Tác động của gián đoạn vận tải ở Biển Đỏ đến xuất khẩu nông sản

Cuộc tấn công của Houthi vào các tàu qua Biển Đỏ đang khiến nhiều công ty cho đến nay vẫn chuyển hàng qua Kênh đào Suez phải đổi hướng, định tuyến lại các tuyến đường, kéo theo chi phí và thời gian.

Tàu thuyền di chuyển qua kênh đào Suez, Ai Cập. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tàu thuyền di chuyển qua kênh đào Suez, Ai Cập. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo trang tin Quotidiano của Italy ngày 11/3, tình trạng gián đoạn vận tải thương mại ở Biển Đỏ ngày càng trở nên có nguy cơ gây tổn hại đáng kể đến nền kinh tế của các quốc gia phụ thuộc vào trung tâm thương mại quan trọng này.

Tình hình khó khăn nảy sinh từ các cuộc xung đột ở Trung Đông giống như cháy rừng, cũng đang ảnh hưởng đến các quốc gia khác trong khu vực.

Tại Kênh đào Suez, chính các cuộc tấn công của phiến quân Houthi ở Yemen đã khiến lưu lượng hàng hóa giữa châu Á và châu Âu giảm rõ rệt (giảm khoảng 35% trong những tháng đầu năm 2024).

Cuộc tấn công của Houthi vào các tàu qua Biển Đỏ đang khiến nhiều công ty cho đến nay vẫn chuyển hàng qua Kênh đào Suez phải đổi hướng, định tuyến lại các tuyến đường tới Mũi Hảo Vọng ở Nam Phi, với tất cả những điều này kéo theo chi phí và thời gian.

Italy cũng phải chịu những tác động bất lợi của tình hình ở Kênh đào Suez và trên hết, lĩnh vực nông sản thực phẩm Made in Italy bị ảnh hưởng.

Thương mại giữa Italy và châu Á

Theo dữ liệu từ Báo cáo Ismea về thương mại nông sản của Italy với châu Á và tình hình tại kênh đào Suez, Italy là quốc gia đứng thứ 5 trên thế giới xuất khẩu nông sản sang châu Á, sau Hà Lan, Pháp, Tây Ban Nha và Đức.

Hơn nữa, chỉ trong 10 năm qua, xuất khẩu nông sản của Italy sang châu Á đã đạt mức tăng trưởng 128%, tương đương khoảng 10% kim ngạch xuất khẩu nông sản Made in Italy (hơn 6 tỷ euro, tương đương khoảng 6,6 tỷ USD).

Khách hàng hàng đầu của Italy ở khu vực châu Á là Nhật Bản, tiếp theo là Trung Quốc, Hàn Quốc và Saudi Arabia.

Các sản phẩm Italy xuất khẩu sang châu Á

Các sản phẩm của Italy được xuất khẩu sang châu Á chủ yếu rượu vang, với khoảng 446 triệu euro cho riêng rượu vang đóng chai (8,5% tổng lượng xuất khẩu), cùng rượu vang sủi, với tổng số 119 triệu euro (5,6% tổng lượng xuất khẩu).

Đứng sau rượu vang là xuất khẩu: mì ống (332 triệu euro vào năm 2022, 11,9% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành); cà chua chế biến (230 triệu, chiếm 9,4% thị phần); pho mát (258 triệu, chiếm 7,2% thị phần của ngành); táo (181 triệu, 21% tổng kim ngạch xuất khẩu); kiwi (60 triệu, 12% tổng số).

Tuy nhiên, đối với nhập khẩu từ châu Á, năm 2022 chi tiêu của Italy là 4,9 tỷ euro, đặc biệt là cà phê, động vật có vỏ (sò, ngao...) và dầu cọ. Trong cán cân thương mại nông sản, thặng dư của Italy với châu Á là 1,2 tỷ euro.

Rủi ro cho nông sản thực phẩm Made in Italy

Tình hình bất ổn ở Biển Đỏ đòi hỏi việc tìm kiếm các tuyến đường mới cho hàng hóa qua lại giữa Italy và châu Á. Những thay đổi về tuyến đường buộc các tàu phải đi vòng quanh châu Phi, một tuyến đường dài hơn đáng kể, với chi phí đặt hàng tăng 40% và thời gian di chuyển tăng lên 7-10 ngày.

Đây là một vấn đề mà Italy không thể bỏ qua, do như Báo cáo của Ismea cho biết, chúng có thể "tác động gấp đôi đến thị trường."

Một phần sản phẩm dành cho các nước châu Á, đặc biệt là những sản phẩm dễ hư hỏng nhất, có thể được vào các cửa hàng truyền thống ở châu Âu, nơi có thể có những rủi ro về dư thừa và giảm giá.

Thương mại nông sản thực phẩm phải đối mặt với tình hình bất ổn không chỉ ở phía xuất khẩu mà còn ở cả nhập khẩu nguyên liệu thô và bán thành phẩm.

Sự suy giảm tiềm ẩn này có thể tạo ra sự suy giảm trong hoạt động sản xuất của ngành công nghiệp thực phẩm quốc gia, chứ không chỉ tác động đến các chuỗi giá trị toàn cầu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/tac-dong-cua-gian-doan-van-tai-o-bien-do-den-xuat-khau-nong-san-post933939.vnp
Zalo