Sức vươn từ những công trình hiện đại

Dịp kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước cũng là dịp nhìn lại sự chuyển mình mạnh mẽ của hạ tầng giao thông TP Hồ Chí Minh.

Những công trình giao thông trọng điểm không chỉ giải quyết các vấn đề tồn đọng của giao thông đô thị mà còn là nền tảng đặc biệt quan trọng thúc đẩy thành phố phát triển kinh tế-xã hội.

Đường Võ Nguyên Giáp (xa lộ Hà Nội trước đây) kết hợp metro số 1 tạo diện mạo giao thông hiện đại của TP Hồ Chí Minh.

Đường Võ Nguyên Giáp (xa lộ Hà Nội trước đây) kết hợp metro số 1 tạo diện mạo giao thông hiện đại của TP Hồ Chí Minh.

Nhìn lại chặng đường 50 năm kể từ Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, TP Hồ Chí Minh đã đối diện với không ít thách thức trong phát triển hạ tầng giao thông. Những năm đầu sau giải phóng, thành phố có hệ thống hạ tầng giao thông lạc hậu, chưa có quy hoạch tổng thể, thiếu kết nối vùng; đi kèm với cơ chế quản lý cũ kỹ và tàn dư của chế độ ngụy gây nhiều khó khăn trong cải tạo, khôi phục. Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Giao thông vận tải chia sẻ: “TP Hồ Chí Minh sau khi được giải phóng chủ yếu là xe máy, hệ thống đường sắt đô thị gần như không có, phương tiện giao thông cá nhân ít, không có taxi, giao thông đô thị và giao thông công cộng yếu kém, đi lại khó khăn, người dân chủ yếu di chuyển bằng xích lô”.

Trong giai đoạn đổi mới, với sự quyết tâm, năng động của Đảng bộ, chính quyền thành phố, hệ thống giao thông từng bước được đầu tư, đột phá toàn diện ở nhiều loại hình. Nhiều công trình được xây dựng không chỉ khẳng định quy mô hiện đại, thay đổi diện mạo của thành phố mà còn thể hiện dấu ấn tiên phong, hình thành những cơ chế, mô hình đầu tư, phát triển giao thông mới. TP Hồ Chí Minh đã xây dựng hơn 5.000km đường bộ, trở thành đầu mối giao thông huyết mạch, quan trọng, có ý nghĩa chiến lược trong việc kết nối, phát triển kinh tế các tỉnh phía Nam, tiêu biểu như: Đường Nguyễn Văn Linh, hệ thống kênh và đường ven kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè, hầm vượt sông Sài Gòn (hầm Thủ Thiêm), đại lộ Phạm Văn Đồng, đường Võ Văn Kiệt, các cầu vượt sông Sài Gòn: Thủ Thiêm, Ba Son, Phú Mỹ; hệ thống cầu vượt nội thành, metro số 1... Đặc biệt, hầm vượt sông Sài Gòn khánh thành năm 2011 được đánh giá là hầm vượt sông hiện đại nhất Đông Nam Á. Chị Phan Thị Mỹ (42 tuổi, ở phường Bến Thành, quận 1) chia sẻ: "Đường sá bây giờ phát triển, đổi thay rất nhiều so với lúc tôi còn bé, đặc biệt là giao thông công cộng hiện đại. Nhiều tuyến phủ khắp thành phố với dòng xe điện, khí thân thiện với môi trường. Thành phố đã hiện hữu những công trình, mô hình giao thông hiện đại, không chỉ giúp người dân được thụ hưởng mà còn mang lại niềm tự hào về sự phát triển của thành phố".

Hướng tới mục tiêu phát triển giai đoạn 2025-2030, TP Hồ Chí Minh xác định đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông vận tải đồng bộ, hiện đại. Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh đã và đang trở thành "cây đũa thần" giúp thành phố áp dụng các mô hình giao thông mới, hiện đại, huy động được nhiều nguồn lực. Việc thực hiện áp dụng mô hình mới và cơ chế nhà đầu tư chiến lược đã tạo tiền đề để “gỡ nút thắt” cho những công trình còn tồn đọng như dự án đường vành đai 2, vành đai 3, “khai thông” loạt dự án cửa ngõ thành phố... Từ thành công của tuyến metro số 1 Bến Thành-Suối Tiên, TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục triển khai kế hoạch đầu tư 355km đường sắt đô thị giai đoạn tiếp theo. Sức vươn từ những hạ tầng mới này không chỉ dần tháo gỡ những “điểm nghẽn” của giao thông đô thị mà còn tạo bước đệm quan trọng để TP Hồ Chí Minh bước vào thời kỳ mới-kỷ nguyên vươn mình, trong đó giao thông đóng vai trò là huyết mạch quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của Thành phố mang tên Bác.

Bài và ảnh: HÀ THU

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/suc-vuon-tu-nhung-cong-trinh-hien-dai-825959
Zalo