Sức trẻ ở đơn vị ba lần anh hùng

Tại Lữ đoàn Đặc công bộ 113 (Binh chủng Đặc công) vào những ngày đầu tháng 12, mặc dù trời trở rét, nhưng trên các thao trường, bãi tập, cán bộ, chiến sĩ đơn vị vẫn sôi nổi thực hiện đợt thi đua cao điểm với chủ đề: 'Tự hào truyền thống-Viết tiếp chiến công-Xứng danh Bộ đội Cụ Hồ', trong thực hiện nhiệm vụ, lập thành tích chào mừng kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân.

Chiến sĩ Lữ đoàn Đặc công bộ 113 (Binh chủng Đặc công) luyện tập võ thuật. (Ảnh: Lữ đoàn 113 cung cấp)

Chiến sĩ Lữ đoàn Đặc công bộ 113 (Binh chủng Đặc công) luyện tập võ thuật. (Ảnh: Lữ đoàn 113 cung cấp)

Được thành lập ngày 3/6/1972, trải qua 52 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Lữ đoàn Đặc công bộ 113 (tiền thân là Trung đoàn Đặc công 113) đã lập nhiều chiến công vang dội. Trong chiến tranh giải phóng, chiến đấu bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế, Lữ đoàn đã đánh 407 trận, tiêu diệt hàng nghìn tên địch; phá hủy hàng trăm phương tiện chiến tranh, máy bay, xe quân sự và hàng trăm triệu lít xăng dầu… của địch.

Tự hào truyền thống anh hùng

Đại tá Nguyễn Văn Phả, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Lữ đoàn 113 cho biết: Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn hôm nay luôn tự hào truyền thống đánh giặc của lớp cha anh đi trước. Ngay sau khi được thành lập, đêm 31/7, rạng sáng ngày 1/8/1972, Tiểu đoàn pháo 174 của Lữ đoàn đã bắn 202 quả đạn ĐKB và 45 quả đạn H12 vào khu để máy bay trong căn cứ không quân Biên Hòa và khu cơ quan Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3 ngụy; trong đó đã phá hủy 74 máy bay, 1 kho bom bị nổ tung, một kho xăng bị thiêu hủy, 2 giàn ra-đa và nhiều nhà cửa, công sự bị phá sập, tiêu diệt hàng trăm lính Mỹ, ngụy, làm tê liệt sân bay quân sự lớn nhất miền nam của địch trong một thời gian dài.

Sau trận đầu ra quân thắng lợi, đơn vị tiếp tục đánh vào Kho 53, thuộc Tổng kho Long Bình - một căn cứ dự trữ chiến lược khổng lồ của Mỹ ngụy, với tổng diện tích 24 km được canh phòng hết sức nghiêm ngặt, với hệ thống đèn pha, pháo sáng, chó nghiệp vụ. Song với ý chí quyết tâm đánh thắng địch trong mọi tình huống, Lữ đoàn đã sử dụng 57 cán bộ, chiến sĩ dùng cách đánh phá hủy bí mật; kết quả đã phá hủy hơn 130 gian nhà kho, gần 2.000 tấn bom, đạn; đốt cháy hơn 1 triệu lít xăng dầu của địch, tiêu diệt hàng trăm lính Mỹ, ngụy. Đáng chú ý, trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (tháng 4/1975), Lữ đoàn được giao nhiệm vụ đánh chiếm trước và tạm giữ các cây cầu, các căn cứ của địch án ngữ trên đường tiến công chủ yếu của ta, mở đường cho binh chủng hợp thành tiến vào giải phóng Sài Gòn. Cán bộ, chiến sĩ của Lữ đoàn đã chiến đấu anh dũng, lập nhiều chiến công vang dội trong các trận đánh như: Cầu Ghềnh, cầu Hóa An, căn cứ Hốc Bà Thức…

Trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, Lữ đoàn được giao nhiệm vụ là lực lượng đặc công cơ động của Bộ Quốc phòng, địa bàn tác chiến rộng ở biên giới Tây Nam và biên giới phía bắc; song cán bộ, chiến sĩ đơn vị đã phát huy truyền thống anh hùng, không quản khó khăn, gian khổ, hy sinh, sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao… Với thành tích xuất sắc nêu trên, Lữ đoàn vinh dự 3 lần được Đảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; 6 tập thể, 12 cá nhân của đơn vị được tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; hàng trăm tập thể, hàng nghìn cá nhân được tặng thưởng Huân chương Quân công, Huân chương Chiến công…

“Những năm qua, Lữ đoàn đã làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, tập trung giáo dục bộ đội lòng dũng cảm, niềm tin vào nghệ thuật tác chiến đặc công, vào lực lượng, vũ khí, trang bị, phương tiện hiện có... coi trọng truyền thụ các bài học, kinh nghiệm chiến đấu của lớp cha anh đi trước để tạo niềm tin, xây dựng bản lĩnh, ý chí quyết tâm đặc biệt cao cho bộ đội” - Đại tá Nguyễn Văn Phả, Chính ủy Lữ đoàn 113, nhấn mạnh.

Huấn luyện sát thực tế

Chúng tôi có mặt tại thao trường của đơn vị đúng lúc cán bộ, chiến sĩ Đại đội 20 Trinh sát đang luyện tập kỹ thuật ngụy trang, mặc dù buổi chiều trời trở rét, các chiến sĩ mặc quần cộc, cởi trần, trên người bôi than, bôi đất, nhưng ai nấy đều tỏ rõ quyết tâm cao trong buổi luyện tập. Nhìn các chiến sĩ trẻ thực hiện kỹ thuật ngụy trang ẩn mình trên các loại địa hình, dù ban ngày chỉ cách vài chục mét nhưng mắt thường rất khó phát hiện. Tranh thủ phút nghỉ giải lao, Trung úy Hoàng Văn Phong, Phó Đại đội trưởng chia sẻ, kỹ thuật ngụy trang là một trong những nội dung huấn luyện rất quan trọng của bộ đội đặc công. Vì có làm tốt việc ngụy trang chiến sĩ đặc công mới “tàng hình” che mắt được địch để luồn sâu áp sát mục tiêu, tạo lối đánh bất ngờ tiêu diệt địch.

Chiến sĩ Đại đội 20 Trinh sát, Lữ đoàn Đặc công bộ 113 (Binh chủng Đặc công) huấn luyện ngụy trang bôi đất. (Ảnh: Lữ đoàn 113 cung cấp)

Chiến sĩ Đại đội 20 Trinh sát, Lữ đoàn Đặc công bộ 113 (Binh chủng Đặc công) huấn luyện ngụy trang bôi đất. (Ảnh: Lữ đoàn 113 cung cấp)

Vừa cùng đồng đội luyện tập, mặc chiếc quần cộc, trên khuôn mặt và thân người lấm lem bùn đất, Binh nhất Trần Văn Đông ở Tiểu đội 1, Trung đội 2, Đại đội 20 hồ hởi chia sẻ: “Được về công tác ở Đại đội Anh hùng của Lữ đoàn 3 lần được tuyên dương danh hiệu Anh hùng, tôi cũng như cán bộ, chiến sĩ đơn vị rất vinh dự, tự hào. Bởi vậy, mặc dù trong huấn luyện chuyên ngành trinh sát đặc công yêu cầu võ thuật, bắn súng, xem đọc bản đồ đòi hỏi rất cao; huấn luyện về mùa hè có hôm nắng cháy da thịt, mùa đông có ngày mưa phùn, giá rét lạnh thấu xương, nhưng tôi cùng cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị đã nỗ lực vượt qua khó khăn, phấn đấu hoàn thành tốt các nội dung huấn luyện đề ra”.

Nói về đặc thù của bộ đội đặc công, Đại tá Nguyễn Quang Hòa, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 113 khái quát: Đặc điểm tác chiến của bộ đội đặc công là thường tác chiến sâu trong hậu cứ, căn cứ của địch nhằm phá hủy sở chỉ huy, căn cứ hậu cần-kỹ thuật, trung tâm thông tin, trận địa hỏa lực của địch...; trong chiến đấu thường sử dụng lực lượng ít, lấy “ít địch nhiều”, thực hiện “đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”, luồn sâu đánh hiểm và tác chiến độc lập. Do vậy, để huấn luyện đạt kết quả tốt, những năm qua, Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn đã triển khai đồng bộ các nội dung, biện pháp; trong đó, tổ chức huấn luyện theo phương châm “cơ bản, thiết thực, vững chắc”, coi trọng huấn luyện đồng bộ, chuyên sâu theo hướng hiện đại, phù hợp với địa bàn, mục tiêu, nhiệm vụ và đối tượng tác chiến, nhất là trong điều kiện địch sử dụng vũ khí công nghệ cao…

Với những thành tích xuất sắc nêu trên, năm 2022, Lữ đoàn Đặc công bộ 113 vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng nhất. Từ năm 2020 đến nay, Lữ đoàn luôn là lá cờ đầu trong phong trào thi đua quyết thắng, được Bộ Quốc phòng, Binh chủng Đặc công tặng Cờ thưởng thi đua “Đơn vị huấn luyện giỏi”...

TRẦN QUYẾT

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/suc-tre-o-don-vi-ba-lan-anh-hung-post852049.html
Zalo