Sức sống mới từ những bản làng

Những con đường bê tông phẳng lì nối dài đến từng thôn, bản xa xôi, những ngôi nhà cao tầng kiên cố thấp thoáng giữa ngút ngàn màu xanh cây lá, ruộng nương phủ khắp một màu no ấm... đã khẳng định sức sống mới đang hiện hữu tại các xã miền núi của huyện Nho Quan.

Đường nông thôn mới khang trang ở nhiều xã vùng cao huyện Nho Quan. Ảnh: Ngọc Linh

Đường nông thôn mới khang trang ở nhiều xã vùng cao huyện Nho Quan. Ảnh: Ngọc Linh

Chúng tôi đến xã Phú Long-vùng đất với nhiều thung lũng, núi đá, rừng núi rậm rạp, tiếp giáp với khu căn cứ cách mạng Quỳnh Lưu. “Làng Đụn” ngày xưa (nay là thôn 4, xã Phú Long) được ví như “vùng đất khó một thời” giờ đã “thay da, đổi thịt” hoàn toàn. Thôn làng với diện mạo mới, sức sống mới đang hiện hữu giữa núi rừng.

Trong nhà văn hóa thôn khang trang, đồng chí Nguyễn Văn Thuật, Trưởng thôn 4, xã Phú Long cho biết: Từng là thôn đặc biệt khó khăn của xã, dân cư ở rải rác, tập quán canh tác lạc hậu. Nhờ có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, hỗ trợ của các cấp, ngành, người dân trong thôn đoàn kết, tích cực lao động sản xuất, mạnh dạn áp dụng khoa học, kỹ thuật để phát triển đa dạng các loại cây trồng. Bà con đã thay thế những cây hoa màu, khoai, sắn đơn thuần cho hiệu quả kinh tế thấp bằng cây công nghiệp ngắn ngày cho hiệu quả kinh tế cao.

Những bãi cỏ lau hoang sơ xưa kia giờ trở thành những vườn na, đồi dứa bạt ngàn; trong chuồng, trại chăn nuôi trâu, bò, dê… cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Ông Thuật không giấu nổi niềm vui nói với chúng tôi: Năm 2024, thu nhập bình quân đầu người trong thôn đạt 62 triệu đồng/ người/năm.

Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, Nhân dân trong thôn đã đóng góp hơn 2 tỷ đồng, hiến 1.500m2 đất, cùng hàng nghìn ngày công lao động để xây dựng cơ sở vật chất thôn. Qua quá trình phấn đấu, “Làng Đụn” đã đổi thay như một kỳ tích, trở thành vùng quê trù phú đầy sức sống.

Cũng như những thôn bản vùng đất khó một thời”, giờ đây, trong câu chuyện của nhiều người dân thôn Bãi Lóng, xã Thạch Bình không còn là chuyện về một thời dân làng đói cơm, thiếu áo mà họ nhắc nhiều đến cách làm ăn phát triển kinh tế, xây dựng NTM, con em học hành đỗ đạt… Bởi qua mỗi năm, làng quê nghèo lại thêm khởi sắc, đời sống Nhân dân ngày một ấm no.

Đội văn nghệ quần chúng xã Quảng Lạc (Nho Quan) tập luyện biểu diễn cồng chiêng.

Đội văn nghệ quần chúng xã Quảng Lạc (Nho Quan) tập luyện biểu diễn cồng chiêng.

Đồng chí Vũ Dũng, Chủ tịch UBND xã Thạch Bình cho biết: Từ chủ trương của Nhà nước, nhiều công trình trong thôn được xây dựng, nhờ đó 100% đường trục thôn được bê tông hóa, điểm trường học, Trạm y tế được đầu tư, người dân được chăm sóc sức khỏe và trẻ em đều được đến trường.

Những đổi thay tích cực của thôn 4-“Làng Đụn”, Bãi Lóng hay nhiều thôn, bản khác tại Nho Quan là minh chứng cho những chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước. Với trên 17,2% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là dân tộc Mường sinh sống ở 9 xã của huyện, thời gian qua, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp chính quyền địa phương, cùng sự nỗ lực vươn lên của người dân, những dải đất cỗi cằn ngày nào giờ đã thay đổi hoàn toàn.

Đồng chí Dương Thị Thanh, Trưởng phòng Dân tộc, UBND huyện Nho Quan cho biết: Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, cùng các dự án và chính sách đặc thù vùng dân tộc, từ năm 2021 đến tháng 6/2024, huyện Nho Quan đã đầu tư thực hiện 8 dự án và tiểu dự án nhằm đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, với tổng nguồn vốn gần 119 tỷ đồng.

Trong đó, thực hiện dự án đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, huyện đã và đang xây dựng, cải tạo 61 công trình với tổng nguồn vốn thực hiện trên 68 tỷ đồng.

Ngoài ra còn các dự án như: hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất; hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững; hỗ trợ phát triển giáo dục đào tạo; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch, các chính sách đầu tư hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM...

Một góc thôn 4, xã Phú Long (Nho Quan). Ảnh: Ngọc Linh

Một góc thôn 4, xã Phú Long (Nho Quan). Ảnh: Ngọc Linh

Với sự ưu tiên đầu tư của Nhà nước qua các chương trình dự án đã góp phần hoàn thiện kết cấu hạ tầng; thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập bình quân của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi so với bình quân chung của huyện. Đến nay, toàn huyện có 7/7 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt chuẩn NTM. Trong đó có 3/7 xã đạt NTM nâng cao; 16/89 thôn, xóm, bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Mùa xuân mới với sức sống mới, khí thế mới đang về. Phía trước có nhiều cơ hội và không ít thử thách, tin rằng, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, cùng sự nỗ lực, đoàn kết của Chính quyền và Nhân dân sẽ là động lực to lớn để đồng bào các dân tộc huyện Nho Quan cùng chung tay xây dựng quê hương ngày càng phát triển.

Thủy Lam - Minh Đường

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/suc-song-moi-tu-nhung-ban-lang-833527.htm
Zalo