'Tắc' đường ra biển, hơn 200 tàu cá của ngư dân Quảng Bình gặp khó
Mặc dù được đầu tư nạo vét khơi thông, nhưng chỉ sau ít tháng, cửa sông Lý Hòa đổ ra biển đã trở về tình trạng bồi lấp ban đầu và kéo dài cho đến nay, khiến tàu thuyền của bà con gặp khó, ngành thủy sản địa phương vì vậy cũng đối mặt với 'điểm nghẽn' bất khả kháng.
Nạo vét rồi lại tắc, dự án 14 tỷ đồng như “muối bỏ biển”
Đã nhiều năm nay, tàu thuyền của bà con ngư dân xã Hải Phú và xã Đức Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) khi đánh bắt về đều phải đậu ở bãi ngang cửa biển, hoặc cất công đi xa hơn đến các bến cảng của huyện, thị khác neo đậu dù địa phương đã có sông Lý Hòa… ngay trước mặt.
Điều này được cho biết xuất phát từ việc cửa sông Lý Hòa đổ ra biển đã bị bồi lấp; cửa cạn, nhiều tàu vào ra đều mắc đáy, gây hư hỏng phương tiện.
“Năm nay mùa khô cửa sông đổ ra biển cạn vô cùng, chỉ sâu tầm 20 phân, cát bồi đắp nữa nên đến thuyền nhỏ cũng khó lòng mà qua được. Mới tháng 4 đây thôi, một con tàu của ngư dân mắc cạn, chúng tôi phải huy động bà con và xã hỗ trợ ứng cứu”, ông Hoàng Minh Hồng, trưởng thôn Ngoại Hòa, xã Hải Phú cho biết.
Được biết, trước tình trạng bồi lấp đường ra biển, UBND tỉnh Quảng Bình đã thực hiện dự án nạo vét cửa sông Lý Hòa, hoàn thành trong năm 2022 với tổng mức đầu tư 14 tỷ đồng, nhằm mục đích khơi thông dòng chảy và bố trí an toàn giao thông đường thủy nội địa, đảm bảo cho tàu thuyền nghề cá có công suất đến 150Cv vào cập bến cá Đức Trạch, nâng cao năng lực vận tải của các phương tiện lưu thông trên tuyến sông Lý Hòa, đồng thời góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, sau khi hoàn thành, tình trạng bồi lấp tiếp tục tái diễn.
“Nhờ sự quan tâm của cấp trên, cửa sông được nạo vét để khơi thông con đường từ sông Lý Hòa ra biển, mục đích để bà con thuận tiện hơn trong neo đậu, tránh trú bão, góp phần phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá nữa. Nhưng nạo vét không lâu thì đã bồi lấp lại hoàn toàn”, Phó Chủ tịch UBND xã Hải Phú Nguyễn Xuân Tuyển cho biết.
Cửa biển bị bồi lấp đã gây ảnh hưởng đến sinh kế của bà con ngư dân tại xã biển Hải Phú và Đức Trạch. Được biết, xã Đức Trạch có khoảng 200 tàu, xã Hải Phú có hơn 30 tàu, nhưng không khi nào có thể an tâm đậu tàu gần nhà mà phải đến bến cảng của huyện Quảng Trạch, TP. Đồng Hới hoặc cảng của các tỉnh lân cận thu mua, neo đậu cũng như tránh trú bão.
“Do cửa biển cạn thế này nên tàu nhà tôi cũng ít đi biển hơn. Mỗi lần đi thì neo tàu ngoài biển rồi lội nước, bơi ra lên tàu. Đặc biệt, cửa sông cạn thì khi có sóng to gió lớn, tàu thuyền của bà con ngư dân càng dễ gặp nguy hiểm do gió đẩy thuyền dễ mắc cạn hơn. Trong những năm gần đây, một số tàu mắc cạn, để lại đà ở dưới lớp cát. Nếu không may bị đà đâm sẽ gây thủng thuyền”, ngư dân Nguyễn Thăng Long (70 tuổi) thôn Ngoại Hòa, xã Hải Phú cho biết.
Kỳ vọng đắp kè để an tâm mùa bão, phát triển ngư nghiệp địa phương
Bờ biển bãi ngang xã Hải Phú và xã Đức Trạch nằm tiếp giáp, chỉ cách một cửa sông Lý Hòa. Với đặc điểm này, địa phương có điều kiện phát triển ngư nghiệp và các dịch vụ hậu cần nghề cá. Cửa sông cũng được hy vọng là nơi để tàu thuyền neo đậu khi về bờ và nhanh chóng tránh trú bão, tiết kiệm nhiên liệu sau mỗi chuyến biển.
Tuy nhiên, thực trạng bồi lấp cửa sông ngày một nghiêm trọng hơn trong những năm gần đây đã khiến mong muốn của bà con ngư dân chỉ là mơ ước.
“Mùa mưa bão sắp đến mà năm nay dự báo thiên tai cũng khắc nghiệt hơn. Nên đến lúc đó, bà con ở làng, ở xã phải lên kế hoạch sớm vì đi neo đậu ở xa, chứ rủi mà chậm trễ chút là không kịp, xui là mất cả của lẫn người…”, ông Nguyễn Thăng Long buồn bã chia sẻ.
Nỗi niềm trăn trở của bà con và địa phương được đưa ra tìm giải pháp trong nhiều năm qua. Bên cạnh dự án nạo vét cửa biển của cơ quan chức năng cấp tỉnh, một số phương án xã hội hóa cũng được đề xuất như cho phép doanh nghiệp tư nhân nạo vét và sử dụng cát ở cửa sông. Tuy nhiên, qua cân nhắc và hội ý với bà con, phương án không được chấp thuận do e ngại sạt lở, ảnh hưởng đến người dân ở hai bên bờ. Thực hiện phương án khác, bà con xã Hải Phú và Đức Trạch cùng góp tiền, góp sức, dùng máy xúc mở một con lạch nhỏ để tàu thuyền có thể ra khơi. Tuy nhiên, cũng chỉ sau thời gian ngắn, đâu lại vào đấy.
Đến nay, Chủ tịch UBND xã Đức Trạch Hồ Thị Hoa cho biết, do cửa sông quá cạn, mỗi lần ra vào cửa, chủ thuyền đều phải thuê cẩu để đưa tài sản làm nghề qua vị trí cát bồi.
Theo đại diện chính quyền địa phương xã Hải Phú, phương án có thể giải quyết dứt điểm tình trạng bồi lấp cát ở cửa biển, tạo đường thủy lưu thông cho tàu thuyền dễ dàng là nạo vét kết hợp với đắp đê, xây kè, chống tái diễn tình trạng bồi lấp.
“Bà con ngư dân và xã cũng cùng nhau thử một số cách nhưng đều thất bại. Nay chỉ mong có thể xây một con kè, đắp đê kiên cố, mới có thể giữ được cửa biển cho bà con làm nghề. Nhưng việc này vượt ngoài khả năng của chúng tôi”. Phó Chủ tịch UBND xã Hải Phú Nguyễn Xuân Tuyển chia sẻ.
Với thực trạng một đội lớn tàu của hai xã biển phải neo đậu tại các cảng lớn hoặc tại huyện thị khác, huyện Bố Trạch cũng không khỏi có nhiều trăn trở. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch Nguyễn Văn Thủy cho biết, việc neo đậu của đội tàu ảnh hưởng đến hoạt động mua bán, tiêu thụ hải sản, kéo theo thực tế thất thoát nguồn lực, địa phương không phát huy được những dịch vụ hậu cần nghề cá,… từ đó ảnh hưởng đến phát triển kinh tế.
“Huyện cũng đã nhiều lần đề xuất, được tỉnh quan tâm nhưng dự án không thành. Nay cũng vẫn chỉ mong muốn có công trình kiên cố, khơi thông cửa biển, tạo tuyến đường thủy thông thoáng cho bà con ngư dân, góp phần phát triển kinh tế cũng như để bà con an tâm có chỗ tránh trú khi mùa mưa bão sắp về”, Phó Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch Nguyễn Văn Thủy giãi bày.