Tọa đàm về 'Tác hại của thuốc lá và khuyến cáo với thanh niên, sinh viên'

Chiều nay, 12/12, Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Phương Anh - Trưởng Khoa thăm dò và Phục hồi Chức năng, Bệnh viện Phổi Trung ương và Ths. Trần Trọng Đại - Phó Bí thư Đoàn Trường Đại học Luật Hà Nội tọa đàm về 'Tác hại của thuốc lá và khuyến cáo với thanh niên, sinh viên' tại Báo Pháp luật Việt Nam.

Có hàng nghìn thành phần hóa học được tìm thấy trong khói thuốc lá và hàng trăm thành phần trong số đó gây hại đến sức khỏe con người, hàng chục chất có khả năng gây ung thư bao gồm cả các chất gây nghiện và gây độc.

Thông tin từ Bộ Y tế, Việt Nam là một trong 15 nước có số người hút thuốc lá cao nhất trên thế giới, đứng thứ 3 trong ASEAN. Có 38,9% nam giới trên 15 tuổi tại Việt Nam hút thuốc. Hàng năm có tới 40.000 ca tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá (bao gồm nạn nhân tiếp xúc khói thuốc một cách thụ động).

Tác hại của thuốc lá không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất mà còn tác động sâu sắc đến tâm lý, xã hội và môi trường của người trẻ.

Việc thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá hơn 10 năm qua đã hạn chế đáng kể số người hút thuốc lá, từ đó kéo giảm tình trạng tử vong và bệnh tật liên quan đến thuốc lá.

Điều đó cũng đồng nghĩa tăng cường thực hiện Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá sẽ bảo vệ tốt hơn sức khỏe cộng đồng, nhất là thanh niên và người chưa hút thuốc, đặc biệt trong bối cảnh những loại thuốc lá mới… đang “lôi kéo” giới trẻ như hiện nay.

Toàn cảnh Tọa đàm tại Báo Pháp luật Việt Nam

Toàn cảnh Tọa đàm tại Báo Pháp luật Việt Nam

Nhằm góp phần nâng cao hiệu quả thực hiện Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá, hướng tới đối tượng mục tiêu là thanh niên, sinh viên, chiều 12/12, Tọa đàm “Tác hại của thuốc lá và khuyến cáo với thanh niên, sinh viên” diễn ra tại Báo Pháp luật Việt Nam. Tọa đàm có sự tham gia trực tiếp của Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Phương Anh, Trưởng Khoa thăm dò và Phục hồi Chức năng, Bệnh viện Phổi Trung ương; và Ths. Trần Trọng Đại - Phó Bí thư Đoàn Trường Đại học Luật Hà Nội.

14h10: Bắt đầu Tọa đàm

Bác sĩ có thể khái quát, thuốc lá ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe của con người?

- Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Phương Anh: Đầu tiên, người hút thuốc sẽ bị ảnh hưởng vùng hầu họng, khoang miệng, răng, lợi, đường hô hấp, tim mạch. Có rất nhiều bệnh ung thư gây ra do thuốc lá, ở khu vực ung thư vòm họng, mạch vành, mạch máu não, cơ quan về tiêu hóa, chuyển hóa, bệnh lý về xương, răng, lông, tóc, móng, da… Các chất trong thuốc lá cũng ảnh hưởng đến bệnh mạn tính: hen phế quản, viêm phổi. Việc sử dụng thuốc lá ảnh hưởng lớn đến chức năng sinh sản của nam và nữ. Bố, mẹ hút thuốc thì tỷ lệ con bị đẻ non sẽ rất cao. Như thế, có thể nói, tất cả cơ quan, bộ phận trong cơ thể người đều bị thuốc lá gây tác hại.

Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Phương Anh - Trưởng Khoa thăm dò và Phục hồi Chức năng, Bệnh viện Phổi Trung ương

Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Phương Anh - Trưởng Khoa thăm dò và Phục hồi Chức năng, Bệnh viện Phổi Trung ương

Bác sĩ có thể nói rõ hơn, thuốc lá là nguyên nhân dẫn đến những bệnh nghiêm trọng nào?

- Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Phương Anh: Trong khói thuốc là có đến 7.000 chất độc hại, trong đó có 70 chất gây ung thư. Thành phần CO2 từ khói sinh ra, chính CO2 ảnh hưởng đến quá trình hấp thụ oxy trong cơ thể, gây các bệnh mãn tính. Ngoài người hút trực tiếp, khói thuốc còn ảnh hưởng người hút thuốc thụ động - những người không hút thuốc làm việc trong môi trường khói thuốc. Các nghiên cứu chỉ ra, người không hút thuốc mà làm việc trong môi trường khói thuốc thì cũng ảnh hưởng tương tự như hút 5 điếu thuốc 1 ngày.

Có rất nhiều bệnh nghiêm trọng có tác nhân do các chất độc hại từ thuốc lá như: Tai biến mạch máu não do huyết khối, bệnh lý mạch vành, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Bệnh nào cũng nguy hiểm, đặc biệt là bệnh hô hấp và tim mạch. Những bệnh này ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống cá nhân người hút cũng như gia đình họ hằng ngày. Ví dụ, người mắc bệnh tim mạch, phải phẫu thuật, điều trị ung thư… khi điều trị để lại gánh nặng kinh tế cho chính mình và người thân. Những em bé được sinh ra trong môi trường nhiều khói thuốc dễ bị các bệnh lý hen phế quản, thiếu cân, dị dạng về thai nhi. Đó là những khó khăn, tác động tiêu cực của thuốc lá đối với người hút thuốc và gia đình họ.

Ths. Trần Trọng Đại nhận định thế nào về tình trạng thanh niên, sinh viên hút thuốc, bao gồm thuốc lá mới, hiện nay? Nguyên nhân của tình trạng này?

- Ths. Trần Trọng Đại, Phó Bí thư Đoàn Trường Đại học Luật Hà Nội: Dưới góc độ vừa là giảng viên, vừa tham gia quản lý đoàn viên, thanh niên trong 1 trường Đại học, tôi thấy thế hệ sinh viên này đến thế hệ khác vẫn tồn tại tình trạng sử dụng thuốc lá điếu truyền thống. Từ thời sinh viên đến giờ là giảng viên, tôi vẫn thấy không ít người hút thuốc. Thuốc lá truyền thống thường thì nam thanh niên, nam sinh viên hút. Nhưng gần đây, thuốc lá mới xuất hiện tác động tới cả nữ sinh viên.

Trước khi tham gia tọa đàm này, tôi đã làm một cuộc khảo sát phạm vi hẹp trong trường Đại học Luật. Trong hơn 340 người tham gia khảo sát thì có gần 50 người sử dụng thuốc lá điện tử. Nếu khảo sát toàn trường hoặc nhiều trường, số người sử dụng thuốc lá mới chắc sẽ cao hơn. Tuy tỷ lệ chưa lớn so với người hút thuốc lá điếu truyền thống nhưng thực trạng hiện nay cho thấy việc sử dụng các loại thuốc lá mới có thể tràn lan, do bản tính của thanh niên là theo nhau, đua nhau, muốn thử cảm giác lạ.

Ths. Trần Trọng Đại - Phó Bí thư Đoàn Trường Đại học Luật Hà Nội.

Ths. Trần Trọng Đại - Phó Bí thư Đoàn Trường Đại học Luật Hà Nội.

Theo Ths. Trần Trọng Đại, việc sử dụng thuốc lá sẽ ảnh hưởng thể nào tới thể chất, tinh thần cũng như hoạt động học tập, đời sống… của sinh viên?

- Ths. Trần Trọng Đại, Phó Bí thư Đoàn Trường Đại học Luật Hà Nội: Rất hạn chế trường hợp hút trong lớp nhưng trên bục giảng, thầy cô có thể cảm giác một số sinh viên của mình bồn chồn, thèm thuồng, vì các bạn mang thuốc trong người hoặc ngửi thấy mùi thuốc. Sinh viên hút thuốc trước mắt có thể chưa cảm thấy tác hại về thể chất nhưng sau thời gian dài chắc chắn sẽ ảnh hưởng. Các chất gây nghiện của thuốc lá khiến sinh viên không tập trung tinh thần, xao nhãng học tập khi không được hút thuốc như kể trên. Hút thuốc nhiều thì sinh bệnh như Bác sĩ Nguyễn Thị Phương Anh nêu trên.

Cũng phải kể đến, hút thuốc thì phải tốn tiền mua thuốc, điều này ảnh hưởng tới sinh hoạt của sinh viên khi phần lớn các em chỉ được gia đình chu cấp một khoản tiền nhất định...

Bác sĩ Nguyễn Thị Phương Anh có thể cho biết ảnh hưởng của thuốc lá mới đối với người trẻ?

- Ths. Bác sĩ Nguyễn Thị Phương Anh: Nói về ảnh hưởng thì ngành y cần bằng chứng khoa học. Hiện các nghiên cứu còn hạn chế. Về góc độ ngành y có thể ghi nhận những ca bệnh có liên quan, đơn cử một ca bệnh trẻ ở TP HCM, được đưa vào cấp cứu, ghi bệnh cấp tiến triển (ARDF). Phổi không còn chức năng, phải thở máy. Bệnh nhân này kể lại, ngày hút thuốc khoảng 30 lần...

Chúng tôi đã ghi nhận rất nhiều trường hợp bệnh nặng do thuốc lá điện tử hay thuốc lá nung nóng. Đã có báo cáo về tổn thương hàm mặt vì nổ dụng cụ hút thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, vì dụng cụ cần dùng pin để nung nóng, cho hoạt chất bay hơi.

Giới trẻ thích hút thuốc lá điện tử. Có hơn 25.000 chất đưa vào để tạo hoạt chất cho thuốc lá, muốn vị nào cũng có. Các hoạt chất không tự nhiên, phải có chất mang, tồn tại dưới dạng kim loại, người hút ngộ độc hương liệu...

Nhà sản xuất tuyên truyền thuốc lá điện tử ít hại hơn thuốc lá điếu. Tuy nhiên, thực tế, các loại thuốc lá mới đều có chất độc hại, tạo ra CO2, nicotine, thuốc lá điếu có hại thế nào thì thuốc lá điện tử, nung nóng có hại như thế; thậm chí các loại thuốc lá mới còn tác hại hơn.

Có người đặt câu hỏi, nicotine trong thuốc lá điện tử thấp, có gây nghiện không? Có thể khẳng định, người hút chỉ 1 hơi là đã gây nghiện. Chỉ cần có nicotine là kích thích cơ thể, không phải hàm lượng nicotine cao thì thì gây nghiện còn thấp thì không.

Thuốc lá điện tử xâm nhập thị trường sẽ làm tăng nguy cơ hút thuốc lá điếu. Ban đầu giới trẻ hút thuốc lá điện tử cho vui nhưng dần dần sẽ nghiện vì nicotine hoặc nghiện những chất khác trong thuốc lá điện tử. Đến giai đoạn có tuổi thì bỏ thuốc lá điện tử hút thuốc lá điếu.

Theo bác sĩ, nếu đã hút thuốc trong thời gian dài, hút nhiều thuốc lá, người hút nên làm gì để ngăn chặn tác hại của thuốc lá?

Theo bác sĩ, nếu đã hút thuốc trong thời gian dài, hút nhiều thuốc lá, người hút nên làm gì để ngăn chặn tác hại của thuốc lá?

- Ths. Bác sĩ Nguyễn Thị Phương Anh: Với những người hút thuốc thì bỏ ở bất cứ thời điểm nào cũng đều giúp kéo dài tuổi thọ. Các trường hợp phải phẫu thuật nói chung, bác sĩ đều khuyến cáo cần bỏ thuốc 2 tuần trước phẫu thuật, không thì sẽ có nguy cơ viêm phổi sau phẫu thuật.

Với những người chưa hút hoặc có đang có ý định hút, tôi khuyên không nên thử, dù chỉ 1 lần. Đừng đua đòi theo bạn bè, hội nhóm, hút thuốc để thể hiện bản thân, nếu không sẽ nghiện nicotine. Khi đó, cơ thể không có nicotine sẽ không chịu được.

Người dân nên tìm hiểu kỹ về những tác hại của thuốc lá. Hiện nay có rất nhiều người không tìm hiểu về vấn đề này, chỉ khi nào có bệnh mới vào bệnh viện tìm cách chữa trị.

Trong Viện chúng tôi, nhiều bệnh nhân phải thở máy, thở oxy, tuy nhiên, rất nhiều người trong số đó chỉ chờ khi nào không có bác sĩ thì hút trộm 1 điếu cho đỡ thèm. Như vậy có thể thấy rằng, thuốc lá gây nghiện rất cao.

Hút thuốc thực sự rất khó bỏ và tôi xin nhấn mạnh lời khuyên tôi dành cho mọi người, là không nên hút thử thuốc lá, dù chỉ một lần, đặc biệt là các bạn trẻ.

Khi quyết tâm bỏ thuốc thì phải kiên định và cần có một quá trình. 5 ngày trước khi bỏ thuốc, nên lựa chọn ngày không áp lực; tuyên bố với bạn bè, người thân “Tôi bỏ thuốc". Thứ nhất, loại bỏ dụng cụ liên quan đến thuốc. Trước ngày bỏ thuốc thì giặt sạch chăn màn, quần áo.

Thứ 2 nên chọn địa điểm vui chơi cùng bạn bè, nhớ là không mang theo thuốc lá.

Thứ 3, với những trường hợp phụ thuộc vào nicotine sẽ phải có bổ sung nicotine hỗ trợ do bác sĩ kê, giúp giảm gánh nặng do việc cai thuốc gây ra.

Thứ 4, tạo thú vui khác, ví dụ ăn vặt…

Thứ 5, liên tục củng cố niềm tin, quyết tâm về cai thuốc.

Thứ 6, đã cai rồi thì nhất định không hút lại dù chỉ 1 hơi. Vì rất dễ gây nghiện trở lại.

Quá trình đó rất dài, các bác sĩ sẽ phải động viên liên tục. Người bỏ thuốc cần sự đồng hành của cả người thân và nhân viên y tế.

Theo Ths. Trần Trọng Đại, truyền thông, mạng xã hội có tác động thế nào trong việc khuyến khích hoặc hạn chế hành vi hút thuốc ở giới trẻ?

Theo Ths. Trần Trọng Đại, truyền thông, mạng xã hội có tác động thế nào trong việc khuyến khích hoặc hạn chế hành vi hút thuốc ở giới trẻ?

- Ths. Trần Trọng Đại: Nói về truyền thông, vừa là chuyên môn, vừa là sở thích của tôi. Tôi hay xem quảng cáo của các KOLs… Sản phẩm thuốc lá mới đến 2025 mới bị cấm. Khi sản phẩm chưa bị cấm, chủ thể bán không có rào cản, tiếp cận với học sinh, sinh viên rất dễ. Quảng cáo về thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đang chủ động tác động giới trẻ. Học sinh, sinh viên đang xem quảng cáo về thuốc lá mới một cách thụ động.

Khi các bạn trẻ vô tình lướt vào quảng cáo thuốc lá rồi lướt các clip quảng cáo thuốc lá thì quảng cáo lặp lại. Truyền thông là "con dao 2 lưỡi", các bạn trẻ "quanh quẩn" với hình ảnh, với quảng cáo về sản phẩm thuốc lá rồi sẽ bị thôi thúc mua sản phẩm đó.

Đối với những người không quan tâm, thì quảng cáo đó không xuất hiện trên mạng xã hội nữa.

Cần hành lang pháp lý, cần sớm có cơ chế cấm triệt để thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.

Anh cho biết, sinh viên sử dụng thuốc lá có thể vi phạm những quy định nào? Nếu vi phạm thì hình thức xử lý thế nào?

- Ths. Trần Trọng Đại: Nhà trường mới thành lập Tiểu ban phòng, chống tác hại của bia, rượu, thuốc lá… Bước đầu, Tiểu ban đưa về các lớp mẫu cam kết không sử dụng bia, rượu, thuốc lá trong trường học. Đây là cam kết để sinh viên biết đến, chúng tôi đang xem xét chế tài xử phạt cụ thể. Sinh viên khó sử dụng thuốc lá hàng ngày trên giảng đường. Khi hút thuốc bị nhắc nhở, các em sẽ tìm những chỗ ít người biết để tụ tập, hút…

Đoàn thanh niên trường Đại học Luật Hà Nội đang nghiên cứu để tham mưu lãnh đạo trường cách thức hạn chế sinh viên sử dụng thuốc lá. Chúng tôi sẽ tham khảo mô hình các nước như Singrapore...

- Ths. Bác sĩ Nguyễn Thị Phương Anh: Liên quan đến nội dung này, tôi có ý kiến trao đổi thêm. Khi có quy định xử phạt nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông, hiệu quả của việc chống tác hại của bia, rượu có thể thấy ngay. Cảnh sát "vào cuộc" với khung xử phạt vi phạm đủ sức răn đe. Người uống rượu, bia ít hẳn; hạn chế tình trạng ép nhau uống rượu, bia; quán nhậu vắng khách hẳn.

Chúng ta đã có Luật phòng, chống tác hại thuốc lá, tuy nhiên, công tác phòng, chống tác hại thuốc lá thì gian nan hơn. Người hút thuốc bị cấm hút nơi công cộng, nơi có biển cấm và bỏ thuốc trên tinh thần tự nguyện là chính. Họ dễ dáng hút ở những nơi khác hoặc hút lén lút, hút khi không có lực lượng giám sát. Quy định cấm có khi chỉ áp dụng được với một số đối tượng, bởi không có biện pháp xử lý mạnh. Ví dụ tại bệnh viện cấm hút thì bệnh nhân không hút nhưng người nhà bệnh nhân lại hút. Các em sinh viên cũng vậy, có thể không hút ở những nơi treo biển cấm, có quy định cấm, sẽ hút ở nơi khác hoặc lén lút hút ở nơi cấm mà không có sự giám sát chặt.

Theo tôi, để bảo vệ sinh viên khỏi tác hại của thuốc lá, nhà trường cần có nội quy, quy định đủ để ngăn chặn các em không hút thuốc, khiến các em phải quyết tâm bỏ thuốc.

Bác sĩ có lời khuyên nào đối với người trẻ nói chung, sinh viên nói riêng trước sự hấp dẫn của thuốc lá, đặc biệt là thuốc lá mới?

Bác sĩ có lời khuyên nào đối với người trẻ nói chung, sinh viên nói riêng trước sự hấp dẫn của thuốc lá, đặc biệt là thuốc lá mới?

- Ths. Bác sĩ Nguyễn Thị Phương Anh: Sinh viên nên tìm hiểu kỹ tác hại của các loại thuốc lá, việc tìm hiểu với sinh viên sẽ dễ dàng hơn các đối tượng khác, vì các bạn nhanh nhạy với các nguồn thông tin. Các bạn nên tìm hiểu kỹ tất cả các thành phần, chế phẩm của thuốc lá.

Lời khuyên đơn giản hơn, ai chưa từng hút thì không nên thử, tuyệt đối không hút.

Các bạn đã hút thì nên bỏ càng sớm càng tốt. Đã nhận diện những tác hại của thuốc lá thì hãy quyết tâm bỏ thuốc.

Đối với người đã đến trạng thái muốn bỏ nhưng không bỏ được thì nên tìm đến các cơ sở y tế để được tư vấn trực tiếp về quá trình bỏ thuốc.

Có 3 yếu tố để các bạn tránh được tác hại của các loại thuốc lá, đặc biệt là thuốc lá mới: Hiểu biết, quyết tâm, hỗ trợ. Trong 3 yếu tố thì quyết tâm là quan trọng nhất.

Ths. Trần Trọng Đại có thể cho biết vai trò của Đoàn thanh niên trong công tác phòng, chống tác hại thuốc lá? Đoàn thanh niên trường ĐH Luật Hà Nội đã triển khai những hoạt động hay phối hợp tổ chức những chương trình nào để nâng cao nhận thức về phòng, chống tác hại của thuốc lá, đặc biệt là thuốc lá mới?

- Ths. Trần Trọng Đại: Đoàn xác định một số hoạt động trọng tâm: Tháng thanh niên sẽ có chuỗi hoạt động dành cho đoàn viên trong đó sẽ có thể có những buổi trao đổi, chia sẻ từ các chuyên gia cho sinh viên về tác hại của thuốc lá. Có thể tổ chức online để thu hút được đông người tham gia.

Đoàn cũng xây dựng nhiều hơn hoạt động thể dục thể thao. Một biện pháp hiệu quả trong quá trình bỏ thuốc là tham gia hoạt động dã ngoại, hoạt động tập thể vui vẻ. Ngày hội thể dục thể thao tạo điều kiện cho nhiều sinh viên tham gia, là hoạt động thể chất tích cực, sẽ giúp các bạn hút thuốc quên dần thuốc lá, không sử dụng thuốc lá nữa.

Đoàn sẽ nâng cao, đẩy mạnh hơn chương trình phối hợp với các cơ quan, đơn vị chuyên môn như các bệnh viện để thực hiện tuyên truyền phòng, chống tác hại của thuốc lá có hiệu quả hơn. Các sinh viên sẽ được tiếp nhận đầy đủ, sâu rộng thông tin về tác hại, hậu quả do sử dụng thuốc lá. Ví dụ như tìm hiểu hình ảnh điều trị bệnh nhân tại các bệnh viện để sinh viên nhìn thấy, cảm nhận tác hại của thuốc lá trực quan, dễ hiểu hơn. Tôi mong muốn sắp tới trường có thể tổ chức các chương trình truyền thông về phòng, chống tác hại thuốc lá như chương trình mà Báo Pháp luật Việt Nam tổ chức hôm nay. Tôi mong trường nhận được sự phối hợp, hỗ trợ trong các hoạt động của các chuyên gia về phòng, chống tác hại thuốc lá như Bác sĩ Nguyễn Thị Phương Anh đây.

Với vai trò là một cán bộ Đoàn, anh có kiến nghị gì tới các cơ quan chức năng để hỗ trợ công tác ngăn ngừa hành vi hút thuốc lá ở thanh niên, sinh viên?

Với vai trò là một cán bộ Đoàn, anh có kiến nghị gì tới các cơ quan chức năng để hỗ trợ công tác ngăn ngừa hành vi hút thuốc lá ở thanh niên, sinh viên?

- Ths. Trần Trọng Đại: Chúng tôi mong muốn trong công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá, trên, dưới đồng lòng, đặt sức khỏe của mỗi công dân, của cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ lên trên hết.

Quốc hội đã thông qua Nghị quyết cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, các loại khí, chất gây nghiện, gây tác hại cho sức khỏe con người từ năm 2025. Mong Bộ, ngành chức năng sớm xây dựng các văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị quyết này của Quốc hội để kịp thời ngăn chặn tác hại của các loại thuốc lá mới với giới trẻ, với sinh viên.

Đoàn thanh niên trường Đại học Luật Hà Nội sẵn sàng triển khai tuyên truyền, hướng dẫn sinh viên thực hiện các quy định để công tác phòng, chống thuốc lá mới trong trường hiệu quả như mong muốn.

- Ths. Bác sĩ Nguyễn Thị Phương Anh và Ths. Trần Trọng Đại đã cung cấp thêm những kiến thức thiết thực, đa chiều về tác hại của các loại thuốc lá và lời khuyên quý báu đối với giới trẻ. Hy vọng đông đảo thanh niên, đặc biệt là sinh viên tiếp cận được nội dung Tọa đàm để có hành vi đúng, phòng tránh được tác hại của thuốc lá. Trân trọng cảm ơn hai chuyên gia đã tham gia tọa đàm!

16h35: Tọa đàm kết thúc

Nhóm PV

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/toa-dam-ve-tac-hai-cua-thuoc-la-va-khuyen-cao-voi-thanh-nien-sinh-vien-post534615.html
Zalo