Sức sống di sản
Tham gia một sự kiện quy mô song các nghệ nhân gần như không trình diễn mà như đang trong buổi sinh hoạt văn hóa vẫn thường diễn ra tại buôn làng; khách tham quan cũng được hòa mình vào những trải nghiệm không thể thú vị hơn tại Ngày hội Di sản văn hóa năm 2024.
Điều đó thể hiện sức sống mạnh mẽ và chân thật của các loại hình di sản tại Ngày hội Di sản văn hóa năm 2024.
Ngày hội Di sản văn hóa năm 2024 diễn ra trong 3 ngày (từ 15 đến 17-11) tại khu vực Bảo tàng tỉnh. Đây là một trong những nỗ lực bảo tồn, quảng bá di sản của dân tộc, từ cồng chiêng của đồng bào Jrai, Bahnar; khèn, sáo của đồng bào Mông; múa xòe của người Mường; hát then, đàn tính của người Tày, Nùng; múa sạp của người Tày, Thái đến nghệ thuật chèo, dân ca quan họ của dân tộc Kinh; dân ca, dân vũ của dân tộc Chăm…
Với sự sáng tạo, đổi mới trong cách thức tổ chức, Bảo tàng tỉnh đã xây dựng một không gian di sản vô cùng hấp dẫn, sôi nổi, thu hút hàng ngàn lượt người tham gia, trong đó có nhiều du khách quốc tế.
Nghệ nhân làng Mông (xã Ya Hội, huyện Đak Pơ) trình diễn khèn, múa khèn các tác phẩm “Tiếng khèn gọi bạn”, “Xuân về trên bản Mông” trong không khí và tiết trời đẹp nhất trong năm. Chị Hoàng Thị Sào chia sẻ: “Năm nào, đoàn cũng tham gia chương trình này. Các thành viên rất hào hứng khi được biểu diễn tiết mục đã chuẩn bị và thưởng thức tiết mục của các xã, huyện khác, rất đặc sắc”.
Lần đầu tiên đến với ngày hội, đoàn nghệ nhân làng gốm Bàu Trúc (tỉnh Ninh Thuận)-một trong những làng gốm cổ nhất Đông Nam Á, được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại không khỏi bất ngờ về “sức nóng” mà mình mang đến. Người dân và du khách, nhất là các em học sinh đặc biệt thích thú khi được hướng dẫn nặn gốm theo cách “làm bằng tay, xoay bằng mông” (không dùng bàn xoay mà vừa đi quanh sản phẩm vừa tạo hình).
Nghệ nhân Đàng Thị Tuyết Hằng (53 tuổi) bày tỏ: “Đây là nghề “mẹ truyền con nối” của dân tộc Chăm từ bao đời nay. Chúng tôi không ngờ đoàn được đón nhận nhiệt tình, du khách rất hứng thú trải nghiệm làm gốm Bàu Trúc”.
Phần trình diễn 60 bộ áo dài cao cấp, hội tụ tinh hoa loại trang phục được xem là di sản Việt vào tối 16-11 cũng là hoạt động thu hút đông đảo người xem. Sự có mặt của nhà thiết kế Đỗ Trịnh Hoài Nam với vai trò Chủ tịch Câu lạc bộ Áo dài Việt Nam tại sự kiện càng khẳng định quy mô, sức lan tỏa của chương trình.
Trao đổi với P.V, nhà thiết kế Đỗ Trịnh Hoài Nam nhận định: “Ngày hội Di sản văn hóa năm 2024 là cơ hội giao lưu văn hóa tuyệt vời. Không ít du khách quốc tế bày tỏ sự thích thú đối với tà áo dài Việt Nam tại sự kiện.
Đặc biệt hơn, các dân tộc anh em tập trung về đây trình diễn, chia sẻ những câu chuyện về áo dài. Tôi nghĩ áo dài bây giờ không chỉ là sản phẩm thời trang, sản phẩm văn hóa mà còn tạo kết nối văn hóa truyền thống với hiện đại, kết nối các dân tộc anh em và du khách. Đó là sự thành công của chương trình”.
Du khách tỏ ra hào hứng khi trải nghiệm mặc áo dài, mặc trang phục các dân tộc để chụp ảnh check-in; được hướng dẫn làm gốm Chăm; nặn tò he, đan gùi, thưởng thức nghệ thuật thư pháp, trà đạo, bút lửa; tham gia các trò chơi dân gian kết hợp với trải nghiệm ẩm thực của các vùng miền trong cả nước. Sự đặc sắc, sức hấp dẫn để lại những ấn tượng đẹp với những ai say mê tìm hiểu di sản.
Anh Lucas (du khách Đức) cho hay: “Tôi thích nhất là phần trình diễn áo dài Việt Nam và được tham gia nhảy sạp, đi cà kheo. Đây là dịp để tôi hiểu thêm về di sản của đất nước các bạn”.
Với ngành Giáo dục thì đây là cơ hội giáo dục di sản hữu ích, quý giá. Đưa 50 học sinh khối 6 đến tham gia ngày hội, cô Đinh Thị Hiền-Giáo viên Tổng phụ trách Đội Trường THCS Nguyễn Văn Cừ (TP. Pleiku) nhận xét: “Chương trình năm nay phong phú, hấp dẫn hơn năm trước. Các em học sinh không chỉ được xem mà còn được tham gia các hoạt động như nhảy sạp, làm gốm Bàu Trúc.
Theo tôi, đây là cơ hội nâng cao nhận thức về di sản cho học sinh. Đến với ngày hội, các em đã được trực tiếp nhìn ngắm, lắng nghe và tự mình trải nghiệm. Hy vọng hoạt động này duy trì tổ chức thường xuyên và mỗi năm một đổi mới để thành công hơn nữa”.
Một hoạt động cũng được chăm chút và thu hút sự chú ý đó là triển lãm tranh “Tây Nguyên trong hội họa Việt Nam” tại Phòng Chuyên đề (Bảo tàng tỉnh) từ ngày 15-11 đến 15-12-2024. Những ai mê hội họa sẽ được thưởng lãm tác phẩm nổi tiếng, nét vẽ tài hoa của các danh họa về vùng đất Tây Nguyên, đa phần sáng tác trong kháng chiến chống Mỹ.
Đó là những tên tuổi như: Trần Văn Cẩn-một trong “tứ kiệt” của nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam; Xu Man-“cánh chim đầu đàn của mỹ thuật Tây Nguyên”; Nguyễn Thế Vinh-tác giả vinh dự được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật và nhiều giải thưởng cao quý khác… Những tác phẩm giá trị được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam bảo quản, lưu trữ để “trao lại” cho người xem những cảm xúc khó quên.
Trong 3 ngày diễn ra, sự kết nối của các loại hình với mục tiêu đa dạng trong sự thống nhất, kết nối cộng đồng đã mang đến bức tranh khá toàn diện và sức sống mới cho di sản. Sức sống, chiều sâu và giá trị văn hóa ấy càng bền vững khi được củng cố vững chắc trong tâm thức cộng đồng, quảng bá và lan tỏa.