Tác động của biến đổi khí hậu đến tài nguyên đất và nước lưu vực sông Đồng Nai

Sau hơn 2 năm thực hiện, Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng đã tổ chức nghiệm thu đề tài cấp tỉnh 'Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến tài nguyên đất và nước lưu vực sông Đồng Nai thuộc địa bàn tỉnh Lâm Đồng' do Viện Nghiên cứu Đổi mới và Phát triển bền vững thực hiện.

Hồ Đạ Tẻh - nơi tụ nước từ lưu vực sông Đồng Nai

Hồ Đạ Tẻh - nơi tụ nước từ lưu vực sông Đồng Nai

Lưu vực sông Đồng Nai trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng chiếm xấp xỉ 80% diện tích tự nhiên của tỉnh, với địa hình vùng cao nguyên, độ che phủ rừng cao, đóng vai trò rất quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả vùng Đông Nam Bộ, trong đó có Lâm Đồng.

Bên cạnh việc cung cấp nước cho sinh hoạt, hoạt động nông nghiệp, công nghiệp, lưu vực sông Đồng Nai còn đóng góp rất lớn cho ngân sách tỉnh qua các công trình thủy điện. Tuy nhiên, nhiều năm qua, tình trạng khô kiệt dòng chảy vào mùa khô, lũ lụt cục bộ do mưa và do thủy điện xả lũ vào mùa mưa đã ảnh hưởng lớn đến tình hình sản xuất và đời sống của người dân. Việc quản lý lưu vực sông là một quá trình phức hợp đòi hỏi sự tham gia của nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, nhiều địa phương.

Thực hiện Chương trình Khoa học và công nghệ phục vụ công tác ứng phó biến đổi khí hậu, sự phát triển bền vững của tỉnh Lâm Đồng, đề tài “Nghiên cứu đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến tài nguyên đất và nước lưu vực sông Đồng Nai thuộc địa bàn tỉnh Lâm Đồng” cùng với việc đề xuất giải pháp thích ứng là rất cấp thiết và kịp thời. Các chuyên gia, nhà khoa học đã dành nhiều thời gian đi dọc lưu vực sông Đồng Nai, các luồng lạch, suối nguồn đổ ra sông trên địa bàn tỉnh, đo đạc chính xác từng thời điểm trong năm. Qua đó, phân tích, đánh giá thực trạng và xu thế biến đổi khí hậu, đặc biệt là những tác động của biến đổi khí hậu đến tài nguyên nước và đất tại lưu vực thượng nguồn sông Đồng Nai thuộc địa bàn tỉnh Lâm Đồng, dự báo đến năm 2030, tầm nhìn 2050; đề xuất các giải pháp cụ thể về quản lý và kỹ thuật nhằm bảo vệ và phát triển tài nguyên nước và đất, thích ứng với điều kiện của biến đổi khí hậu.

Các kết quả thu được đã chỉ ra rằng: Dưới tác động của biến đổi khí hậu, trong giai đoạn 1980 - 2022, nhiệt độ trung bình tại tỉnh Lâm Đồng tăng rõ rệt; cụ thể, tại Đà Lạt tăng khoảng 0,042°C/năm, tại Bảo Lộc tăng 0,047°C/năm. Riêng tại Cát Tiên ghi nhận ở mức tăng 0,051°C/năm với mức đỉnh ghi nhận là 34°C vào năm 2022. Xu hướng tăng này dự kiến sẽ tiếp tục, đặc biệt trong các tháng mùa khô. Các số liệu từ trạm quan trắc cũng chỉ ra nhiệt độ tối thấp cũng có xu hướng tăng lên, đồng nghĩa với việc các đêm lạnh ít hơn và nhiệt độ thấp trong mùa đông cũng trở nên nhẹ hơn so với trước đây. Dự báo đến năm 2050, nhiệt độ trung bình tại Lâm Đồng dự kiến sẽ tăng từ 1,5 - 2,7°C vào năm 2050. Điều này sẽ làm tăng tần suất các hiện tượng thời tiết cực đoan như nắng nóng và hạn hán, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nông nghiệp và tài nguyên nước.

Biến đổi lượng mưa trong giai đoạn 1980 - 2022 cho thấy có phân bố không đồng đều giữa các khu vực và có xu hướng giảm vào mùa khô. Từ đó đã gây ra hạn hán vào mùa khô và lũ lụt vào mùa mưa. Dự báo đến năm 2050, lượng mưa trong mùa mưa sẽ tăng từ 3,9 - 4,7% so với mức trung bình hiện tại. Tuy nhiên, lượng mưa trong mùa khô có xu hướng giảm, gây ra tình trạng khô hạn nghiêm trọng hơn. Điều này sẽ làm gia tăng áp lực lên nguồn nước, đặc biệt là trong các tháng khô hạn từ tháng 4 - 5. Điều đó sẽ tạo ra sự bất thường trong dòng chảy và làm gia tăng nguy cơ lũ lụt, hạn hán.

Về dòng chảy, giai đoạn 1992 - 2022, lưu vực sông Đồng Nai trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã trải qua nhiều biến động về dòng chảy, gây khó khăn cho việc cung cấp nước tưới tiêu và sinh hoạt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động thủy điện và các ngành công nghiệp phụ thuộc vào nước. Dưới tác động của biến đổi khí hậu, xói mòn đất đã gia tăng mạnh, đặc biệt tại các khu vực đồi núi, khu vực có thảm thực vật suy giảm. Việc gia tăng lượng mưa đột ngột trong mùa mưa đã làm tăng mức độ xói mòn đất, gây tổn thất nghiêm trọng cho hệ sinh thái và hạ tầng nông nghiệp. Tình trạng hạn hán, cả hạn khí tượng và hạn thủy văn ngày càng trở nên phổ biến. Các khu vực như: Lâm Hà, Bảo Lâm phải đối mặt với các đợt hạn nghiêm trọng nhất, đặc biệt là vào năm 2015 và 2020. Một số tiểu lưu vực như Đạ Huoai và Đơn Dương có nguy cơ cao bị ảnh hưởng bởi hạn thủy văn.

Trước thực tiễn đó, các nhà khoa học đã đề xuất các giải pháp về quản lý và kỹ thuật nhằm bảo vệ và phát triển tài nguyên đất và nước, thích ứng với điều kiện của biến đổi khí hậu. Cụ thể, các giải pháp quản lý tổng hợp tài nguyên nước như: cải tiến hệ thống tưới tiêu, xây dựng hồ chứa nhỏ, ao trữ nước và chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với khí hậu khô hạn; tăng cường năng lực dự báo và cảnh báo thiên tai để giảm thiểu rủi ro cho người dân; điều chỉnh chính sách và triển khai các biện pháp thích ứng sớm, nhằm bảo đảm phát triển bền vững. Đề xuất các giải pháp tổng thể quản lý bền vững tài nguyên đất đai, bao gồm công tác quy hoạch sử dụng đất và các biện pháp kỹ thuật như: Thủy lợi, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, biện pháp canh tác; các giải pháp quản lý nước cho các lĩnh vực công nghiệp, năng lượng, đô thị, nông thôn và các hoạt động dịch vụ.

QUỲNH UYỂN

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/toa-soan-ban-doc/202502/tac-dong-cua-bien-doi-khi-hau-den-tai-nguyen-dat-va-nuoc-luu-vuc-song-dong-nai-fe14bf7/
Zalo