Tác động của già hóa dân số đối với thị trường vốn Trung Quốc

Thị trường cổ phiếu loại A của Trung Quốc khởi đầu năm 2024 bằng một bức tranh ảm đạm. Tính đến đầu tháng Hai, xu hướng tăng trưởng của các thị trường chứng khoán tiếp tục trì trệ.

Tác động của già hóa dân số đối với thị trường vốn Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN

Tác động của già hóa dân số đối với thị trường vốn Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN

Chỉ số Shanghai Composite trên sàn giao dịch chứng khoán Thượng Hải đã phải khởi động nỗ lực bảo vệ mốc 2.700 điểm. Nhưng vào ngày 5/2, chỉ số này đã giảm xuống mức thấp nhất trong 5 năm trở lại đây khiến tâm lý thị trường cũng rơi xuống điểm “đóng băng”. Các số liệu cho thấy, sau khi đạt đỉnh vào năm 2021, thị trường chứng khoán Trung Quốc, tại cả Trung Quốc Đại lục và Hong Kong, đã bốc hơi 6.000 tỷ USD giá trị thị trường.

Để khôi phục niềm tin của các nhà đầu tư, gần đây Chính phủ Trung Quốc đã tăng cường hành động. Đầu tiên, ngày 6/2, Công ty đầu tư Central Huijin tuyên bố mở rộng phạm vi nắm giữ các quỹ ETF (quỹ hoán đổi danh mục). Công ty này cho biết sẽ thể hiện sự thừa nhận đầy đủ giá trị phân bổ của thị trường đối với các cổ phiếu loại A của Trung Quốc, tiếp tục tăng cường mức độ và mở rộng quy mô nắm giữ, kiên quyết bảo vệ sự vận hành ổn định của thị trường vốn nước này.

Cùng ngày, người phát ngôn của Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc (CSRC) cho biết sẽ kiên trì hỗ trợ Central Huijin tiếp tục gia tăng quy mô và mức độ nắm giữ, tạo điều kiện thuận lợi hơn và kênh thông suốt hơn để Central Huijin tham gia và các thao tác thị trường.

Đồng thời, CSRC nhấn mạnh, cần tiếp tục tăng cường quản lý giám sát và thực thi pháp luật, duy trì sự vận hành ổn định của thị trường. Trước đó, cơ quan này đã tuyên bố sẽ sớm tăng cường thanh lọc và trừng trị những kẻ thao túng trái phép, bán khống “chứng khoán.

Dưới tác động dồn dập từ sự vào cuộc của các nhà chức trách, sau Tết Nguyên đán 2024, chỉ số Shanghai Composite và CSI 300 (300 mã cổ phiếu thuộc các doanh nghiệp lớn nhất Trung Quốc) tiếp tục kéo dài đà tăng, kể từ ngày 6/2.

Tuy nhiên, các nhà quan sát nhận định tương lai của thị trường vốn Trung Quốc không mấy lạc quan. Nguyên nhân là do thị trường chứng khoán nước này hiện nay vừa vướng những vấn đề cũ tích tụ từ lâu, vừa có thêm những vấn đề mới nổi lên gần đây. Vấn đề cũ được biểu hiện ở việc cải cách chưa đủ đột phá để có thể thoát khỏi tình cảnh khó khăn mang tính thể chế “chữa từ ngọn, không chữa từ gốc”. Vấn đề mới là lợi tức dân số hiện nay của Trung Quốc đã cạn kiệt.

Môi trường pháp lý là nền tảng phát triển thị trường vốn của bất cứ quốc gia nào. Nhưng những “hướng dẫn cửa sổ” (Ngân hàng Trung ương thông qua khuyến cáo và kiến nghị để tác động đến hành vi tín dụng của các ngân hàng thương mại) ở Trung Quốc chưa đủ hiệu quả để ổn định kỳ vọng của nhà đầu tư khi thị trường biến động, bơm thêm sức sống mới cho thị trường. Những điều này không thể giải quyết bằng cách thay đổi giám đốc điều hành cũng như càng không thể “chữa lành” chỉ bằng cách hô khẩu hiệu.

Trong khi đó, vấn đề mới, được thể hiện ở việc sự thay đổi về cơ cấu dân số, sẽ gây nên ảnh hưởng sâu sắc đối với thị trường vốn của Trung Quốc. Dựa trên giả thuyết mô hình tiết kiệm chu kỳ sống (life-cycle savings pattern) của nhà kinh tế học Franco Modigliani, người đoạt giải Nobel kinh tế năm 1985 đưa ra. Căn cứ theo mô hình này, có thể rút ra kết luận: Một khi các thế hệ có dân số đông nhất bước vào tuổi trung niên, điều này chắc chắn sẽ thúc đẩy sự phát triển của thị trường vốn, bao gồm thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản.

Lý thuyết mô hình của nhà kinh tế học Modigliani cũng nhận được sự ủng hộ của các nghiên cứu nghiệm chứng khác nhau. Trong một luận văn được chuyên gia tài chính Mỹ Gurdip S.Bakshi và chuyên gia Trần Chí Vũ phối hợp thực hiện năm 1994, hai nhà khoa học đã sử dụng số liệu từ năm 1950 đến năm 1992 và tìm thấy giữa độ tuổi trung bình của dân số Mỹ trên 20 tuổi và chỉ số chứng khoán S&P 500 thực tế tồn tại mối liên hệ thực chất.

Sở dĩ như vậy là do những người sinh ra trong thời kỳ bùng nổ dân số sẽ mua các tài sản tiết kiệm như cổ phiếu, bất động sản, trái phiếu… sau khi bước vào độ tuổi trung niên để chuẩn bị dưỡng già, từ đó làm nảy sinh nhu cầu cạnh tranh đối với các sản phẩm tiết kiệm như cổ phiếu, bất động sản, trái phiếu…, số lượng người đông dẫn đến giá các sản tiết kiệm tăng lên.

Đồng thời, việc tiêu dùng đối với hàng hóa dịch vụ hiện tại của những người sinh ra trong thời kỳ bùng nổ dân số cũng sẽ thúc đẩy sự thịnh vượng của thị trường chứng khoán. Cơ sở lý luận của lý thuyết này là, sự phát triển của nền kinh tế thực đồng nghĩa với mức thu nhập cao của doanh nghiệp. Ngược lại, khi những người thuộc thế hệ dân số đông nhất bước vào tuổi già, thì các tài sản tiết kiệm bao gồm cổ phiếu, bất động sản, trái phiếu chắc chắn cũng sẽ rơi vào trạng thái ảm đạm.

Vấn đề là lợi tức dân số hiện nay của Trung Quốc đã cạn kiệt, tỷ lệ cơ cấu dân số đang có sự thay đổi mạnh. Trong 50 năm từ 1949-1990, Trung Quốc đã xuất hiện ba thời kỳ bùng nổ dân số: Thời kỳ thứ nhất diễn ra từ năm 1950-1957, thời kỳ thứ hai diễn ra từ năm 1962-1971, thời kỳ thứ ba diễn ra từ năm 1980-1990. Đến năm 2022, hai thế hệ dân số đông nhất, những người sinh ra trong thời kỳ bùng nổ dân số thứ nhất đã bước vào tuổi già.

Bên cạnh đó, những người sinh ra trong thời kỳ bùng nổ dân số thứ hai cũng từng bước bước vào giai đoạn tuổi già. Theo lý thuyết mô hình tiết kiệm chu kỳ sống, vấn đề có thể dự đoán là cùng với tình trạng già hóa dân số của Trung Quốc càng sâu sắc, các thị trường vốn bao gồm thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản của Trung Quốc chắc chắn sẽ hứng chịu sức ép.

Thạch Bình (P/v TTXVN tại Hong Kong)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/tac-dong-cua-gia-hoa-dan-so-doi-voi-thi-truong-von-trung-quoc/324813.html
Zalo