Tác động của AI đối với việc làm có thể nhỏ hơn ở các nước đang phát triển
Trí tuệ nhân tạo (AI) đang chuyển đổi lực lượng lao động toàn cầu; song, công nghệ này có thể không ảnh hưởng đến tất cả các khu vực như nhau, mà phần lớn tập trung vào các quốc gia có thu nhập cao, nơi AI có khả năng định hình lại toàn bộ các ngành công nghiệp. Theo nghiên cứu mới nhất của một nhóm các chuyên gia kinh tế tại Ngân hàng Thế giới (WB), tác động của AI đối với việc làm sẽ ít hơn và chậm hơn ở nhiều nước đang phát triển, đặc biệt là ở những khu vực mà việc tiếp cận điện hoặc internet vẫn còn hạn chế.

Người lao động làm việc tại một công trường xây dựng ở Malaysia. Ảnh minh họa: Property Report
Nghiên cứu đã phân tích dữ liệu từ 25 quốc gia với dân số 3,5 tỷ người, nhằm đánh giá mức độ tiếp xúc với AI, ghi lại mức độ mà công việc của họ có thể được thực hiện bằng AI.
Theo các chuyên gia, có sự khác biệt đáng kể về mức độ tiếp xúc của việc làm với AI. Một số nghề nghiệp như thợ lợp mái có mức độ tiếp xúc rất thấp, nghĩa là AI không có khả năng ảnh hưởng đến công việc của họ. Trong khi đó, những công việc như nhân viên tính lương phải đối mặt với mức độ tiếp xúc cao, cho thấy AI có thể thay đổi đáng kể cách thức hoạt động của họ.
“Người lao động ở các nước thu nhập thấp có mức độ tiếp xúc với AI thấp hơn đáng kể so với người lao động ở các nước thu nhập cao, trong khi các nước thu nhập trung bình nằm ở giữa. Điều này một phần là do cấu trúc thị trường lao động khác nhau ở các nước đang phát triển, với nhiều công việc liên quan đến lao động chân tay, hoặc tương tác giữa các cá nhân”, các chuyên gia kinh tế cho hay.
Nghiên cứu cũng nêu bật những khác biệt về mặt nhân khẩu học, chẳng hạn như phụ nữ có xu hướng tiếp xúc với AI cao hơn nam giới, nhưng chỉ ở các nước thu nhập cao và trung bình cao. Bên cạnh đó, không giống như ở các nước giàu có hơn, nơi người lao động lớn tuổi dễ bị ảnh hưởng nhất bởi sự gián đoạn của AI, sự khác biệt liên quan đến độ tuổi trong việc tiếp xúc với AI là rất nhỏ ở các nền kinh tế đang phát triển.
Để chuẩn bị cho tương lai của AI ở các nước đang phát triển, các chuyên gia cho rằng, mở rộng cơ sở hạ tầng kỹ thuật số và năng lượng; trong đó, điện và truy cập internet đáng tin cậy, đặc biệt là ở các vùng nông thôn sẽ rất quan trọng để cho phép áp dụng AI ở những nơi có thể mang lại lợi ích lớn nhất.
Ngoài ra, cần ưu tiên tăng cường AI hơn là tự động hóa. Khuyến khích các ứng dụng AI giúp nâng cao năng suất của con người thay vì thay thế người lao động, có thể giúp bảo vệ sinh kế và kích thích tăng trưởng kinh tế bao trùm; cũng như tận dụng AI cho chăm sóc sức khỏe và giáo dục.
AI đang chuyển đổi nền kinh tế toàn cầu, nhưng với tác động không đồng đều. Ở nhiều nước đang phát triển, sự gián đoạn sẽ diễn ra chậm hơn, mang đến cơ hội cho các chính phủ và doanh nghiệp định hình vai trò của AI trong lực lượng lao động. Với những chính sách chủ động, các nước này có thể khai thác AI để trao quyền cho người lao động thay vì thay thế họ.