Tác hại của 'thuốc lá nhẹ'

Để giảm tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe, nhiều người thay vì cai thuốc lá đã chọn 'thuốc lá nhẹ' để sử dụng. Song nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, không có bằng chứng chứng minh 'thuốc lá nhẹ' an toàn hơn thuốc lá thông thường.

“Thuốc lá nhẹ” với nhiều loại phong phú, đa dạng, hình ảnh bắt mắt trên internet -Ảnh: T.L

“Thuốc lá nhẹ” với nhiều loại phong phú, đa dạng, hình ảnh bắt mắt trên internet -Ảnh: T.L

Anh Hà Quân T., TP. Đông Hà, 35 tuổi có thời gian hút thuốc lá gần 10 năm nay. Vốn là kỹ sư xây dựng, đi lại nhiều nơi, tiếp xúc nhiều với bạn bè, đối tác nên từ năm 2015, anh T. bắt đầu hút thuốc lá. Ban đầu chỉ hút vài điếu cho vui nhưng rồi bị nghiện thuốc lá lúc nào không hay, mỗi ngày phải hút từ 1-2 gói thuốc lá. Trong suốt quảng thời gian hút thuốc lá, anh T. thường xuyên bị ho, khản giọng, đắng miệng...

Hai năm trở lại đây, do trong nhà có con nhỏ, các thành viên trong gia đình khuyên răn, anh đã quyết tâm bỏ thuốc lá nhưng không thành công. Thông qua giới thiệu của bạn bè và các thông tin quảng cáo trên internet, anh T. đã chọn “thuốc lá nhẹ” để sử dụng thay thế các loại thuốc lá thông thường.

Anh T. chia sẻ: “Theo các thông tin quảng cáo thì hút “thuốc lá nhẹ” sẽ giảm độc hại đối với sức khỏe của bản thân cũng như người xung quanh nên tôi đã sử dụng loại thuốc này gần 2 năm nay. Không biết thực hư về tính độc hại thế nào nhưng tôi thấy tình trạng ho, khản giọng vẫn không thuyên giảm.

Vả lại, vì “thuốc lá nhẹ” nên quá trình hút tôi phải hít hơi dài, sâu hơn để thỏa mãn cơn nghiện, số lượng điếu hút hằng ngày cũng không giảm là bao so với hút các loại thuốc lá thông thường trước đây. Sắp tới, tôi sẽ lên kế hoạch cụ thể cho bản thân, quyết tâm giảm số lượng điếu hút/ngày, tiến tới bỏ hút thuốc lá để bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình”.

Hiện nay, trên thị trường xuất hiện rất nhiều loại thuốc lá được quảng cáo là “ít hắc ín” (low tar), nhẹ (light), siêu nhẹ (ultra light), dịu êm (mild). Hay một số loại thuốc lá được bán ra với mác “hoàn toàn tự nhiên” (all natural). Các loại thuốc lá này được quảng cáo không chứa các chất hóa học hoặc chất phụ gia và được cuốn cùng đầu lọc có thành phần 100% cotton. Nhiều người hút thuốc lá sử dụng vì tin rằng chúng ít chất độc hại hơn các loại thuốc lá thông thường khác.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, không có bằng chứng chứng minh “thuốc lá nhẹ” an toàn hơn thuốc lá thông thường. Nhựa thuốc lá (hắc ín) chính là sản phẩm của sự cô đặc khói thuốc, có màu đen và quánh giống như nhựa đường. Trong nhựa thuốc lá đó chứa hàng nghìn chất hóa học, trong đó có các chất độc và chất gây ung thư. Khi khói thuốc được hít vào phổi, các chất nhựa lắng đọng và bám vào các khoang chứa khí của phổi. Đồng thời các hóa chất độc trong khói thuốc sẽ tấn công vào tế bào tại đường hô hấp và toàn bộ cơ thể.

Hắc ín bị xem là một trong những thành phần cực kỳ độc hại của thuốc lá. Khói từ tất cả các loại thuốc lá, dù thuốc lá thông thường hay “thuốc lá nhẹ”, ngay cả loại thuốc lá thảo mộc không chứa lá thuốc lá cũng tạo ra hắc ín. “Thuốc lá nhẹ” tuy được quảng cáo là ít hắc ín hơn nhưng lượng hắc ín mà người hút thuốc lá hít vào từ một điếu “thuốc lá nhẹ” cũng cao ngang một điếu thuốc lá thông thường nếu người hút thuốc hít dài, sâu hoặc thường xuyên. Vì thực tế, những người khi đã nghiện thuốc cần một lượng nicotin đủ mới giải tỏa được cơn ghiền thuốc.

Trên thực tế, trong khói thuốc người ta tìm thấy khoảng 7.000 chất độc, trong đó có khoảng 70 chất có thể gây ung thư. Đặc biệt, trong thuốc lá có chất gây nghiện nicotine khiến người hút thuốc lá ngày càng lệ thuộc vào thuốc lá và rất khó bỏ thuốc. Nicotine được hấp thụ vào máu và ảnh hưởng đến não bộ trong khoảng 10 giây sau khi hút vào.

Theo khuyến cáo của bác sĩ, khi hút “thuốc lá nhẹ” sẽ thường nguy hiểm hơn khi hút thuốc lá thông thường do người hút “thuốc lá nhẹ” thường hít khói thuốc vào thật sâu trong cơ thể rồi mới nhả ra, điều này gây tổn hại lớn cho sức khỏe người dùng. Không những thế, thuốc lá hiện nay thường không nguyên chất mà trộn lẫn nhiều hóa chất nên gây độc hại cho cơ thể gấp nhiều lần.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, thuốc lá là sản phẩm tiêu dùng hợp pháp duy nhất gây tử vong cho một nửa số người sử dụng nó cùng hàng trăm nghìn người không hút thuốc lá khác. So sánh với các nguy cơ khác, nguy cơ tử vong sớm do hút thuốc lá là rất cao. Sử dụng thuốc lá là nguyên nhân của 25 căn bệnh mà đứng số 1 trong số các căn bệnh nghiêm trọng là ung thư phổi. Khi sử dụng thuốc lá, thanh quản tiếp xúc trực tiếp với chất sinh ung thư trong khói thuốc lá khi hơi thuốc được hít qua thanh môn ở khoảng giữa hai dây thanh âm.

Bên cạnh đó, các nghiên cứu thực nghiệm và nghiên cứu dịch tễ học đã chứng minh rằng hút thuốc lá là nguyên nhân của ung thư hầu và khoang miệng. Các dẫn chất trong khói thuốc lá có chứa các chất thúc đẩy sự phát triển của ung thư trong khoang miệng. Những căn bệnh ung thư liên quan đến thuốc lá còn phải kể đến ung thư thực quản, ung thư tụy, ung thư bàng quang, ung thư thận, ung thư cổ tử cung, ung thư dạ dày...

Không chỉ gây ra bệnh ung thư, thuốc lá còn gây ra các căn bệnh về tim mạch, hô hấp, các bệnh liên quan đến sức khỏe sinh sản và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ em khi phải hút thuốc lá thụ động từ trong bụng mẹ cho đến khi ra đời, sống trong môi trường có khói thuốc lá.

Thuốc lá thông thường, thuốc lá điện tử hay bất kỳ các sản phẩm thuốc lá nào cũng chứa nhiều độc tố nguy hiểm. Điều tốt mà mỗi người nên làm để bảo vệ sức khỏe của chính mình và cộng đồng là bỏ thuốc lá hoàn toàn. Để thực hiện điều này có thể không dễ dàng nhưng đối với người nghiện thuốc lá, cai nghiện bất cứ lúc nào cũng là chưa muộn, cần phải tập “nói không” với cả các loại thuốc lá, kể cả những loại thuốc lá được gắn mác “thuốc lá nhẹ”.

T.L

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/tac-hai-cua-thuoc-la-nhe-188848.htm
Zalo