Sức sống mới trên vùng kháng chiến cũ

Xã Đức Hòa Thượng, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An từng là nơi ghi dấu những năm tháng hào hùng. Vùng đất kháng chiến năm xưa nay khoác lên mình 'chiếc áo' mới. Kế thừa và phát huy truyền thống cách mạng, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân nơi đây đoàn kết xây dựng địa phương, nâng cao đời sống người dân.

Một thời khói lửa chiến tranh

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, xã Đức Hòa giữ vai trò đặc biệt quan trọng với vị trí sát vùng Chợ Lớn - Sài Gòn, nơi được xem là “yết hầu” nối liền hậu phương với tiền tuyến. Chính bởi vị trí chiến lược ấy mà nơi đây trở thành điểm nóng giằng co quyết liệt giữa lực lượng cách mạng và quân đội Mỹ - ngụy.

Giai đoạn 1973-1975, sau thắng lợi vang dội của cuộc Tổng tiến công chiến lược năm 1972, Mỹ buộc phải ngồi vào bàn đàm phán và ký kết Hiệp định Paris. Cuối năm 1972, theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, Huyện ủy Đức Hòa quán triệt sâu sắc tinh thần của “kế hoạch thời cơ”, tranh thủ mở rộng vùng giải phóng trước khi Hiệp định có hiệu lực. Quyết tâm được đề ra rõ ràng “Mọi lực lượng, mọi xã ấp đều phải đứng chắc chân trên đất của mình”.

Di tích lịch sử Giồng Cám (xã Đức Hòa Thượng, huyện Đức Hòa) là nơi ghi dấu cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ của những người chiến sĩ cùng nhân dân Đức Hòa

Di tích lịch sử Giồng Cám (xã Đức Hòa Thượng, huyện Đức Hòa) là nơi ghi dấu cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ của những người chiến sĩ cùng nhân dân Đức Hòa

Đến đầu tháng 4/1975, khi Bộ Chính trị quyết tâm giải phóng Sài Gòn và toàn miền Nam trước mùa mưa, Đức Hòa lại một lần nữa trở thành điểm trọng yếu trên trục tiến quân của Binh đoàn 232 và Sư đoàn 9. Trong ngày 26 và 27/4/1975, lực lượng vũ trang huyện phối hợp Sư đoàn 3 giải phóng hoàn toàn xã An Ninh và Lộc Giang. Binh đoàn 232 đồng loạt nã pháo vào các cứ điểm địch, bao vây tiểu khu Hậu Nghĩa. Đến 10 giờ ngày 29/4/1975, tiểu khu này hoàn toàn được giải phóng.

Lực lượng du kích và bộ đội địa phương tiếp tục đánh chiếm các đồn, bót trên các trục lộ 7, 8, 9, đồng thời tiến vào thị trấn Hiệp Hòa. Tại xã Đức Hòa Thượng, người dân và lực lượng vũ trang xã tổ chức bao vây, siết chặt vòng vây quanh các đồn địch. Đến ngày 29/4, lính tại đồn Giồng Lốt tháo chạy tán loạn. Rạng sáng 30/4/1975, bộ đội địa phương phối hợp Trung đoàn 271 (Sư đoàn 3B, Binh đoàn 232) mở cuộc tiến công tổng lực, giải phóng thị trấn Đức Hòa.

Sau ngày giải phóng, xã Đức Hòa Thượng, Đức Hòa Hạ và thị trấn Đức Hòa được tái lập thành xã Đức Hòa. Đến năm 1977, đơn vị hành chính này được chia tách thành 3 phần: Đức Hòa Nam, Đức Hòa Bắc và thị trấn Đức Hòa. Từ năm 1979 đến nay, khu vực này tiếp tục được phân chia thành 3 xã: Đức Hòa Thượng, Đức Hòa Hạ, Đức Hòa Đông cùng thị trấn Đức Hòa.

Ông Nguyễn Văn Ngang (ấp Nhơn Hòa 1, xã Đức Hòa Thượng) nhớ lại: “Khi xã được tách ra vào năm 1979 để thành lập xã Đức Hòa Thượng, đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Năm đó, tình trạng thiếu ăn vẫn diễn ra, tôi còn nhớ rõ mùa nước ngập dữ dội năm 1979, mỗi năm chỉ làm được 1 vụ lúa, vậy mà còn bị nước lũ nhấn chìm, sâu, rầy hoành hành khiến nhiều hộ mất trắng cả vụ mùa. Phải đến sau những năm 1990, đời sống người dân mới dần khởi sắc. Lúc đó, có những hộ tiên phong chuyển sang trồng đậu phộng, có người mạnh dạn đầu tư chăn nuôi, làm 2 vụ lúa/năm”.

Diện mạo mới, sức sống mới

Xã Đức Hòa Thượng đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) vào năm 2015. Sau 8 năm phấn đấu, Đức Hòa Thượng đã giữ vững và xây dựng thành công xã đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2023. Nhờ quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và người dân nên việc xây dựng NTM được triển khai, thực hiện đồng bộ từ xã đến ấp và sâu, rộng trong nhân dân.

Xã Đức Hòa Thượng, huyện Đức Hòa luôn quan tâm chăm lo cho người yếu thế

Xã Đức Hòa Thượng, huyện Đức Hòa luôn quan tâm chăm lo cho người yếu thế

Phó Chủ tịch UBND xã Đức Hòa Thượng - Trần Quốc Thư cho biết: “Sau giải phóng, đến năm 1992 về sau (thời điểm Nhà nước có chủ trương đưa điện về nông thôn), đời sống người dân mới tiến triển nhờ trồng cây đậu phộng và nuôi bò. Từ khi Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM được triển khai đã tạo động lực mạnh mẽ, tập hợp được sự đoàn kết của mọi tầng lớp trong xã hội, huy động sức mạnh về tinh thần và vật chất, xây dựng địa phương ngày càng khởi sắc”.

Từ một vùng đất còn nhiều khó khăn sau chiến tranh, đến nay, xã Đức Hòa Thượng đã vươn mình mạnh mẽ, từng bước khẳng định sự đổi thay rõ nét trên nhiều lĩnh vực. Hạ tầng giao thông nông thôn được đầu tư đồng bộ, đến cuối năm 2024, 100% tuyến đường trục ấp, đường ngõ xóm đều được cứng hóa, bảo đảm sạch sẽ, không lầy lội. Các tuyến đường trục chính nội đồng cũng đạt cứng hóa 100%.

Hệ thống thủy lợi trên địa bàn tiếp tục được quan tâm đầu tư. Toàn xã hiện có 25 tuyến kênh Phước Hòa, gồm 1 kênh chính N3 và 24 tuyến nhánh cùng với 2 tuyến kênh chìm Bà Bông - Láng Ven và Mỹ Hạnh - Bảy Quan phục vụ hiệu quả việc tưới tiêu. 2.349ha đất nông nghiệp được bảo đảm đủ nguồn nước cho cả trồng trọt, nuôi trồng thủy sản và chăn nuôi. Năm 2024, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 77,2 triệu đồng. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm mạnh, chỉ còn 0,94%.

Nhiều công trình dân sinh, phong trào thi đua được người dân tích cực hưởng ứng

Nhiều công trình dân sinh, phong trào thi đua được người dân tích cực hưởng ứng

Xã hiện có 3 trường học đều đạt chuẩn cơ sở vật chất mức độ 1, riêng Trường THCS Đức Hòa Thượng đạt chuẩn mức độ 2. Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Học tập cộng đồng xã được đầu tư bài bản với hệ thống dụng cụ thể thao ngoài trời, sân cầu lông phục vụ nhu cầu rèn luyện sức khỏe của người dân. 5/5 nhà văn hóa ấp đều được trang bị dụng cụ thể dục - thể thao, góp phần nâng cao chất lượng đời sống tinh thần của người dân.

Chị Lâm Thị Quế Trân (ấp Hậu Hòa, xã Đức Hòa Thượng) chia sẻ: “Tôi may mắn khi được sinh ra và lớn lên trong thời bình. Nhìn thấy quê hương đổi thay, tôi lại càng ghi nhớ công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì mảnh đất này. Tôi tự nhủ sẽ sống có ích, góp phần nhỏ bé của mình vào công cuộc xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp hơn”.

Từ vùng đất chịu nhiều đau thương trong thời chiến đến một xã NTM nâng cao trong thời bình, Đức Hòa Thượng ngày càng phát triển từ sức mạnh đoàn kết và ý chí vươn lên. Quá khứ hào hùng đã tiếp thêm động lực để quê hương này tiếp tục phát triển bền vững trong thời kỳ mới./.

Khánh Duy

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/suc-song-moi-tren-vung-khang-chien-cu-a193676.html
Zalo