Tác động nghiêm trọng từ một trong những bệnh ung thư có tỷ lệ sống sót rất thấp

Liên minh ung thư buồng trứng thế giới (WOCC) đã công bố một nghiên cứu mang tính bước ngoặt, làm sáng tỏ gánh nặng kinh tế - xã hội lớn mà ung thư buồng trứng gây ra đối với cộng đồng trên toàn thế giới.

Ảnh minh họa: Website Bệnh viện Bãi Cháy

Ảnh minh họa: Website Bệnh viện Bãi Cháy

Được thực hiện cùng Viện nghiên cứu RTI International, nghiên cứu này chỉ ra chi phí khổng lồ và đề xuất các biện pháp cần thiết để cải thiện tỷ lệ sống sót cũng như chất lượng cuộc sống của bệnh nhân ung thư buồng trứng và những người chăm sóc họ.

Nghiên cứu có tiêu đề "Gánh nặng kinh tế - xã hội của ung thư buồng trứng tại 11 quốc gia" được đăng trên tạp chí y khoa hàng đầu JCO Global Oncology, ước tính căn bệnh này gây thiệt hại lên tới 70 tỷ USD mỗi năm, trong đó hơn 90% chi phí này đến từ số năm sống bị mất đi.

Dữ liệu nghiên cứu được thu thập từ 11 quốc gia với mức thu nhập khác nhau, bao gồm: Australia, Canada, Colombia, Ấn Độ, Kazakhstan, Kenya, Nigeria, Malawi, Malaysia, Vương quốc Anh và Mỹ.

Ảnh hưởng nặng nề đến phụ nữ và nền kinh tế

Bà Clara MacKay, Giám đốc điều hành WOCC, cho biết: "Nghiên cứu này cho thấy ung thư buồng trứng không chỉ ảnh hưởng nặng nề đến phụ nữ, gia đình và những người chăm sóc họ, mà còn tác động rộng lớn đến hệ thống y tế và nền kinh tế. Đằng sau những con số này là hàng nghìn câu chuyện chưa được kể về những người phụ nữ phải đối mặt với khó khăn tài chính nghiêm trọng và sự kỳ thị do căn bệnh này gây ra. Chúng tôi hy vọng rằng nghiên cứu này sẽ giúp các nhà hoạch định chính sách cam kết thực hiện một kế hoạch hành động chính thức để hỗ trợ phụ nữ và mang lại lợi ích cho toàn xã hội”.

Ung thư buồng trứng là một trong những căn bệnh ung thư nguy hiểm nhất với tỷ lệ sống sót rất thấp. Theo dự báo của Globocan năm 2022, số ca chẩn đoán ung thư buồng trứng trên toàn cầu sẽ tăng 55% vào năm 2050. Nếu không có các biện pháp kiểm soát và phòng ngừa tốt hơn, tỷ lệ tử vong sẽ tăng 70%.

Tình trạng bất bình đẳng trong y tế toàn cầu

Kết quả nghiên cứu nhấn mạnh rằng việc giải quyết ung thư buồng trứng không chỉ là vấn đề đạo đức và sức khỏe cộng đồng, mà còn là nhu cầu cấp thiết về kinh tế. Thiệt hại về năng suất lao động là rất lớn, với khoảng 2,5 triệu ngày công bị mất mỗi năm do căn bệnh này. Hơn 9.400 phụ nữ phải rời khỏi lực lượng lao động vì ung thư buồng trứng. Những người chăm sóc bệnh nhân, dù thường bị bỏ qua trong các chính sách y tế công, cũng dành trung bình 33 ngày mỗi năm để hỗ trợ người thân đang chiến đấu với căn bệnh này.

Bà Zainab Shinkafi-Bagudu, Đại sứ toàn cầu của WOCC và là người chuẩn bị nhậm chức Chủ tịch Liên minh kiểm soát ung thư quốc tế (UICC), cho biết: "Các nhà hoạt động và chuyên gia y tế tại Nigeria đang phải đối mặt với một rào cản lớn do nhận thức của người dân về ung thư buồng trứng còn rất thấp. Căn bệnh này không chỉ là thách thức đối với phụ nữ mà còn tác động đến người chăm sóc, hệ thống y tế và nền kinh tế. Nghiên cứu quan trọng này giúp chúng tôi xác định các can thiệp và đầu tư cần thiết để giảm bớt gánh nặng bệnh tật”.

Nghiên cứu lần này nhấn mạnh sự cần thiết phải ưu tiên giải quyết ung thư buồng trứng trên quy mô toàn cầu. Nó cũng làm nổi bật vai trò quan trọng của những người chăm sóc bệnh nhân và ảnh hưởng của căn bệnh này đến năng suất lao động quốc gia. Nghiên cứu được thực hiện với sự tham gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), phù hợp với Khung hành động về bệnh không lây nhiễm của tổ chức này. Việc nâng cao nhận thức về ung thư buồng trứng là rất quan trọng, đặc biệt tại các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, nơi nhiều người vẫn chưa hiểu rõ về căn bệnh này và tác động của nó đối với cộng đồng.

Tiến sĩ Guy Fones, Giám đốc lâm thời của Bộ phận Bệnh không lây nhiễm tại WHO, nhấn mạnh: "Dữ liệu từ nghiên cứu mang tính đột phá này là yếu tố then chốt giúp chúng ta hiểu rõ hơn về tác động kinh tế - xã hội của ung thư buồng trứng, một căn bệnh lâu nay chưa được chú trọng trong y tế toàn cầu. WHO cam kết thúc đẩy các chiến lược dựa trên dữ liệu để đảm bảo công bằng trong chăm sóc sức khỏe và cải thiện khả năng tiếp cận điều trị cho mọi phụ nữ, bất kể họ sống ở đâu”.

Không để ai bị bỏ lại phía sau

Sáng kiến Inspiring Voices của WOCC là nền tảng giúp chia sẻ những câu chuyện đầy cảm hứng của những người từng chiến đấu với ung thư buồng trứng. Nimkee Gupta, một bệnh nhân sống sót tại Ấn Độ, chia sẻ: "Ung thư không chỉ là căn bệnh của riêng bệnh nhân mà còn ảnh hưởng đến cả gia đình. Không phải ai cũng tử vong, nhưng ai cũng chịu đựng”. Stella Matini, một bà mẹ bốn con tại Kenya, cho biết: "Nhiều phụ nữ ở đất nước tôi không có việc làm, họ chỉ ở nhà nội trợ... Ngay cả với tôi, trước khi bảo hiểm chi trả, chi phí điều trị gần như tiêu tốn toàn bộ thu nhập hàng tháng”.

Ông Mikis Euripides, trưởng nhóm nghiên cứu và chuyên gia tư vấn chính sách của WOCC, nhận định: "Chúng tôi tin rằng có thể thay đổi kết quả điều trị ung thư buồng trứng trong tương lai nếu có những cải thiện đáng kể về phòng ngừa, chẩn đoán và tiếp cận điều trị. Việc giảm thiểu gánh nặng của căn bệnh này là điều quan trọng và phòng ngừa chính là chìa khóa. Việc mở rộng xét nghiệm di truyền, tăng cường biện pháp phòng ngừa và đảm bảo chăm sóc y tế với chi phí hợp lý là điều thiết yếu”.

Phúc Toàn/Báo Tin tức (Theo allafrica)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/y-te/tac-dong-nghiem-trong-tu-mot-trong-nhung-benh-ung-thu-co-ty-le-song-sot-rat-thap-20250221204112852.htm
Zalo