'Sục sôi' mùa ESOP
Gần đây, các doanh nghiệp liên tục công bố về kế hoạch phát hành cổ phiếu cho người lao động của công ty (ESOP). Liệu phát hành tỷ lệ bao nhiêu là hợp lý? Vì sao được mua giá ưu đãi mà ESOP vẫn ế?
Doanh nghiệp tưng bừng phát hành ESOP
Vừa qua, CTCP Tập đoàn Gelex (mã GEX) thông báo sẽ phát hành 8 triệu cổ phiếu ESOP, chiếm 0,9% tổng số cổ phiếu đang lưu hành cho cổ đông với giá 10.000 đồng/CP, thời gian nhận tiền mua cổ phiếu từ ngày 15/8/2024 đến hết ngày 29/8/2024.
CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (mã PNJ) cũng dự kiến phát hành hơn 3,34 triệu cổ phiếu cho cán bộ nhân viên, tương đương 1% số lượng cổ phiếu đang lưu hành với giá 20.000 đồng/CP. Thời gian thực hiện sau khi được UBCKNN thông báo về việc nhận được đầy đủ tài liệu báo cáo phát hành.
Hay CTCP Đầu tư Sài Gòn VRG (mã SIP) lên kế hoạch phát hành hơn 1,45 triệu cổ phiếu ESOP, tương ứng tỷ lệ 0,7% tổng số lượng cổ phần đang lưu hành, nguồn vốn thực hiện là các quỹ khen thưởng Ban điều hành, quỹ khen thưởng – phúc lợi của Công ty.
Bên cạnh nhóm phi tài chính, các doanh nghiệp trong nhóm tài chính, ngân hàng cũng không đứng ngoài cuộc chơi.
Nam Á Bank (mã NAB) dự kiến phát hành 50 triệu cổ phiếu ESOP (tương đương 3,78% số lượng cổ phiếu đang lưu hành) với giá chào bán 10.000 đồng/CP. Tổng giá trị phát hành dự kiến là 500 tỷ đồng. Thời gian thực hiện trong năm 2024, sau khi nhận được văn bản chấp thuận của NHNN và UBCKNN.
Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (mã VIB) cũng đang triển khai việc phát hành hơn 11,06 triệu cổ phiếu ESOP, chiếm 0,44 số lượng cổ phiếu đang lưu hành. Tổng giá trị phát hành theo mệnh giá là hơn 110,6 tỷ đồng. Nguồn vốn phát hành từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại thời điểm ngày 31/12/2023 trên BCTC hợp nhất năm 2023 đã được kiểm toán của VIB.
Tương tự, Techcombank (mã TCB) đang trình cổ đông thông qua việc chào bán 19,8 triệu cổ phiếu ESOP, tương ứng tỷ lệ 0,2815% số cổ phiếu đang lưu hành. Trong đó hơn 6,4 triệu cổ phiếu được phát hành cho người lao động nước ngoài và hơn 13,4 triệu cổ phiếu còn lại cho người lao động Việt Nam. Giá phát hành là 10.000 đồng/CP, dự kiến sẽ thực hiện trong quý III hoặc quý IV/2024.
Điểm chung của những cổ phiếu ESOP này là đều bị hạn chế giao dịch trong 1 - 3 năm kể từ thời điểm phát hành.
Cổ phiếu ESOP được coi là công cụ để doanh nghiệp thu hút, giữ chân và khuyến khích nhân viên, đặc biệt là những người có đóng góp lớn hoặc nắm giữ các vị trí quan trọng. Nhân viên được thưởng ESOP sẽ cảm thấy gắn kết và có động lực làm việc hiệu quả hơn vì lợi ích của mình cũng phụ thuộc vào sự phát triển của công ty.
Trong khi đó, doanh nghiệp thay vì chi trả toàn bộ bằng tiền mặt thì có thể sử dụng ESOP như một phần thưởng dưới dạng cổ phiếu, giúp giảm áp lực chi phí tiền lương mà vẫn giữ được nhân tài, đồng thời giúp tăng vốn điều lệ mà không cần vay nợ hay huy động vốn bên ngoài.
Tỷ lệ ESOP bao nhiêu là hợp lý?
Về phía cổ đông, vẫn còn nhiều lo ngại rằng khi số lượng cổ phiếu ESOP phát hành tăng lên, tổng số cổ phiếu lưu hành của công ty cũng tăng, dẫn đến pha loãng giá trị cổ phiếu và làm giảm lợi ích của các cổ đông hiện hữu.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phát triển khách hàng cá nhân Chứng khoán Yuanta Việt Nam chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán rằng, đúng là trước đây, các doanh nghiệp khi phát hành ESOP không bị hạn chế giao dịch dẫn đến việc người lao động khi vừa nhận được ESOP sẽ bán luôn, phần lớn là làm giàu cho lãnh đạo cấp cao và gây thiệt hại cho cổ đông.
Nhưng sau đó, nhà đầu tư phản ứng dữ dội với những doanh nghiệp này, giá cổ phiếu cũng bị ảnh hưởng dẫn đến doanh nghiệp phải điều chỉnh chính sách ESOP, trong đó là “khóa” giao dịch của các cổ phiếu này trong thời gian nhất định.
Ngoài ra, tỷ lệ phát hành ESOP không ảnh hưởng đáng kể đến số lượng cổ phiếu lưu hành, giá trị ít, mức độ pha loãng thấp, nhưng đáp ứng mục tiêu lâu dài của doanh nghiệp là giữ chân người tài trong bối cảnh cạnh tranh nhân lực từ các đối thủ trong và nước ngoài đang diễn ra rất gay gắt.
Tuy nhiên, ông Minh nhấn mạnh, doanh nghiệp phát hành ESOP chỉ nên ở một tỷ lệ vừa phải, dưới 1% so với khối lượng cổ phiếu đang lưu hành là hợp lý. Còn đến 3 - 4% là giảm đi tính công bằng với các cổ đông hiện hữu.
“So với tổng số cổ phiếu đang lưu hành thì tỷ lệ 3 - 4% cũng không phải là con số lớn, nhưng tính trên từng cá nhân được hưởng ESOP thì người lao động của doanh nghiệp sẽ có lợi hơn nhiều so với cổ đông”, ông Minh nói.
ESOP rẻ vẫn “ế”
Thông thường, doanh nghiệp luôn phát hành ESOP với một mức giá ưu đãi, thấp hơn nhiều so với giá thị trường cho người lao động. Tuy nhiên, không phải người lao động nào cũng sẵn sàng bỏ vốn mua ESOP dù giá hấp dẫn như một vài trường hợp gần đây.
Vào tháng 07/2024, CTCP Nông nghiệp BAF Việt Nam (mã BAF) thông báo chỉ bán thành công gần 2,49 triệu cổ phiếu ESOP trong tổng số hơn 7,17 triệu cổ phiếu chào bán, tương ứng lượng cổ phiếu "ế" là gần 4,69 triệu cổ phiếu. Dù giá bán là 10.000 đồng/CP, thấp hơn một nửa so với giá thị trường trong thời gian chào bán, nhưng nhân viên của BAF vẫn không mặn mà.
BAF cho biết, nguyên nhân không phân phối hết cổ phiếu ESOP do người lao động là các công nhân tại các trang trại từ bỏ quyền mua do chưa có nhiều cơ hội được tiếp cận các thông tin liên quan đến chứng khoán và thị trường chứng khoán nên không có nhu cầu mua cổ phiếu.
Trước đó, vào tháng 03/2024, CTCP Sữa Quốc tế (mã IDP) cũng ế 725.528 cổ phiếu ESOP, chiếm 61,5% tổng số cổ phiếu chào bán (gần 1,18 triệu cổ phiếu), tương đương chỉ bán ra được 454.000 cổ phiếu. Giá IDP chào bán là 10.000 đồng/CP, “rẻ như cho” so với giá thị trường của IDP thời điểm đó là 253.000 đồng/CP – top những cổ phiếu có thị giá đắt đỏ nhất trên sàn.
Về phía ông Nguyễn Thế Minh, chuyên gia này cho rằng có 4 lý do chính khiến doanh nghiệp khó bán hết cổ phiếu ESOP.
Thứ nhất, do điều khoản “giam” cổ phiếu trong 2-3 năm khiến người lao động lo rằng không biết trong vài năm tới giá cổ phiếu sẽ biến động ra sao, thậm chí giá có thể rơi về dưới giá mua, “cổ phiếu ưu đãi trở thành cổ phiếu ngược đãi”. Người lao động sẽ có sự tính toán trong việc bỏ vốn vào đâu để nhanh chóng sinh lời, bởi đây cũng là một khoản đầu tư của họ.
Thứ hai, thông thường, mức chênh lệch phải đủ lớn để người lao động cảm thấy hứng thú trong việc mua cổ phiếu đó, còn nếu chênh lệch không quá lớn thì họ sẽ không mặn mà.
Thứ ba, yếu tố thời điểm cũng ảnh hưởng đến sự thành công của kế hoạch phát hành thành công. Nếu doanh nghiệp phát hành ESOP khi thị trường đang giảm mạnh như giai đoạn 2022 thì người lao động cũng không dám bỏ vốn mua, thay vào đó, trong giai đoạn thị trường tăng trưởng tỷ lệ thành công của việc phát hành sẽ cao hơn.
Thứ tư là nếu thanh khoản của cổ phiếu quá thấp thì dù được mua với giá ưu đãi, người lao động cũng cảm thấy cổ phiếu kém hấp dẫn vì khi họ muốn bán cũng không biết bán cho ai.