Dự báo những yếu tố tác động đến cổ phiếu nông nghiệp

Báo cáo chiến lược thị trường chứng khoán tháng 9/2024 của Công ty cổ phần Chứng khoán An Bình (ABS) cho biết, có hai yếu tố quan trọng tác động đến thị trường trong tháng này.

Ở trong nước, yếu tố đầu tiên là siêu bão Yagi, khi bão tiến vào Việt Nam và gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản. Người dân và doanh nghiệp sẽ phải mất nhiều thời gian và nguồn lực để khôi phục lại cuộc sống cũng như quay trở lại sản xuất, kinh doanh bình thường.

Bên cạnh đó, áp lực lạm phát do chi phí đẩy cũng gia tăng, do nguồn cung các loại hàng hóa thiết yếu và không thiết yếu bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, vẫn sẽ có một số ngành được hưởng lợi từ công cuộc tái thiết này.

Chăn nuôi lợn theo tiêu chuẩn VietGap ở Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN

Chăn nuôi lợn theo tiêu chuẩn VietGap ở Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN

ABS dự đoán giá lợn sẽ tiếp tục neo cao và cổ phiếu chăn nuôi lợn sẽ có cơ hội trong ngắn hạn.

Thực tế, nhóm cổ phiếu chăn nuôi đang có dấu hiệu thu hút dòng tiền và thị giá đi lên. Tính từ 7/9 chốt phiên 17/9, DBC tăng 6,54%, MML tăng 7,25%, BAF tăng 10,89%, HAG tăng 3,42%…

Theo ông Phạm Thanh Tiến, chuyên viên tư vấn đầu tư, Công ty cổ phần Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam), nhóm cổ phiếu ngành chăn nuôi đang đón nhận nhiều yếu tố tích cực, thúc đẩy giá tăng lên.

Giá duy trì xu hướng tăng từ đầu năm đến nay, mức giá trung bình cả nước đã tăng từ 50.000 đồng/kg (đầu năm) lên 64.000 đồng/kg (hiện tại).

Bên cạnh đó, dịch tả lợn châu Phi bùng nổ trở lại vào đầu năm nay khiến các hộ nông dân và doanh nghiệp hạn chế tái đàn, vì vậy, xu hướng tăng sẽ còn được duy trì khi yếu tố dịch bệnh vẫn đang diễn ra.

Tình hình mưa bão, lũ lụt vừa qua tại miền Bắc đã phần nào làm giảm nguồn cung thịt lợn ra thị trường, bởi thực tế, nguồn cung trong nước đang có sự thiếu hụt, lượng thịt lợn nhập khẩu cũng tăng đột biến trong 8 tháng đầu năm nay. Từ đó, mức giá càng được thúc đẩy tăng tích cực.

Bên cạnh đó, giá cả các loại hàng hóa phục vụ sản thức ăn chăn nuôi như ngô và khô đậu tương đang ở mức đáy kể từ năm 2022. Điều này giúp tiết kiệm đáng kể chi phí sản xuất, hỗ trợ cho biên lợi nhuận các công ty chăn nuôi duy trì và mở rộng được biên lợi nhuận nếu quản lý được rủi ro dịch bệnh và cung cấp lượng thịt heo xuất chuồng lớn ra thị trường.

Sau lũ, nhu cầu thực phẩm thiết yếu tăng, về dài hạn nhu cầu tiêu dùng hồi phục trở lại sẽ ủng hộ cho nhóm này. Ảnh: TTXVN

Sau lũ, nhu cầu thực phẩm thiết yếu tăng, về dài hạn nhu cầu tiêu dùng hồi phục trở lại sẽ ủng hộ cho nhóm này. Ảnh: TTXVN

Trong ngắn hạn, nhóm cổ phiếu chăn nuôi đang được hỗ trợ chủ yếu từ giá lợn hơi miền Bắc tăng nhẹ do ảnh hưởng từ bão Yagi và lũ lụt.

Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có có công văn khẩn gửi UBND các tỉnh, thành phố, yêu cầu thực hiện các biện pháp chủ động phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi.

Công văn nêu, nguy cơ cao của việc phát sinh dịch bệnh sau cơn bão số 3 (siêu bão Yagi) do lượng mưa lớn gây lũ lụt nghiêm trọng từ ngày 7/9, khiến nhiều địa phương phía Bắc phải đối mặt với nguy cơ lây lan bệnh tật trên gia súc, gia cầm như dịch tả lợn châu Phi, lở mồm long móng… Điều này có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến nguồn cung thịt lợn trong thời gian tới.

Giới phân tích cho rằng, nguồn cung thịt lợn dự kiến sẽ chưa thể hồi phục ngay, bởi việc tái đàn cần nhiều thời gian, lượng lợn giống nhập khẩu năm 2024 thấp.

Dịch tả lợn châu phi vẫn tiếp diễn ở nhiều địa phương khiến số lợn bệnh, chết và tiêu hủy tăng. Ngoài ra, lượng nhập khẩu thịt lợn không tăng mạnh so với cùng kỳ. Vì vậy, mặt bằng giá thịt lợn dự kiến sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao cho đến hết năm 2024.

Trước bối cảnh kinh doanh thuận lợi, doanh nghiệp chăn nuôi có kết quả kinh doanh rất ấn tượng trong quý II vừa qua.

Dẫn đầu về lợi nhuận trong nhóm chăn nuôi lợn là Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (mã chứng khoán: HAG). Doanh nghiệp này lãi ròng tới 270 tỷ đồng trong quý II, gấp gần 2,4 lần cùng kỳ. Mức tăng này chủ yếu từ mảng trái cây (cụ thể là xuất khẩu chuối), với doanh thu tới hơn 1,1 nghìn tỷ đồng, gấp 2 lần cùng kỳ.

Với mảng chăn nuôi lợn Hoàng Anh Gia Lai đạt 320 tỷ đồng doanh thu trong quý II, thấp hơn cùng kỳ 28%, nhưng nhờ giá vốn cũng giảm tới 40% nên lãi gộp mảng này được cải thiện mạnh tới 68%, đạt 86 tỷ đồng.

Mảng nông nghiệp của Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (mã chứng khoán: HPG) tăng trưởng mạnh với 1.542 tỷ đồng doanh thu, tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận đạt 225 tỷ đồng, gấp 4 lần cùng kỳ. Mảng nông nghiệp của Hòa Phát đóng góp lợi nhuận chỉ đứng sau mảng thép, gấp 4 lần bất động sản.

Dây chuyền sản xuất trứng gà Hòa Phát. Ảnh: Đức Dũng/BNEWS/TTXVN

Dây chuyền sản xuất trứng gà Hòa Phát. Ảnh: Đức Dũng/BNEWS/TTXVN

Trong quý II, Công ty cổ phần Nông nghiệp BaF Việt Nam (mã chứng khoán: BAF) có doanh thu thuần đạt hơn 1.200 tỷ đồng, thấp hơn cùng kỳ 23%. Giá vốn giảm tới 30%, còn hơn 1.000 tỷ đồng. Sau khấu trừ, lãi gộp còn 174 tỷ đồng, tăng 89% so với cùng kỳ năm ngoái.

Dù doanh thu chung giảm, nhưng mảng chăn nuôi lợn của BaF Việt Nam có doanh thu 806 tỷ đồng, gấp 4,7 lần cùng kỳ. Doanh thu tổng thể giảm chủ yếu vì mảng bán nông sản. Trong khi đó, việc chủ động được nguồn thức ăn chăn nuôi từ 2 nhà máy cám chay, cũng như lứa heo bán ra trong quý 2 được ghi nhận với giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi rẻ trong nửa cuối 2023, đã giúp giá vốn giảm. Biên lãi gộp được cải thiện từ 5,8% lên 14,2%.

Doanh thu tài chính trong kỳ rơi mạnh 93% còn 1,6 tỷ đồng, trong khi nhiều khoản chi phí tăng khiến lợi nhuận của doanh nghiệp thu hẹp. Nhờ có thêm 35 tỷ đồng lợi nhuận khác (cùng kỳ doanh nghiệp lỗ 14 tỷ đồng), nhờ đó BaF Việt Nam lãi ròng 34 tỷ đồng, gấp 4 lần cùng kỳ.

Trong khi hầu hết các doanh nghệp có kết quả kinh doanh ấn tượng thì Công ty Cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam Dabaco (mã chứng khoán: DBC) có lợi nhuận đạt 144 tỷ đồng, giảm 55% so với cùng kỳ.

Văn Giáp/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/du-bao-nhung-yeu-to-tac-dong-den-co-phieu-nong-nghiep/347497.html
Zalo