Tác động của các sản phẩm không khói thuốc: Còn nhiều tranh cãi trên toàn cầu

Nhiều nghiên cứu khoa học về tác động lên sức khỏe của các sản phẩm không khói thuốc đã được thực hiện và đưa vào thực tiễn nhưng cho đến nay đây vẫn là đề tài tranh cãi trên toàn cầu.

Quốc gia không khói thuốc là nước có tỷ lệ người hút thuốc lá điếu hằng ngày dưới 5%. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Quốc gia không khói thuốc là nước có tỷ lệ người hút thuốc lá điếu hằng ngày dưới 5%. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Trong bối cảnh vẫn còn hơn 1 tỷ người hút thuốc lá điếu đến năm 2025, mục tiêu giảm cung, giảm cầu, giảm tác hại theo ba trụ cột chiến lược của Công ước Khung về Kiểm soát thuốc lá (FCTC) mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đặt ra cho các quốc gia sẽ cần thêm nhiều đóng góp từ các phát kiến mới, đặc biệt về mặt khoa học, công nghệ.

Theo dữ liệu nghiên cứu thị trường thế giới, năm 2023 doanh thu toàn cầu của các sản phẩm công nghệ mới thay thế thuốc lá điếu đạt 22,5 tỷ USD. Dự đoán trước năm 2032, con số này sẽ đạt 57,9 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng hàng năm là 11,1%. Mức tăng trưởng này đến từ nhu cầu đang thay đổi của người dùng.

Tại sự kiện Technovation tháng 12 ở Abu Dhabi, Tập đoàn Philip Morris International (PMI) đã công bố con số 36,5 triệu người hút thuốc đã chuyển đổi sang các sản phẩm thuốc lá không khói. PMI đã đạt doanh thu 10 tỷ USD trong 10 năm. Ông Jacek Olczak - Tổng Giám đốc Điều hành PMI cho biết con số doanh thu này đã vượt qua Amazon, Tesla và chỉ đứng sau Meta.

Theo các chuyên gia, các nghiên cứu khoa học về tác động lên sức khỏe của các sản phẩm không khói thuốc cho đến nay vẫn là đề tài tranh cãi trên toàn cầu. Nhiều dữ liệu thực tế cho thấy, tại một số quốc gia cung cấp hợp pháp các sản phẩm không khói, tỷ lệ hút thuốc lá điếu giảm đáng kể, giúp một số quốc gia tiến gần đến mục tiêu quốc gia không khói thuốc.

Theo định nghĩa của WHO, quốc gia “không khói thuốc” là nước có tỷ lệ người hút thuốc lá điếu hằng ngày dưới 5%. Hiện tỷ lệ này tại Thụy Điển chỉ còn 5,6%, so với 15% trước đây.

Tại Nhật Bản, doanh số thuốc lá điếu đã giảm tới 34% từ 2015 đến 2019. Ước tính hiện nay có gần 8 triệu người đang sử dụng thuốc lá nung nóng tại Nhật Bản.

Cũng tại hội thảo, các chuyên gia nhấn mạnh phát kiến trong công nghệ luôn là nhu cầu mà con người theo đuổi. Các sản phẩm thế hệ sau phải giải quyết được lo ngại hoặc nhu cầu trước đó của xã hội.

 Ông Jacek Olczak - Tổng Giám đốc Điều hành PMI. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ông Jacek Olczak - Tổng Giám đốc Điều hành PMI. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ông Jacek Olczak nhận định rằng nếu mọi sự đều được lý tưởng hóa, phải là giải pháp hoàn hảo thì sẽ không bao giờ có cơ hội để phát triển các phát kiến và như vậy, các vấn đề đang hiện hữu của xã hội sẽ không được giải quyết. Hướng tiếp cận bằng các sản phẩm thay thế thuốc lá điếu cũng vậy. Những lo ngại và giả thuyết vẫn tồn tại, nhưng thực tế 10 năm qua cũng có thể là cơ sở để những người hút thuốc lựa chọn giải pháp phù hợp cho tương lai.

Một chuyên gia khác là bà Lindsey Stroud, Giám đốc Liên minh Bảo vệ Người đóng thuế, nhìn nhận ở một khía cạnh khác, nếu vẫn còn sự tồn tại thuốc lá điếu thì còn gánh nặng bệnh tật và xã hội sẽ phải tiếp tục cuộc chiến chống lại tác hại thuốc lá điếu và đối diện với gánh nặng y tế của hàng triệu người hút thuốc lá không thể cai.

Các chuyên gia cũng cho rằng sự vận động của xã hội đòi hỏi ngày càng nhiều những phát kiến khoa học công nghệ mới, và các chính sách cũng cần được cập nhật, bắt kịp với những tiến bộ này./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/tac-dong-cua-cac-san-pham-khong-khoi-thuoc-con-nhieu-tranh-cai-tren-toan-cau-post1004991.vnp
Zalo