Sưng đau gối cảnh giác với rách sụn chêm khớp gối
Rách sụn chêm là một trong những chấn thương đầu gối thường gặp nhất, gây ảnh hưởng tới khả năng vận động của người bệnh. Chấn thương này thường xảy ra khi xoay đầu gối đột ngột trong tập luyện, chơi thể thao hoặc tai nạn trong lao động, tai nạn giao thông …
Nguyên nhân rách sụn chêm khớp gối
Bất cứ hoạt động nào gây một áp lực lớn trên khớp, đồng thời ở trạng thái vặn xoắn hoặc xoay vòng khớp gối, đặc biệt khi chịu toàn bộ sức nặng của cơ thể đều có thể dẫn đến rách sụn chêm.
Mỗi gối có hai đĩa sụn chêm hình chữ C nằm giữa hai khe khớp trong ngoài tạo nên bởi lồi cầu xương đùi và mâm chày. Một vết rách sụn chêm là nguyên nhân gây ra các dấu hiệu đau, sưng và cứng gối. Bệnh nhân cũng có thể cảm thấy gối bị khó vận động gấp duỗi hoặc duỗi ra không được tối đa.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến rách sụn chêm khớp gối trong đó có thể do các yếu tố nguy cơ như:
Các chấn thương do chơi thể thao mạnh như bóng đá, tennis, bóng rổ.
Nguy cơ càng gia tăng đối với các bệnh nhân béo phì.
Đối với người có tuổi thường do thoái hóa, bệnh nhân ngồi ghế và đứng lên đột ngột trong tư thế bất lợi cũng có thể gây rách sụn chêm.
Biểu hiện rách sụn chêm khớp gối
Khi bị rách sụn chêm, bệnh nhân có thể có các dấu hiệu sau:
Nghe hoặc cảm thấy tiếng kêu "rắc" trong gối ngay khi lúc rách sụn.
Cảm thấy đau khi vặn xoắn hoặc xoay chân.
Sưng nề hoặc cứng gối.
Khó khăn trong việc thẳng gối tối đa.
Cảm giác gối luôn bị mắc kẹt khi gấp duỗi.
Cảm giác gối như "rời" ra.
Các bệnh nhân rách sụn chêm thường có cảm giác như:
Gối cẳng chân rời ra khỏi cơ thể hoặc muốn quỵ khi vận động đi lại,
Mất kiểm soát điều khiển và thường xuyên đau.
Diễn biến về lâu dài dẫn đến viêm thoái hóa khớp gối.
Để chẩn đoán rách sụn chêm khớp gối bác sĩ khám chấn thương sẽ khai thác các đặc điểm bệnh sử nói trên, kiểm tra các hoạt động của gối ở các tư thể khác nhau thông qua các test chẩn đoán lâm sàng, tìm điểm đau...Ngoài ra, các chẩn đoán khác sẽ giúp xác định được bệnh như:
Chụp X-quang: bởi vì sụn chêm cấu trúc là tổ chức sụn, nên không nhìn thấy trên X-quang. Tuy nhiên X-quang có giá trị loại trừ các tổn thương phần cứng khác cũng gây các triệu chứng đau tương tự.
Chụp MRI để có hình ảnh chi tiết cả phần cứng và phần mềm. Đây là khảo sát hình ảnh số 1 để chẩn đoán rách sụn chêm.
Nội soi khớp gối: Với một số trường hợp vẫn chưa rõ ràng, bác sĩ sẽ sử dụng phương pháp nội soi khớp gối để có thể khảo sát toàn bộ bên trong khớp gối và đánh giá các tổn thương. Nếu có phát hiện tổn thương thì bác sĩ có thể tiến hành can thiệp giải quyết ngay nếu cần thiết nhờ một số các dụng cụ hỗ trợ chuyên dụng.
Rách sụn chêm khớp gối có cần phẫu thuật không?
Điều trị rách sụn chêm dựa vào hình thái, vị trí, kích thước và vùng rách của sụn chêm của tổn thương mà các bác sĩ chỉ định phù hợp. Không cần thiết trường hợp nào cũng phải phẫu thuật.
Các điều trị rách sụn chêm khớp gối bao gồm:
Điều trị bảo tồn (không phẫu thuật )
Rách sụn chêm với vết rách nhỏ, đi kèm viêm khớp thường được cải thiện nhiều sau một thời gian điều trị viêm khớp. Người bệnh cần có chế độ nghỉ ngơi. nên tránh các hoạt động gây chấn động mạnh đến khớp gối, đặc biệt các động tác gây vặn xoắn, xoay trục cẳng chân gối. Nếu đau quá bệnh nhân có thể dùng nạng để hỗ trợ đi lại.
Túi lạnh, khăn lạnh sẽ giúp khớp gối bớt đau và sưng, có thể áp lên gối 15 phút /lần và giữ gối ở tư thế cao. Nên làm như thế trong một hai ngày đầu sau chấn thương.
Thuốc: chủ yếu sử dụng các thuốc giảm đau.
Điều trị phẫu thuật
Nếu đã áp dụng tất cả các biện pháp trên mà không đỡ, các bác sĩ sẽ cân nhắc phẫu thuật. Tùy tình trạng của bệnh nhân, bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp mổ mở hay mổ nội soi để thực hiện các phẫu thuật sụn chêm.
Tóm lại: Sụn chêm dính chặt vào bao khớp ở bờ chu vi và liên quan với sự chuyển động của khớp gối, sụn chêm trượt ra sau khi duỗi chân và xô ra trước khi gấp chân. Nếu động tác quá mạnh và đột ngột, sụn chêm có thể bị rạn hay rách, lúc đó sẽ trở thành chướng ngại gây ra hạn chế cử động khớp. Vì vậy, khi có biểu hiện nghi ngờ cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị.