Sút bóng vào khung thành di động, doanh nghiệp nên đi sớm, đi chậm trên hành trình ESG

Thực thi ESG tại các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa không phải vấn đề nhỏ. Ông Nguyễn Bá Hùng, chuyên gia Kinh tế trưởng ADB tại Việt Nam cho rằng, các ngân hàng đóng vai trò quan trọng trong việc cố vấn cho doanh nghiệp.

Hội thảo “ESG trong ngành ngân hàng: Thực thi để dẫn đầu”.

Hội thảo “ESG trong ngành ngân hàng: Thực thi để dẫn đầu”.

ESG: Không dễ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ

Chia sẻ tại Hội thảo “ESG trong ngành ngân hàng: Thực thi để dẫn đầu” do Báo Đầu tư tổ chức, bà Bùi Bích Liên, nhà sáng lập kiêm Tổng giám đốc, Công ty cổ phần Thương mại và Công nghệ EMCOM cho biết, việc tiếp cận với nguồn vốn xanh của ngân hàng không dễ, dù không cần những ưu đãi về lãi suất.

"Chúng tôi đã từng bị loại trong một lần gửi hồ sơ nhận nguồn vốn ưu đãi khi doanh nghiệp bắt đầu từ những ngày nhỏ bé không đáp ứng các tiêu chí. Nguồn vốn hạn hẹp cũng là nguyên nhân khiến chúng tôi khó lan tỏa tới cộng đồng với nhiều khó khăn, thách thức”, bà Liên cho hay.

Ứng dụng công nghệ vi sinh của Nhật Bản, EMCOM làm sản phẩm tắm gội bằng vi sinh, khi xả thải ra môi trường an toàn, góp phần bảo vệ môi trường. Dòng vốn là dòng máu nuôi dưỡng doanh nghiệp.

Theo bà Liên, phía các doanh nghiệp không cần nguồn vốn rẻ mà cần sự đồng hành. Ngoài tiêu chí doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu như thế nào để được vay vốn, cần có tiêu chí xem xét doanh nghiệp có đóng góp gì cho xã hội, vốn mà ngân hàng tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển mang lại giá trị gì.

Bà Bùi Bích Liên, nhà sáng lập kiêm Tổng giám đốc, Công ty cổ phần Thương mại và Công nghệ EMCOM.

Bà Bùi Bích Liên, nhà sáng lập kiêm Tổng giám đốc, Công ty cổ phần Thương mại và Công nghệ EMCOM.

“Điều này nên xem là một tiêu chí quan trọng đánh giá tác động của vốn đầu tư mang lại giá trị cho xã hội. Bên cạnh các yếu tố dễ thấy về công việc, môi trường xanh, các giải pháp khoa học, chuyển đổi kép, sử dụng công nghệ vào chuyển đổi xanh mang lại giá trị thiết thực, đi theo bền vững là thực chất và nên được tính đến", bà Bùi Bích Liên, nhà sáng lập EMCOM khẳng định.

Không riêng chuyện hướng dòng vốn ưu tiên vào các doanh nghiệp như EMCOM, việc thực thi ESG tại các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa không phải vấn đề nhỏ. Phát biểu dẫn đề và gợi ý thảo luận tại Hội thảo, Phó thống đốc Đào Minh Tú đặt ra câu hỏi về cách thức để nền kinh tế và hầu hết doanh nghiệp thực hành ESG. Bởi theo ông Tú, trong khi các tập đoàn lớn có nguồn lớn, trình độ quản trị tốt, vẫn còn rất nhiều lãnh đạo doanh nghiệp chưa hiểu về ESG. Tuy nhiên, trong thực thi ESG, tất cả phải vận hành tạo ra chuỗi liên kết trong giá trị để cùng nhau hành động.

Đi sớm - đi chậm và vai trò tư vấn của các nhà băng

Ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia Kinh tế trưởng ABD tại Việt Nam.

Tại Hội thảo, ông Nguyễn Bá Hùng, chuyên gia Kinh tế trưởng của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam cho rằng, các ngân hàng bên cạnh việc định hình ra phương hướng và thiết lập được hệ thống cũng đóng vai trò quan trọng trong việc cố vấn cho doanh nghiệp. Thị trường tài chính của Việt Nam, thị trường đầu tư và tư vấn đầu tư đang phát triển ở giai đoạn ban đầu, phần lớn các dịch vụ tư vấn đầu tư nặng về tư vấn tài chính. Các ngân hàng nên có thêm phần tư vấn ESG hay tư vấn về kinh tế xanh, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn.

Các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, sẽ được hưởng lợi rất nhiều từ dịch vụ tư vấn của ngân hàng. Chính các ngân hàng khi có quan hệ sâu hơn với doanh nghiệp vừa có thêm nguồn thu từ dịch vụ tư vấn, vừa có thể làm cho ngân hàng hiểu rõ hơn hoạt động của doanh nghiệp, thu thập thông tin tốt hơn, từ đó củng cố hơn hoạt động ESG của ngân hàng cũng tốt lên.

Việc hướng đến thực thi ESG theo ông Hùng cũng giống như việc cố gắng sút bóng vào một khung thành di động. Hiện mỗi nước sẽ có quy định khác nhau, từ quy định căn bản nhất là quy định pháp luật có thể biến thành rủi ro nếu doanh nghiệp mà vi phạm, đến các tiêu chí khác như các tiêu chí định lượng của châu Âu như CBAM. Dù không nhất thiết mang tính quy phạm pháp luật không được là vi phạm, tiêu chí định lượng có hàm ý về tài chính, nghĩa là nếu đạt cao thì chi phí thấp, trong khi đạt thấp thì chi phí cao. Bản thân doanh nghiệp là người trực tiếp tham gia quá trình và khiến kết quả tốt hơn. Còn ở tư cách là người cho vay, ngân hàng cũng cần hiểu rõ được những nội dung này để đưa ra các đánh giá sát sườn hơn.

Các quy định cũng đang thay đổi, không chỉ vài nước trên thế giới mà ở các khu vực. Một mặt các nước cũng nỗ lực để hài hòa các quy định, chẳng hạn chuẩn mực về trái phiếu xanh, trái phiếu xã hội và trái phiếu bền vững trong khu vực ASEAN hay bản thân Hiệp hội các thị trường tài chính thế giới cũng cố gắng đưa ra các chuẩn hóa về các tiêu chí ESG để áp dụng cho các thị trường quốc tế.

Tuy nhiên, cuối cùng đi vào bản chất, khuôn khổ pháp lý quy định từng hoạt động của doanh nghiệp vẫn đi về khuôn khổ pháp lý của từng quốc gia và do đó các ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng hoạt động tại nhiều nền kinh tế khác nhau thì họ phải thay đổi theo các quy định khác nhau. Kể cả trong trường hợp chỉ trong riêng một nền kinh tế của Việt Nam, việc sẵn sàng cho thay đổi về mặt pháp luật trong hoạt động về ESG cũng là thay đổi rất quan trọng khi các ngân hàng triển khai các nỗ lực ESG hiện nay.

Ông Hùng cho rằng, trong hành trình ESG việc đi sớm và đi chậm có lẽ là phù hợp hơn với các tổ chức. Bởi vì trong bối cảnh khuôn khổ pháp lý còn đang thay đổi, việc đi sớm giúp tổ chức có sự thay đổi nhận thức rõ hơn và chuẩn bị hệ thống tốt hơn khi biết cần những thông tin gì, lấy thông tin ở đâu và làm sao có sự chuẩn bị đối với những diễn biến tương đối nhanh trong hệ thống pháp luật, những khuôn khổ không chỉ riêng của Việt Nam mà kể cả trong khu vực và trên thị trường quốc tế.

Đối với các tổ chức đi sớm và có hệ thống sẵn sàng, việc thích ứng cũng dễ dàng hơn khi có những thay đổi trên thị trường thế giới. Chẳng hạn, ông Hùng dẫn chứng, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam hiện nay chịu áp lực lớn vì thị trường xuất khẩu như Mỹ, châu Âu bắt đầu đưa những quy định rất chặt, đối diện khả năng bị loại ra khỏi chuỗi cung ứng nếu không đáp ứng được.

Còn đối với doanh nghiệp không liên quan nhiều đến xuất khẩu, dù cũng quan tâm, áp lực sẽ không mạnh mẽ như doanh nghiệp phải tham gia thị trường xuất khẩu. Các thị trường nhập khẩu khó tính thì họ sẽ lựa chọn những nhà cung cấp ở các nước khác sẵn sàng hơn.

Tùng Linh

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/sut-bong-vao-khung-thanh-di-dong-doanh-nghiep-nen-di-som-di-cham-tren-hanh-trinh-esg-d230620.html
Zalo