Sụt cân nhanh có phải ung thư thận?

Ung thư thận là kết quả của một số tế bào thận phát triển không kiểm soát, dẫn đến một khối ác tính. Các triệu chứng của ung thư thận thường rất mờ nhạt và không điển hình, đến khi chúng xuất hiện thường xuyên, rõ rệt thì bệnh đã ở giai đoạn muộn.

Đi khám vì gầy sụt cân, người đàn ông phát hiện mắc ung thư thận

Nam bệnh nhân 51 tuổi, trú tại Hoa Lư, Ninh Bình, có tiền sử khỏe mạnh, vào viện khám vì lý do gầy sụt cân (khoảng 5kg) trong một tháng.

Bệnh nhân được các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình thăm khám lâm sàng và làm các xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh cần thiết. Kết quả chụp cắt lớp vi tính ổ bụng phát hiện khối u thận trái có kích thước 4,5-5 cm và được chẩn đoán u thận trái. Ngay sau đó, bệnh nhân được hội chẩn và chỉ định phẫu thuật nội soi cắt thận tận gốc cho bệnh nhân.

Bệnh nhân được cắt toàn bộ thận, niệu quản trái cùng với lấy bỏ toàn bộ tổ chức mỡ quanh thận, nạo vét hạch điều trị triệt căn. Ca phẫu thuật thành công, bệnh nhân được rút hết dẫn lưu vào ngày thứ 3, có thể đi lại bình thường và được xuất viện sau 5 ngày điều trị.

Hình ảnh ung thư thận.

Hình ảnh ung thư thận.

Nguyên nhân gây ung thư thận là gì?

Nguyên nhân gây ung thư thận chưa được khẳng định, tuy nhiên có nhiều yếu tố nguy cơ đã được chứng minh có thể dẫn tới ung thư thận như:

- Do hút thuốc lá: Đây là một trong những yếu tố có nguy cơ cao gây nên ung thư thận. Trung bình, có đến khoảng 30% nam giới và khoảng 24% nữ giới khi hút nhiều thuốc lá thì đều mắc phải căn bệnh quái ác này.

- Do tiếp xúc hóa chất: Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những người làm việc có tiếp xúc với những hóa chất này có tỷ lệ mắc bệnh khá cao, điển hình như công nhân nghề in, hóa chất, công nhân nhuộm hoặc những người thường xuyên tiếp xúc với xăng dầu.

- Do yếu tố di truyền: Bệnh có khả năng khởi phát ở nhiều người trong cùng một gia đình. Những đối tượng bị khuyết một đoạn ở NST 3 hoặc chuyển vị của các NST 3 và NST 8 cũng sẽ có tỷ lệ mắc ung thư thận khá cao.

Biểu hiện ung thư thận

Ung thư thận thường không gây ra bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào, nhưng đôi khi có thể có các triệu chứng là: Nước tiểu có máu; đau thắt lưng một bên (không phải do va chạm hoặc ngã); khối u ở bên cạnh lưng hoặc ở lưng dưới; cảm giác mệt mỏi; sụt cân, nếu không cố gắng giảm cân; sốt không phải do cảm lạnh và kéo dài;...

Tuy vậy, để khẳng định ung thư thận thì các bác sĩ chỉ định một số xét nghiệm như:

- Xét nghiệm nước tiểu: Nước tiểu được kiểm tra trong phòng thí nghiệm để xem có máu hoặc tế bào ung thư không.

- Xét nghiệm máu: Xét nghiệm hóa sinh máu cho thấy thận hoạt động tốt đến mức nào. Tổng phân tích tế bào máu ngoại vi (CBC) đo số lượng tế bào máu trong máu, như bạch cầu, hồng cầu và tiểu cầu. Những người mắc ung thư thận thường có số lượng hồng cầu thấp (điều này được gọi là thiếu máu).

- X-quang ngực: X-quang có thể được thực hiện để xem nếu ung thư đã lan đến phổi chưa.

- Chụp CT: Giúp cho biết ung thư đã lan rộng chưa.

- Chụp MRI: Xét nghiệm này có thể được sử dụng để xem ung thư đã lan rộng chưa.

- Siêu âm: Xét nghiệm này có thể giúp cho thấy khối trong thận đặc hay chứa chất lỏng (ung thư thận thường là đặc.) Nếu cần sinh thiết thận, siêu âm có thể được sử dụng để hướng dẫn chọc kim vào khối u để lấy ra một số tế bào để xét nghiệm.

- Sinh thiết thận: Đối với hầu hết các bệnh ung thư, sinh thiết là cách duy nhất để biết chắc chắn có bệnh ung thư không. Nhưng sinh thiết không phải lúc nào cũng cần thiết để biết có bị ung thư thận hay không. X-quang hoặc chụp CT/MRI đôi khi là đủ.

Lời khuyên thầy thuốc

Bệnh ung thư thận có thể gây ảnh hưởng lên toàn thân khi có các hội chứng cận ung thư, gầy sụt cân, đái máu nhiều, u thận vỡ gây chảy máu cấp tính.

Tiên lượng của bệnh nhân phụ thuộc nhiều vào giai đoạn bệnh khi phát hiện. Các giai đoạn sớm tỉ lệ sống thêm trên 5 năm khoảng 60-80%, giai đoạn muộn thì tỉ lệ này giảm xuống 15-20%, khi có di căn tỉ lệ này chỉ còn thấp hơn.

Vì vậy người bệnh cần khám sức khỏe định kỳ hoặc khi có các biểu hiện bất thường để được điều trị kịp thời.

Để phòng bệnh ung thư thận chủ yếu là kiểm soát các yếu tố nguy cơ bao gồm: Không hút thuốc lá; tránh tiếp xúc hóa chất; kiểm soát tốt các bệnh lý toàn thân như béo phì, đái tháo đường; điều trị đúng và kịp thời các bệnh lý hệ tiết niệu như nhiễm khuẩn tiết niệu, sỏi tiết niệu, suy thận,…. Khám sức khỏe định kỳ phát hiện sớm thương tổn nếu có.

ThS.BS. Nguyễn Thị Hường

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/sut-can-nhanh-co-the-la-dau-hieu-cua-ung-thu-than-169241001152908687.htm
Zalo