Sức sống mới cho gốm Lái Thiêu
Quá trình đô thị hóa và sản phẩm khó cạnh tranh đã khiến gốm Lái Thiêu dần mai một. Dẫu vậy, may mắn vẫn còn những bạn trẻ yêu gốm với nỗ lực muốn vực dậy dòng gốm 'một thời vang bóng' theo cách của riêng mình.
Không chỉ nổi tiếng với những vườn trái cây, Lái Thiêu còn được biết đến với sản phẩm gốm chiếm vị trí độc tôn ở miền Nam. Gốm Lái Thiêu bắt đầu phát triển vào đầu thế kỷ XX, khi gốm Sài Gòn bắt đầu bước vào giai đoạn khó khăn, địa bàn sản xuất bị thu hẹp nên một số lò gốm đã chuyển ra khu vực ngoại vi lân cận, từ đó hình thành khu vực tập trung làm gốm Lái Thiêu.
Vang bóng một thời
Không giống những làng gốm khác, gốm Lái Thiêu đi sâu, tập trung sản xuất gốm gia dụng. Cũng vì chủ yếu sản xuất các sản phẩm thực dụng nên từ khâu tạo tác gốm Lái Thiêu đã đồng thời kết hợp nhu cầu tiện ích lẫn hiệu quả mỹ thuật.
Sự đa dạng về chủng loại sản phẩm, phong phú về hình dáng, bố cục, nội dung trang trí vừa đậm chất hội họa vừa mang tính dân gian đã tạo nên nét đặc thù của gốm Lái Thiêu. Vừa đẹp, lại là sản phẩm ứng dụng, gốm Lái Thiêu nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường miền Nam trong suốt hàng chục năm.
Không chỉ được ưa chuộng trong nước, gốm Lái Thiêu còn được xuất khẩu sang thị trường nước ngoài khá nhiều.
Nếu như gốm Sài Gòn có thế mạnh là sản xuất các dòng đồ tự khí (thờ cúng), đồ dùng cao cấp, với những kỹ thuật tinh xảo, cầu kỳ, chi tiết, đặc sắc thì sang đến gốm Lái Thiêu, các lò gốm tập trung vào sản xuất dòng đồ gia dụng, từ đồ thờ tự đến các sản phẩm phục vụ nhu cầu sử dụng hàng ngày của giới bình dân như tô, chén, dĩa, hũ, hộp, ống nhổ, tượng (tô lớn), tộ, ơ, thố, ấm, xanh, gối, đến sản phẩm sân vườn như đôn, chậu, bình bông, chóe, khạp, lu, đồ thờ cúng tượng, bát nhang, đèn…
Gốm Lái Thiêu được làm từ nguồn đất sét đặc biệt tại địa phương, có độ dẻo mịn cao, nung ở nhiệt độ cao nên sản phẩm bền, có khả năng chịu nhiệt tốt. Mỗi sản phẩm của gốm Lái Thiêu đều rất đặc trưng với nước men bóng và màu sắc mang chất hội họa rất đẹp mắt. Các sản phẩm gốm sứ của Lái Thiêu thường được trang trí với các họa tiết hoa văn độc đáo, mang đậm dấu ấn văn hóa vùng đất Nam Bộ như hoa sen, con gà, rồng, phượng, cá chép…
Một điều đáng tiếc là khoảng 15 năm trở lại đây, quá trình đô thị hóa đã đẩy người làng gốm phải đi làm thuê trong các nhà máy gốm sứ mọc lên ở đây hoặc chuyển sang buôn bán. Bên cạnh đó, các sản phẩm không thể cạnh tranh giá cả với những sản phẩm sản xuất hàng loạt. Gốm Lái Thiêu cũng từ đó mai một nhiều.
Dẫu vậy, may mắn vẫn còn những bạn trẻ mang lòng yêu gốm, mang trong mình sự nhiệt huyết, nỗ lực muốn vực dậy làng nghề.
Người mang “nắng” về
Trong ký ức của Huỳnh Xuân Huỳnh (sinh năm 1998, Giám đốc Công ty TNHH Nắng Ceramics, Bình Dương) - sinh ra và lớn lên tại huyện Giồng Riềng (Kiên Giang), bữa cơm gia đình ấm áp không thể thiếu những bộ chén đĩa bằng gốm sứ xưa với họa tiết truyền thống.
Năm 2018, Xuân Huỳnh đi tìm mua một vài sản phẩm gốm về để dùng thì biết tại Bình Dương, số lượng các lò gốm truyền thống hoạt động không nhiều, những mẫu chén xưa cũ được làm khá sơ sài. Thời điểm đó, anh cũng đang theo học ngành mỹ thuật.
Và từ lúc đó, từ một chàng sinh viên yêu nghề gốm, anh đã bắt đầu tìm hiểu, khám phá và xin học hỏi về những nét đẹp trong sản phẩm gốm Lái Thiêu.
“Ban đầu, tôi xin vào các lò làm thử rồi tìm được nhiều cái hay, cái đẹp trong nghề này. Tôi tìm thêm các sản phẩm gốm xưa cũ để tham khảo thì phát hiện gốm Lái Thiêu là một dòng gốm đẹp, gắn với nét văn hóa ẩm thực ở miền Nam nên quyết đi theo nghề để học hỏi.
Tôi yêu nghề này và muốn tìm về, mong muốn khôi phục các sản phẩm cùng các hoa văn, họa tiết gốm Lái Thiêu xưa”, Xuân Huỳnh bộc bạch.
Tuy nhiên, khi biết Xuân Huỳnh muốn theo nghề gốm, nhiều người làm nghề lâu năm khuyên anh nên suy nghĩ kĩ vì họ cho rằng, làm gốm cực và nhiều bạc bẽo.
Ngoài ra, việc phải giữ lửa nghề truyền thống, đồng thời phải đảm bảo thu nhập khi cạnh tranh với các sản phẩm chén đĩa nhiều chất liệu khác cũng không phải là điều dễ dàng.
Nhưng khi thấy nhiệt huyết của Xuân Huỳnh, các nghệ nhân vẫn tạo điều kiện để anh theo nghề.
Từ tình yêu nghề, Huỳnh đã nghiên cứu để sản xuất lại dòng gốm đã “một thời vang bóng” theo cách riêng của mình. Đó là từ những cái cũ làm mới lại cho nó đẹp hơn, phù hợp với thị hiếu thị trường.
Anh đã tập hợp các bạn gen Z cùng chung đam mê về văn hóa truyền thống và muốn phục dựng những giá trị cũ với hình thức sáng tạo hơn để thành lập cơ sở sản xuất “Nắng ceramics”, nay là Công ty TNHH Nắng Ceramics.
“Ngày mình ghé lò gốm tìm hiểu cách vẽ hoa văn, trời không có nắng. Chờ đến tận 14h, thợ cũng không qua lò, vì gốm chưa khô, không thể vẽ được. Hóa ra ngoài các yếu tố về đất, lửa, gió thì nắng cực kỳ quan trọng đối với nghề gốm truyền thống. Cho nên mình quyết định đặt tên Nắng, cũng có thể hiểu là sự tươi mới, khởi đầu mới cho làng nghề đã cũ", Huỳnh nói.
Huỳnh cho biết, trước một đề bài thiết kế hoặc một mẫu hoa văn, anh cùng nhóm bạn trong Nắng Ceramics tỉ mỉ tạo tác, phác nên những nét họa mang hơi thở tươi mới song vẫn giữ nguyên giá trị vốn có của một dòng sản phẩm được thử thách qua thời gian.
Những loại hoa văn truyền thống phù hợp với xu hướng hiện nay sẽ được giữ lại. Đồng thời tìm ra những màu men mới như mạ non, xanh lam để sản phẩm phù hợp với những gia đình có kiến trúc hiện đại.
Bốn người thợ truyền thống của Nắng lớn tuổi hơn đảm nhận công đoạn đặc thù như tạo hình sản phẩm, nhúng men hoặc xếp lò. Họ có lợi thế về kỹ thuật truyền thống, giúp tạo ra các sản phẩm thủ công đặc trưng của gốm Lái Thiêu thay vì mang lại cảm giác "công nghiệp" hay bị lẫn với các dòng gốm khác.
Theo lời kể của Huỳnh, giai đoạn đầu còn không tìm được đầu ra cho sản phẩm, cho đến khi cả nhóm tìm đến quảng bá trên mạng xã hội. Giờ thì Nắng Ceramics đã tiếp cận khách hàng dễ dàng hơn trên các nền tảng Facebook, Instagram hay TikTok.
Hiện, sản phẩm của Nắng Ceramics chủ yếu là các loại tô, chén, dĩa phục vụ trên bàn ăn, cùng sản phẩm trang trí như khạp đựng gạo, bình hoa, khay mứt vừa có thể trang trí vừa thuận tiện sử dụng. Anh nghiên cứu kỹ các loại hoa văn truyền thống, kết hợp chứ không sao chép nguyên mẫu, bên cạnh tìm tòi các loại hoa văn mới.
Xuân Huỳnh còn tham vọng lan tỏa nét đẹp của gốm sứ Việt Nam đến du khách quốc tế nên thiết kế phom dáng riêng dành cho khách hàng Việt và khách nước ngoài. Mỗi sản phẩm được làm ra hoàn toàn thủ công, vẽ tay từng cái và nung củi. Nhiều người khuyên thay bằng lò gas, nhưng anh nói nung lò củi vốn là nét rất đặc trưng của gốm Lái Thiêu. Đó là giá trị truyền thống phải giữ gìn.
Không chỉ sản xuất kinh doanh, Xuân Huỳnh còn mang những sản phẩm gốm Lái Thiêu được làm mới lại quảng bá ở nhiều sự kiện khác nhau, mang đến cả triển lãm mỹ thuật.
Nói về dự định tương lai, Huỳnh cho biết sẽ phát triển thêm cho Nắng nhiều phom dáng sản phẩm mới cũng như nhiều hoa văn mang nét đương đại hơn, song hành cùng những phom dáng và hoa văn truyền thống để tiếp tục sứ mệnh gìn giữ những giá trị tươi đẹp của gốm Lái Thiêu đã đặt ra từ ban đầu.
Bên cạnh đó, anh còn ấp ủ dự định làm các workshop ngay tại lò gốm, qua đó những khách du lịch tham quan có thể trải nghiệm một ngày ở lò gốm truyền thống Lái Thiêu.
“Nghề gốm Bình Dương phù hợp để phát triển du lịch truyền thống như làng gốm Bát Tràng”, Huỳnh nói.