Sưu tầm hơn 200 tác phẩm của nhà thơ Thâm Tâm

Với sự giúp đỡ của Thư viện Quốc gia Việt Nam, Thư viện Quốc gia Pháp, các nhà sưu tầm trong và ngoài nước, đến hết tháng 6-2024, gia đình nhà thơ Thâm Tâm đã sưu tầm được trên 200 tác phẩm của ông.

Ông Nguyễn Tuấn Khoa, con trai của cố nhà thơ Thâm Tâm giới thiệu các tác phẩm của cha

Ông Nguyễn Tuấn Khoa, con trai của cố nhà thơ Thâm Tâm giới thiệu các tác phẩm của cha

Đó là 101 truyện ngắn đã in trong Tân Việt Văn đoàn, Tuần báo Bắc Hà, Tiểu thuyết Thứ bảy, Báo Quốc hội, Nhà xuất bản Văn hóa cứu quốc, Nhà xuất bản Vệ quốc quân từ năm 1936-1948. Cùng với đó là 28 truyện vừa, 2 tiểu thuyết, 38 vở kịch, 50 bài thơ, 2 tập “Miền Nam chiến đấu diễn ca” do nhà thơ Thâm Tâm sáng tác. Ngoài ra, gia đình đã sưu tầm được hàng chục tranh bìa Tuần báo Bắc Hà, minh họa cho Tân Việt Văn đoàn và Tiểu thuyết Thứ bảy từ năm 1935-1944 đều do nhà thơ Thâm Tâm vẽ... Ông Nguyễn Tuấn Khoa, con trai của nhà thơ Thâm Tâm cho biết, gia đình sẽ tiếp tục liên hệ với các nhà xuất bản để in lại những tác phẩm của nhà thơ Thâm Tâm mới sưu tầm được.

Thâm Tâm (1917 - 1950) là một nhà thơ, nhà viết kịch. Ông nổi tiếng với bài thơ “Tống biệt hành” - một phong cách thơ hòa hợp giữa cổ điển và hiện đại, thể hiện hào khí rất cao. Xuất thân trong một gia đình nhà giáo nề nếp, thuở nhỏ ông học tiểu học ở Hà Nội. Từ năm 1938 ông vẽ tranh để kiếm sống. Từ những năm 1940, ông tham gia viết báo, viết văn và thường được đăng tải trên các tờ báo nổi tiếng thời đó như: Tiểu thuyết thứ Bảy, Ngày nay, Tiểu thuyết thứ Năm và Truyền bá quốc ngữ... Ông cũng từng thử sức trên nhiều thể loại, nhưng thành công hơn cả vẫn là thơ. Thơ Thâm Tâm có nhiều giọng điệu, khi buồn da diết, khi trầm hùng, bi tráng, khi reo vui...

Sau Cách mạng tháng Tám 1945, Thâm Tâm tham gia văn hóa cứu quốc, ở trong Ban Biên tập Báo Tiên Phong (1945-1946), sau đó ông nhập ngũ, làm Thư ký tòa soạn Báo Vệ quốc quân (này là Báo Quân đội nhân dân). Ông mất trong cơn bạo bệnh đột ngột ngày 18-8-1950 trong Chiến dịch Biên giới, được đồng đội và nhân dân địa phương mai táng tại bản Pò Noa, xã Phi Hải, huyện Quảng Uyên, tỉnh Cao Bằng. Ông được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2007.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/suu-tam-hon-200-tac-pham-cua-nha-tho-tham-tam-post582809.antd
Zalo