ngập cao tốc Phan Thiết và nỗi lo chi phí logistics khi hạ tầng còn bất cập

Hạ tầng cao tốc nhưng còn bất cập cản trở cho hoạt động thông thương, làm tăng thời gian và chi phí logistics, giảm sức cạnh tranh dịch vụ logistics Việt Nam.

Rạng sáng 29/7 vừa qua, cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây “bỗng dưng” ngập lụt tại lý trình Km25+419 làm ùn ứ nghiêm trọng, kéo dài trong suốt hơn 5 giờ đồng hồ (từ 2h – hơn 7h sáng 29/7), hàng loạt xe ô tô chết máy, trong đó có những xe hàng hóa.

Ách tắc trên cao tốc dù ngắn hay dài cũng tác động tiêu cực, làm gián đoạn việc lưu thông hàng hóa từ phía Nam ra miền Trung, miền Bắc và lên Tây Nguyên, và ngược lại. Điều này một phần làm ảnh hưởng đến chất lượng hàng hóa, nhưng quan trọng và lớn hơn là nỗi lo về kéo dài thời gian giao nhận hàng hóa cũng như làm gia tăng chi phí logistics.

Đây là một điển hình của bất cập hạ tầng dẫn tới tăng chi phí và giảm sức cạnh tranh của ngành dịch vụ logistics.

Ách tăng kéo dài nhiều giờ đồng hồ cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây là minh chứng thực thế phản ánh bất cập hạ tầng logistics hiện nay kéo dài thời gian giao hàng và gia tăng chi phí, giảm sức cạnh tranh của dịch vụ logistics (Ảnh: MXH)

Ách tăng kéo dài nhiều giờ đồng hồ cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây là minh chứng thực thế phản ánh bất cập hạ tầng logistics hiện nay kéo dài thời gian giao hàng và gia tăng chi phí, giảm sức cạnh tranh của dịch vụ logistics (Ảnh: MXH)

Theo kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 (Quyết định 221/QĐ-TTg năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ), Việt Nam đặt mục tiêu tỷ trọng đóng góp của dịch vụ logistics vào GDP đạt 5 – 6%; chi phí logistics giảm xuống tương đương 16 – 20% GDP; tốc độ tăng trưởng dịch vụ logistics đạt 15 – 20%; xếp hạng theo chỉ số năng lực quốc gia về logistics trên thế giới đạt thứ 50 trở lên.

Theo báo cáo của Ngân hàng thế giới công bố năm 2023, Việt Nam đứng thứ 43 trong bảng xếp hạng chỉ số hiệu quả logistics, tốc độ tăng trưởng logistics bình quân hàng năm từ 14 – 16%. Với tốc độ tăng trưởng này đã góp phần quan trọng đưa kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam năm 2022 đạt hơn 730 tỷ USD.

Chỉ tiêu đóng góp của dịch vụ logistics vào GDP đạt 5 – 6% và chi phí logistics giảm xuống tương đương 16 – 20% GDP được cho là khá khó khăn. Nhất là trong bối cảnh hạ tầng logistics còn khá nhiều bất cập, cản trở phát triển giao thương, kéo dài thời gian vận chuyển và gia tăng chi phí logistics.

Theo bảng xếp hạng thường niên của Agility năm 2023, Việt Nam lọt top 10 thị trường logistics mới nổi trên thế giới. Nhưng, chi phí logistics trung bình của Việt Nam hiện ở mức 16,8 – 17% giá trị hàng hóa là vẫn còn cao so với bình quân chung (năm 2022, chi phí logistics là 16,8% GDP).

Hiệu quả hoạt động của tuyến hành lang kinh tế Đông – Tây (qua cửa khẩu Lao Bảo) và hành lang kinh tế Đông – Tây 2 (qua cửa khẩu Nam Giang) phản ánh rõ hạ tầng bất cập "cản trở" phát triển giao thương.

Hành lang kinh tế Đông – Tây (dài 1.450 km, đi qua 13 tỉnh thành 4 quốc gia gồm Việt Nam, Lào, Thái Lan, Myanmar) dù đã hình thành 17 năm vẫn tồn tại thực tế, quãng đường ngắn hơn mà chi phí vận chuyển cao hơn, thời gian vận chuyển dài hơn so với tuyến qua Thái Lan.

Sở Công Thương Đà Nẵng cho biết hàng hóa từ các tỉnh thành trên tuyến hành lang kinh tế Đông – Tây qua các quốc gia Đông Bắc Á chỉ về cảng Đà Nẵng (điểm cuối tuyến hành lang) khoảng 3% tổng lượng hàng hóa, còn lại chủ yếu qua cảng Lamchabang (Thái Lan). Dù cự ly vận tải qua Cảng Đà Nẵng gần hơn nhưng chi phí giá thành cao hơn cũng như thời gian vận chuyển lại dài hơn.

Hạ tầng giao thông trên tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây 2 (qua cửa khẩu Nam Giang (Quảng Nam) – Đắc Tà Oọc (Sê Kông, Lào) chưa được đầu tư tốt đang gây áp lực cản trở giao thương qua cửa khẩu Nam Giang phát triển

Hạ tầng giao thông trên tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây 2 (qua cửa khẩu Nam Giang (Quảng Nam) – Đắc Tà Oọc (Sê Kông, Lào) chưa được đầu tư tốt đang gây áp lực cản trở giao thương qua cửa khẩu Nam Giang phát triển

Tuyến hành lang kinh tế Đông – Tây 2 (qua cửa khẩu Nam Giang (Quảng Nam) – Đắc Tà Oọc (Sê Kông, Lào)) cũng hiện cũng được đánh giá chưa hoạt động hiệu quả do hạ tầng phục vụ dịch vụ logistics, tuyến đường lên cửa khẩu Nam Giang còn rất hoang vắng, chưa được đầu tư tốt.

UBND tỉnh Quảng Nam cho biết lượng hàng hóa qua cửa khẩu này ngày càng tăng nhưng hạ tầng giao thông phục vụ lại không tương xứng.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu qua cửa khẩu tăng 37,25%, nhập khẩu tăng 79%, quá cảnh tăng 40% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, hạ tầng giao thông qua tuyến cửa khẩu này đặc biệt là tuyến đường 14D, 14E vẫn còn chưa được đầu tư nâng cấp, cản trở rất lớn đến thông thương qua cửa khẩu.

Từ vụ việc tắc cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây đến thực trạng hoạt động của 2 tuyến hành lang kinh tế Đông – Tây đặt ra câu hỏi lớn về việc xây dựng hạ tầng theo kịp sự phát triển và đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành logistics.

Để thúc đẩy giao thương, vấn đề đầu tiên tính đến là quy hoạch hạ tầng giao thông phù hợp và theo kịp, “quy hoạch đi sự trước một bước” so với sự phát triển của hoạt động thương mại. Và để đạt mục tiêu tỷ trọng đóng góp của dịch vụ logistics vào GDP đạt 5 – 6%; chi phí logistics giảm xuống tương đương 16 – 20% GDP thì khắc phục bất cập hạ tầng giao thông là điều cấp thiết và đóng vai trò then chốt.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam vừa có văn bản gửi bộ Giao thông Vận tải về kết quả nghiên cứu các phương án mở rộng, nâng cấo quốc lộ 14D trên địa bàn tỉnh. Theo đó, UBND tỉnh Quảng Nam cho biết việc nâng cấp quốc lộ 14D là rất cần thiết và cấp bách để đáp ứng yêu cầu giao thương hàng hóa qua cửa khẩu Nam Giang.

Theo UBND tỉnh Quảng Nam, phương án đề xuất nâng cấp theo hình thức PPP (BOT) là không khả thi do vướng pháp lý và đề nghị bộ Giao thông Vận tải báo cáo Thủ tướng Chính phủ chuyển dự án sang đầu tư công.

Theo phương án đầu tư công do tỉnh Quảng Nam đề xuất, dự án mở rộng, nâng cấp quốc lộ 14D được chia làm 2 giai đoạn với tổng vốn đầu tư hơn 2.700 tỷ đồng.

Tuyến đường bộ cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tiến trình đầu tư trước 2030; và giao UBND tỉnh Quảng Trị triển khai thực hiện. Dự án được đầu tư theo phương thức PPP (hợp tác công – tư).

Mới đây, UBND tỉnh Quảng Trị đã chấp thuận công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải là nhà đầu tư đề xuất dự án, lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường bộ cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo.

Theo quy hoạch đã được phê duyệt, tuyến cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo dài 56km, quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 17m, tổng mức đầu tư dự án gần 8.000 tỷ đồng.

Việc đầu tư xây dựng cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo sẽ giảm tải áp lực vận tải hàng hóa trên tuyến hành lang kinh tế Đông – Tây qua Quốc lộ 9 đã xuống cấp và quá tải; tăng tính kết nối và thông thương hàng hóa giữa Việt Nam với các nước trong khu vực trên tuyến EWEC.

Bình An

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tac-ngap-cao-toc-phan-thiet-va-noi-lo-chi-phi-logistics-khi-ha-tang-con-bat-cap-264489.html
Zalo