Tác động từ lồng ghép tác hại thuốc lá trong giảng dạy
Giáo dục về tác hại thuốc lá từ lâu đã được đưa vào chương trình học các cấp, với mục tiêu trang bị cho học sinh những hiểu biết cơ bản về ảnh hưởng của khói thuốc đến sức khỏe con người và cộng đồng.

Việc lồng ghép nội dung về tác hại của thuốc lá vào môn học giúp học sinh nâng cao nhận thức về sức khỏe
Tuy nhiên, câu hỏi cần đặt ra là: Việc giáo dục học sinh về tác hại của thuốc lá hiện nay liệu đã đủ sâu sắc, đủ thực tế và đủ sức thuyết phục chưa? Cô giáo Lê Thị Ái Vân, Trường THCS Võ Văn Ký (Nha Trang, Khánh Hòa), chia sẻ góc nhìn từ thực tiễn giảng dạy.

Cô giáo Lê Thị Ái Vân, Trường THCS Võ Văn Ký
+ Thưa cô, trong chương trình giảng dạy hiện nay, nội dung về phòng, chống tác hại của thuốc lá được lồng ghép như thế nào trong môn học của mình?
Việc lồng ghép nội dung về tác hại của thuốc lá vào môn Toán cấp THCS giúp học sinh vừa vận dụng kiến thức toán học vào thực tế, vừa nâng cao nhận thức về sức khỏe cộng đồng. Tuy nhiên, mức độ lồng ghép còn phụ thuộc vào thời lượng tiết dạy và từng chủ đề cụ thể.
Ví dụ, với chủ đề "Thống kê - Biểu đồ" (lớp 7, 9), giáo viên có thể yêu cầu học sinh thu thập số liệu về tỷ lệ hút thuốc theo độ tuổi hoặc khu vực, từ đó lập bảng tần số, vẽ biểu đồ cột, biểu đồ tròn và phân tích: Nhóm tuổi nào hút nhiều nhất, xu hướng tăng, giảm ra sao, ảnh hưởng đến xã hội như thế nào.
Hay trong phần "giải bài toán bằng lập phương trình, hệ phương trình" (lớp 8, 9), giáo viên có thể đưa ra các bài toán thực tế về chi phí hút thuốc trong tháng, năm... Sau khi giải bài, học sinh sẽ nhận ra tác động kinh tế rất rõ rệt, một phép tính nhỏ nhưng là bài học lớn.

Nội dung được truyền đạt gần gũi, dễ hiểu và tích hợp tự nhiên vào bài học, các em sẽ tiếp thu nhanh và có phản ứng tích cực
+ Cô đánh giá ra sao về mức độ tiếp nhận, thái độ của học sinh khi học về tác hại thuốc lá? Các em có thực sự quan tâm và hiểu được vấn đề này không?
Học sinh cấp 2 đang trong giai đoạn hình thành nhận thức xã hội, rất nhạy cảm với các vấn đề sức khỏe, môi trường, xu hướng… nên nếu nội dung được truyền đạt gần gũi, dễ hiểu và tích hợp tự nhiên vào bài học, các em sẽ tiếp thu nhanh và có phản ứng tích cực.
Qua một số bài toán thực tế liên quan đến thuốc lá, nhiều học sinh bày tỏ bất ngờ khi nhận ra những con số về tác hại kinh tế và sức khỏe. Điều đó mang lại tác động mạnh hơn nhiều so với các khẩu hiệu đơn thuần.
Tuy vậy, do thời lượng dành cho phần lồng ghép còn hạn chế, nên học sinh mới chỉ tiếp cận ở mức cơ bản, chưa đủ để hình thành góc nhìn sâu sắc hay tư duy phản biện mạnh mẽ về vấn đề.
+ Theo cô, những điểm nào trong nội dung hoặc cách truyền đạt hiện tại khiến giáo dục về phòng chống thuốc lá chưa thực sự hiệu quả?
Thứ nhất, nội dung tuy có nhưng vẫn khá chung chung, còn mang tính khẩu hiệu, chưa đi sâu vào các tình huống thực tế mà học sinh dễ gặp trong đời sống.
Thứ hai, cách truyền đạt nhiều khi vẫn một chiều, thiếu sinh động. Một số tiết học chưa có hình ảnh minh họa, chưa tổ chức thảo luận nhóm hoặc tạo cơ hội cho học sinh phản biện, điều mà các em thực sự thích ở độ tuổi này.
Thứ ba, chưa có sự tích hợp liên môn để giúp học sinh tiếp cận đa chiều hơn. Và cuối cùng, thời lượng cho việc lồng ghép còn rất khiêm tốn, giáo viên lại phải dạy nhiều nội dung khác trong cùng tiết học.

"Nội dung phải đủ thực tế, phương pháp phải phù hợp với tâm lý lứa tuổi, nhưng nếu thiếu sự phối hợp từ gia đình và xã hội thì tác động sẽ không trọn vẹn" - cô giáo chia sẻ
+ Trong quá trình giảng dạy, cô có sáng kiến hoặc cách làm nào để khiến bài học về thuốc lá trở nên sinh động, thực tế và dễ chạm tới học sinh hơn?
Với học sinh THCS, tiếp nhận hình ảnh và video thường hiệu quả hơn nhiều so với chỉ nghe giảng hay đọc lý thuyết. Do đó, sau phần bài tập toán học liên quan đến thuốc lá, tôi thường cho học sinh xem các video ngắn, hình ảnh thực tế về hậu quả của thuốc lá để khắc sâu nhận thức.
Ngoài ra, ở các giờ sinh hoạt chủ nhiệm, tôi chia lớp thành các đội, tổ chức cho các em tự làm video tuyên truyền về tác hại thuốc lá. Các em sẽ viết kịch bản, quay clip, thuyết trình và chấm điểm lẫn nhau. Điều này khiến các em vừa học, vừa sáng tạo, vừa tiếp nhận thông tin một cách chủ động và sâu sắc hơn.
+ Theo cô, điều gì là cốt lõi để việc giáo dục học sinh về tác hại của thuốc lá trở nên thuyết phục hơn, là nội dung, phương pháp, hay chính sự phối hợp từ gia đình và xã hội?
Tôi nghĩ không thể chỉ trông cậy vào một yếu tố nào riêng biệt. Nội dung phải đủ thực tế, phương pháp phải phù hợp với tâm lý lứa tuổi, nhưng nếu thiếu sự phối hợp từ gia đình và xã hội thì tác động sẽ không trọn vẹn.
Phương pháp truyền đạt của giáo viên vẫn đóng vai trò "mũi nhọn", quyết định xem học sinh có "chạm" được vào nội dung hay không. Nhưng nếu về nhà, các em vẫn thấy bố mẹ hút thuốc, hàng xóm hút thuốc, thì thông điệp "đừng hút thuốc" trong lớp học sẽ dễ dàng bị vô hiệu hóa.
Giáo dục chỉ thực sự hiệu quả khi nhà trường, gia đình, xã hội cùng nói một tiếng nói, cùng thắp lên nhận thức và trách nhiệm cộng đồng.