Sức mạnh 'UAV rồng' của Ukraine đáng sợ tới mức nào?

Bộ Quốc phòng Ukraine gần đây cho biết đã sử dụng 'UAV rồng' để tấn công các lực lượng Nga, vậy sức mạnh của loại vũ khí gây cháy này thế nào?

Đầu tháng 9, Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết binh sĩ Ukraine đưa vào sử dụng cái gọi là "UAV rồng" chống lại Nga, trút mưa hỏa lực xuống chiến trường, theo The Kyiv Independent.

Bộ này cho biết Ukraine đã dùng “UAV rồng” trút mưa kim loại nóng trắng, rực lửa xuống những điểm tập kết của quân Nga tại tỉnh Kharkiv (Ukraine).

"UAV rồng là đôi cánh báo thù của chúng tôi, mang theo hỏa lực và phun trực tiếp từ trên không nhắm vào đối phương. Chúng đang trở thành mối đe dọa thực sự đối với quân Nga, có thể đốt cháy các vị trí của đối phương với độ chính xác mà không vũ khí nào khác có thể đạt được" - Bộ Quốc phòng cho hay.

 Thảm thực vật bị cháy sau cuộc tấn công bằng UAV nhiệt nhôm của Ukraine tại tỉnh Kharkiv (Ukraine). Ảnh: KHORNE GROUP

Thảm thực vật bị cháy sau cuộc tấn công bằng UAV nhiệt nhôm của Ukraine tại tỉnh Kharkiv (Ukraine). Ảnh: KHORNE GROUP

Theo The Kyiv Independent, một số báo cáo cho rằng “UAV rồng" được trang bị đạn nhiệt nhôm. Loại vũ khí gây cháy sẽ phân tán hàng nghìn mảnh kim loại nóng chảy nhỏ và đang cháy ở nhiệt độ vượt quá 2.000 độ C, do đó chúng có thể làm tan chảy lớp vỏ của xe bọc thép.

Theo ông Nicholas Drummond - nhà phân tích lĩnh vực công nghiệp quốc phòng chuyên về chiến tranh trên bộ và là cựu sĩ quan Quân đội Anh, tác dụng chính của “UAV rồng” là tạo ra tâm lý sợ hãi cho đối thủ, theo đài CNN.

“[Nhiệt nhôm] là thứ rất khó chịu. Sử dụng máy bay không người lái để rải nó là biện pháp khá sáng tạo. Tuy nhiên phương pháp này có tác dụng tâm lý nhiều hơn là gây thương tật thể chất” - ông Drummond nhận định.

“Năng lực phát triển vũ khí nhiệt nhôm của Ukraine khá hạn chế, do đó [chiếc UAV rồng này] là một chiếc UAV cá biệt chứ không phải là dòng vũ khí chủ đạo mới” - ông Drummond.

Vũ khí nhiệt nhôm trong chiến tranh

Nhiệt nhôm có thể dễ dàng đốt cháy hầu như mọi thứ, kể cả kim loại, vì vậy rất ít loại vũ khí hay chất liệu nào có thể kháng lại sức nóng của nhiệt nhôm. Nó được một nhà hóa học người Đức phát hiện vào những năm 1890 và ban đầu được sử dụng để hàn đường ray xe lửa.

Video thảm thực vật bị cháy sau cuộc tấn công bằng UAV nhiệt nhôm của Ukraine tại tỉnh Kharkiv (Ukraine). Nguồn: KHORNE GROUP

Sức mạnh quân sự của loại chất này ngày càng biểu hiện rõ, khi quân đức Đức rải nhiệt nhôm từ khinh khí cầu xuống lãnh thổ Anh Thế chiến thứ nhất, theo một tài liệu lịch sử từ ĐH McGill (Canada). Sau đó, cả Đức và phe Đồng minh đều sử dụng bom nhiệt nhôm trong Thế chiến thứ II, nhằm vô hiệu hóa các khẩu pháo của đối thủ.

Theo Action on Armed Violence (AOAV), một nhóm vận động phản chiến của Anh, Ukraine trước đây đã sử dụng nhiệt nhôm thả từ UAV để vô hiệu hóa vĩnh viễn xe tăng Nga.

“Độ chính xác này, kết hợp với khả năng vượt qua các biện pháp phòng thủ truyền thống của UAV, khiến bom nhiệt nhôm trở thành một công cụ cực kỳ hiệu quả trong chiến tranh hiện đại” - theo báo cáo của AOAV.

Nhiệt nhôm chỉ là một trong số nhiều loại vũ khí gây cháy hiện có được sử dụng trong chiến tranh. Ngoài vũ khí nhiệt nhôm còn có bom napalm và phốt pho trắng.

Văn phòng Giải trừ quân bị của Liên Hợp Quốc cho biết vũ khí gây cháy có thể gây ra sự tàn phá lớn và thiệt hại về môi trường. “Các đám cháy do chính các loại vũ khí này gây ra rất khó dự đoán và ngăn chặn. Do đó, vũ khí gây cháy thường được mô tả là ‘vũ khí diện rộng’ do tác động của chúng lan tỏa trên một khu vực rộng lớn” - báo cáo cho biết.

Tác động của nhiệt nhôm đối với con người

Theo luật pháp quốc tế, nhiệt nhôm không bị cấm trong chiến đấu quân sự, nhưng việc sử dụng nó vào các mục tiêu dân sự bị cấm vì những tác động khủng khiếp mà nó có thể gây ra cho cơ thể con người.

Video UAV rồng của Ukraine rải nhiệt nhôm xuống cánh rừng ở Kharkiv. Nguồn: KHORNE GROUP

Trong một báo cáo năm 2022 về vũ khí gây cháy (chẳng hạn như nhiệt nhôm), Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Quốc tế (HRW) đã gọi chúng là loại vũ khí "khét tiếng vì gây ra hậu quả khủng khiếp cho con người", bao gồm cả việc gây bỏng cấp độ 4 hoặc 5.

"Chúng có thể gây tổn thương cho cơ, dây chằng, gân, dây thần kinh, mạch máu và thậm chí là xương" - HRW cho biết.

Theo HRW, việc tiếp xúc với những loại đạn dược như vậy có thể dẫn đến "vết bỏng rộng và dữ dội cần điều trị đau đớn", bao gồm "tổn thương hô hấp do đường hô hấp bị viêm và khói độc, nhiễm trùng, mất nước nghiêm trọng và suy nội tạng”.

Việc điều trị có thể kéo dài nhiều tháng và cần được chăm sóc hàng ngày. Nếu nạn nhân sống sót, họ sẽ phải chịu những vết sẹo về thể chất và tâm lý, HRW cho biết.

DƯƠNG KHANG

Nguồn PLO: https://plo.vn/suc-manh-uav-rong-cua-ukraine-dang-so-toi-muc-nao-post809057.html
Zalo