Syria, sau 1 tuần biến động
Đã 1 tuần kể từ rạng sáng ngày 8/12 khi các lực lượng nổi dậy tiến vào Thủ đô Damascus, tình hình Syria vẫn tiếp tục biến động khó lường.
Thủ tướng lâm thời Chính phủ chuyển tiếp Syria, ông Mohammad al-Bashir kêu gọi đất nước hướng tới "sự ổn định và yên bình" khi chuyển giao quyền lực. Trong khi đó, lãnh đạo lực lượng nổi dậy, ông Abu Mohammed al-Jolani, cam kết tiến hành đàm phán hòa bình.
Ngày 15/12, sau 1 tuần các lực lượng nổi dậy kiểm soát, các hoạt động dần trở lại tại thủ dô Damascus. Tuy vậy, với Syria, phía trước vẫn còn nhiều bất ổn vì ngay sau khi giành quyền kiểm soát thủ Damascus, lực lượng nổi dậy đã ban bố lệnh giới nghiêm, từ 16 giờ hôm trước đến 5 giờ sáng hôm sau (theo giờ địa phương). Đến nay lệnh giới nghiêm vẫn chưa được dỡ bỏ. Trong khi đó, nước láng giềng Qatar tiếp tục kêu gọi không được để tình hình Syria xấu đi và trở thành hỗn loạn. Còn Quốc vương Jordan Abdullah II phát biểu trước Hội đồng An ninh quốc gia đã kêu gọi phải bảo vệ an ninh và người dân của Syria, tránh không để bất cứ xung đột nào có thể khiến tình hình lâm vào hỗn loạn. Đặc phái viên về Syria của Liên hợp quốc, ông Geir Pedersen, nhấn mạnh nguyện vọng của hàng triệu người dân Syria là một cuộc chuyển giao quyền lực ổn định.
Giới quan sát chính trị Trung Đông và thế giới cho rằng Syria là một trong những nơi xung đột phức tạp nhất thế giới, khi nơi đây vừa là đấu trường của những cuộc đối tôn giáo giữa người Sunni và Shia, lại là nơi cạnh tranh địa chính trị của nhiều quốc gia khác. Sự đan xen, tranh giành lợi ích của các bên đã gây ra khó khăn đối với nỗ lực hạ nhiệt xung đột tại Syria.
Ngay sau khi các lượng nổi dậy lật đổ chính phủ của ông Bashar al-Assad, không quân Mỹ đã thực hiện hàng loạt cuộc không kích tại Syria với mục đích cố gắng ngăn chặn các tay súng IS lợi dụng tình hình hỗn loạn. Tướng Mỹ Michael Erik Kurilla cảnh báo tới các nhóm vũ trang Syria rằng họ không được giúp đỡ IS, nhất là trong giai đoạn thành lập chính phủ mới.
Trong khi đó, Israel cũng thực hiện hàng loạt cuộc không kích nhắm vào kho vũ khí và đạn dược tại căn cứ không quân Khalkhalah ở Suwayda, cùng một số địa điểm tại Daraa và căn cứ không quân Mezzeh tại Damascus. Đại diện Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) tuyên bố sẽ theo dõi các vũ khí tiên tiến tại Syria để đảm bảo chúng không rơi vào tay Hezbollah cùng các lực lượng thù địch từ đó có thể đe dọa Israel. Cho tới ngày 15/12, IDF tuyên bố chiến dịch ném bom lớn kéo dài đã phá hủy 70-80% năng lực quân sự chiến lược của quân đội Syria, không để vũ khí tiên tiến rơi vào tay các phần tử thù địch.
Tờ Times of Israel dẫn thông báo của IDF cho biết, Không quân và Hải quân đã thực hiện hơn 350 cuộc không kích nhằm vào các mục tiêu chiến lược ở Syria kể từ khi các lực lượng nổi dậy lật đổ chính quyền của ông al-Assad.
Bộ trưởng Quốc phòng Israel Katz cho biết quân đội nước này sẽ phá hủy các vũ khí chiến lược hạng nặng trên khắp Syria, bao gồm tên lửa đất đối không, hệ thống phòng không, tên lửa đất đối đất, tên lửa hành trình, tên lửa tầm xa và tên lửa phòng thủ bờ biển. Ngoại trưởng Israel Gideon Saar cho biết, Israel không có ý định can thiệp vào công việc nội bộ của Syria mà chỉ quan tâm đến việc bảo vệ công dân của mình. "Đó là lý do vì sao Israel tấn công các hệ thống vũ khí chiến lược, chẳng hạn như các kho vũ khí hóa học còn sót lại hoặc tên lửa và tên lửa tầm xa để chúng không rơi vào tay những kẻ cực đoan"- theo ông Saar.
Tuy nhiên, đáng chú ý nhất chính là việc trong bối cảnh tình hình bất ổn ở Syria, Lực lượng Phòng vệ Israel đã tiến vào khu phi quân sự ở biên giới Israel - Syria. Đây là lần đầu tiên trong 50 năm qua, Israel tiến vào và đóng tại các vị trí trên vùng đệm cao nguyên Golan từ khi thỏa thuận rút quân năm 1974 được ký kết. Phát biểu trong một cuộc họp báo tại Jerusalem, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho rằng việc Tel Aviv kiểm soát cao nguyên Golan là nhằm đảm bảo an ninh và chủ quyền của nước này. “Việc chúng ta kiểm soát cao nguyên Golan là đảm bảo an ninh và chủ quyền của chúng ta" - ông Netayahu nói.
Ngay lập tức, Bộ Ngoại giao Qatar và Ai Cập gọi đây là một diễn biến nguy hiểm.
Cao nguyên Golan rộng khoảng 1.800km2, thường được ví như một đài quan sát chiến lược đặc biệt tại Trung Đông. Từ cao nguyên Golan, người ta có thể bao quát phần lớn lãnh thổ phía bắc Israel, đồng thời đây cũng là nguồn cung cấp nước ngọt quan trọng cho Israel. Vì thế, Israel lo ngại khi chính quyền Tổng thống al-Assad sụp đổ, chính quyền mới chưa kiểm soát được tình hình, cao nguyên Golan có thể sẽ bị rơi vào tay những lực lượng vũ trang chống lại Israel.
Trong một diễn biến liên quan, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cảnh báo, nhiều quốc gia sẽ cố gắng lợi dụng giai đoạn này để tái lập năng lực ở Syria. Hiện Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Nga, Mỹ và Israel vẫn có lực lượng đồn trú tại Syria.
Các lực lượng nổi dậy do nhóm Hayat Tahrir al-Sham (HTS) dẫn đầu đang nắm quyền ở Damascus đã chỉ định ông Mohammad al-Bashir làm người đứng đầu chính phủ chuyển tiếp, cho đến ngày 1/3/2025. Còn ông al-Bashir đã nhận mình là "thủ tướng Syria mới". Trước đó, ông al-Bashir từng là người đứng đầu "Chính phủ Cứu tế" của phe nổi dậy ở tây bắc Syria. “Chính phủ Cứu tế” nhằm hỗ trợ người dân ở khu vực do phe đối lập chiếm giữ, những người bị cắt đứt khỏi các dịch vụ của chính phủ tại Damascus, kể từ năm 2017.