Syria hủy hợp đồng đầu tư của Nga tại cảng chiến lược Tartus

Chính quyền chuyển tiếp của Syria đã chính thức chấm dứt hợp đồng đầu tư 49 năm với công ty Nga tại cảng Tartus trên Địa Trung Hải.

Tàu sân bay Kuznetsov của Nga neo tại cảng Tartus của Syria. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Tàu sân bay Kuznetsov của Nga neo tại cảng Tartus của Syria. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Đây là thông báo của ông Riyad Joudi, Giám đốc Cục hải quan Tartus, với tờ báo Al-Watan.

Theo ông Joudi, toàn bộ doanh thu từ việc quản lý cảng Tartus giờ đây sẽ được chuyển về ngân sách quốc gia Syria và lực lượng lao động sẽ quay lại mô hình quản lý trong nước.

Ngoài ra, phía Syria sẽ chịu trách nhiệm khôi phục các trang thiết bị lỗi thời mà trước đây công ty Nga đã sử dụng nhưng không thực hiện nâng cấp theo cam kết trong hợp đồng.

Vào năm 2019, chính quyền cũ tại Syria đã ký hợp đồng đầu tư với công ty Nga Stroytransgaz kéo dài 49 năm để mở rộng cảng Tartus. Nga cam kết đầu tư ít nhất 500 triệu USD trong vòng 4 năm, nhưng các quan chức Syria cho biết các cam kết này đã không được thực hiện đầy đủ.

Ông Joudi cho biết, cảng Tartus hiện gần như bị tê liệt do các quy định chặt chẽ và chi phí dịch vụ vận chuyển cao. Để cải thiện tình hình, chính phủ chuyển tiếp của Syria đã giảm thuế hải quan tới 60% cho một số loại hàng hóa, đồng thời bắt đầu tái cấu trúc hoạt động cảng, bao gồm việc hiện đại hóa cơ sở hạ tầng và cải thiện hiệu quả vận hành.

Sau khi Tổng thống Bashar al-Assad bị lật đổ vào đầu tháng 12/2024, ông Mohammed al-Bashir, cựu lãnh đạo của Chính phủ cứu quốc Syria, đã đảm nhận vai trò lãnh đạo chính phủ chuyển tiếp đến ngày 1/3/2025.

Chính phủ của ông al-Bashir đang tích cực cải tổ các quy định liên quan đến vận tải và thương mại quốc tế dưới sự giám sát của Tổng cục Đường bộ và Giao thông hàng hải.

Cơ sở hạ tầng tại cảng Tartus, vốn xuống cấp, đang được khôi phục. Các khu vực nhà kho và sân bãi đang được sửa chữa, đồng thời các cơ chế hiện đại hóa và cung cấp dịch vụ nhanh chóng đang được thiết lập.

Chính quyền cũng đã điều chỉnh các hạn chế nhập khẩu, cho phép nhập khẩu các mặt hàng trước đây bị cấm, như thiết bị điện tử, nhưng vẫn duy trì lệnh cấm đối với một số mặt hàng để bảo vệ sản xuất trong nước.

Lưu lượng hàng hóa tại cảng đã có dấu hiệu cải thiện, khi các tàu từ Syria, khu vực Arab và quốc tế vận chuyển các mặt hàng như sắt, cacbonat và đường.

Cảng Tartus, căn cứ hải quân duy nhất của Nga ngoài lãnh thổ Liên Xô cũ, có vai trò quan trọng trong chiến lược quân sự và địa chính trị của Moskva. Từ năm 1977, cảng này đã được Nga sử dụng làm trung tâm hậu cần, đặc biệt là trong chiến dịch can thiệp quân sự tại Syria năm 2015.

Cảng Tartus không chỉ hỗ trợ các hoạt động quân sự của Nga mà còn giúp Moskva giám sát các hoạt động của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại Địa Trung Hải và trở thành điểm xuất phát cho các hoạt động của tập đoàn Wagner tại châu Phi.

Tuy nhiên, sau khi Thổ Nhĩ Kỳ hạn chế việc sử dụng eo biển Bosphorus, cảng này càng trở nên quan trọng đối với Nga trong việc duy trì ảnh hưởng khu vực.

Hiện tại, sau sự sụp đổ của chính phủ cũ, lực lượng đối lập Syria do nhóm HTS lãnh đạo đã tuyên bố kiểm soát hoàn toàn cảng Tartus, đánh dấu một bước ngoặt lớn trong bối cảnh địa chính trị của Syria và khu vực.

Trước đó, ngày 10/1, theo dữ liệu từ MarineTraffic, tàu vận chuyển hàng hóa Sparta của Nga dùng để vận chuyển thiết bị quân sự, đã không thể cập cảng Tartus của Syria.

Theo các thông tin từ truyền thông địa phương, chính phủ chuyển tiếp tại Syria có thể đã từ chối cho tàu vào cảng. Điều này khiến căn cứ không quân Khmeimim trở thành tuyến đường sơ tán khả thi duy nhất cho nhân sự và thiết bị của Nga, trong đó máy bay của Bộ Quốc phòng Nga thực hiện các chuyến bay thường xuyên đến căn cứ.

Trước đó, có thông tin cho biết Nga có kế hoạch chuyển một phần thiết bị quân sự từ Syria đến Libya bằng tàu chở hàng Sparta và Sparta II.

Việt Dũng/Báo Tin tức (United24media/TASS)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/syria-huy-hop-dong-dau-tu-cua-nga-tai-cang-chien-luoc-tartus-20250122090159806.htm
Zalo