Sức mạnh từ nỗi sợ hãi

Chiến thắng của Donald Trump và đặc biệt là những tuyên bố cứng rắn, thậm chí là 'gây sốc' của ông về chính sách thuế quan, về lãnh thổ… khiến nhiều quốc gia, trong đó có cả đồng minh của Mỹ lo ngại. Song, phần còn lại của thế giới vẫn có thể hy vọng vào những tích cực mà Chính quyền Tổng thống Donald Trump mang lại trong nhiệm kỳ của mình, trước mắt là năm 2025.

Nhiều nhà quan sát cho rằng, chiến thắng của Tổng thống Donald Trump trong cuộc bầu cử vào tháng 11/2024 không gây sốc như năm 2016. Nhưng nếu 8 năm trước, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều tò mò, bị động về chủ trương, đường lối của Chính quyền Tổng thống Donald Trump, thì bài học từ nhiệm kỳ đầu tiên của ông, nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Donald Trump mang đến cho nhiều người hy vọng về việc “bình thường hóa” từ tình hình Trung Đông đến cuộc xung đột Nga - Ukraine.

Có một lý do là trên đường đến Nhà Trắng, ông Trump và người cộng sự của mình J.D. Vance nhiều lần đưa ra cam kết về một giải pháp ngoại giao nhanh chóng và lập lại hòa bình.

Thực tế, nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Donald Trump cũng đạt được một số dấu ấn ngoại giao: Hiệp định Abraham năm 2020 giữa Israel với hai nước thuộc khối Ả Rập là UAE và Bahrain, đã mở ra một chương mới cho nền hòa bình Trung Đông; thỏa thuận năm 2020 về bình thường hóa quan hệ kinh tế giữa Serbia và Kosovo; nỗ lực tiến hành đối thoại với Triều Tiên vào năm 2019 nhằm thúc đẩy giải pháp phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên. Trong bối cảnh nhiệm kỳ tổng thống đầy biến động của đảng viên Đảng Dân chủ Joe Biden, thì những thành tựu trên đã giúp ông Trump tạo ra bầu không khí, nếu không phải là “giải pháp thay thế tốt nhất” thì cũng là “ít tệ hơn”.

Giới phân tích cho rằng, ưu tiên hàng đầu của Tổng thống Donald Trump trong năm 2025 sẽ vẫn là khu vực châu Á - Thái Bình Dương và cuộc cạnh tranh với Trung Quốc. Song, ông Trump mong muốn nhanh chóng chấm dứt cuộc xung đột Nga-Ukraine, dù có 2 vấn đề với cuộc xung đột này.

Đầu tiên, không có dấu hiệu trực tiếp nào cho thấy Tổng thống Donald Trump sẽ tính đến các điều kiện cơ bản của Nga. Dựa trên những tuyên bố của ông Trump và những nhân vật chủ chốt trong bộ máy chính quyền sắp tới, có thể nhận thấy rằng, đối với chính quyền Mỹ, việc giải quyết toàn diện và đóng băng cuộc xung đột Nga - Ukraine là những khái niệm mở, chưa thực sự rõ ràng.

Thứ hai, để thúc đẩy hòa bình cho vấn đề Ukraine, Tổng thống Donald trump có thể sẽ không có đủ công cụ cần thiết. Ông Trump có thể khởi động quá trình đàm phán vào năm 2025, nhưng điều này sẽ vấp phải rào cản từ các đảng chính trị trong nước, thậm chí cả từ Quốc hội, nơi mà ông Trump không nhận được sự ủng hộ từ một số nghị sĩ của đảng Cộng hòa.

Tuy nhiên, những trở ngại trên không có nghĩa là cách tiếp cận trong vấn đề Ukraine của Tổng thống Donald Trump tương tự như người tiền nhiệm. Như chính ông Trump đã từng cảnh báo, Kiev sẽ phải chuẩn bị tinh thần khi các gói hỗ trợ quân sự từ Mỹ có xu hướng giảm dần. Khi mà khả năng gây áp lực lên các đối thủ chính trị trong nước không hiệu quả, ông Trump có thể sẽ cố gắng gây ảnh hưởng đến những “người chơi” bên ngoài. Và ở đây, việc cung cấp vũ khí cũng như các lệnh trừng phạt có thể được Mỹ sử dụng như một “con bài” để thương lượng với cả Nga và Ukraine.

Một phần quan trọng trong chiến lược chính sách đối ngoại của Tổng thống Donald Trump sẽ là chiến tranh thương mại với cả đồng minh và đối tác (Liên minh châu Âu, Canada, Mexico) và đối thủ cạnh tranh (Trung Quốc). Áp lực lên Trung Quốc có thể không chỉ về mặt kinh tế. Trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, giữa bối cảnh chiến tranh thương mại, Tổng thống Donald Trump đã thúc đẩy Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở, từng bước tăng cường sự hiện diện quân sự - chiến lược ở khu vực.

Trong trường hợp này, không loại trừ khả năng Mỹ sẽ gia tăng áp lực song song đối với Nga trong nỗ lực hạn chế sự tương tác giữa Nga với Trung Quốc, 2 đối thủ nặng ký của Mỹ. Nói cách khác, ngay cả khi Tổng thống Donald Trump tìm cách giúp giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine, thì Mỹ sẽ không thể giải quyết bản chất xung đột trong quan hệ Nga - Mỹ về lâu dài.

Có ý kiến cho rằng, Chính quyền Tổng thống Donald Trump sẽ không có thời gian cho các chính sách đối ngoại vì tập trung giải quyết các vấn đề trong nước. Điều này hoàn toàn có cơ sở khi nước Mỹ đang đối mặt với nhiều vấn đề, từ nguy cơ suy thoái kinh tế đến các vấn đề xã hội nhức nhối. Tuy nhiên, chính vì cải cách thuế hoặc vấn đề nhập cư quan trọng hơn đối với Tổng thống Donald Trump, nên một số chủ đề chính sách đối ngoại có thể trở thành “con bài” giúp ông thương lượng với Đảng Dân chủ và thậm chí là các nghị sĩ trong chính Đảng Cộng hòa của ông. Thật khó để nói liệu ông Trump có thực sự khó đoán hay không, nhưng có vẻ như ông đang muốn thể hiện sự cứng rắn, mạnh mẽ để giúp Mỹ luôn chiếm ưu thế trên bàn đàm phán.

Theo Roman Romanov, một nhà báo, chuyên gia phân tích chính trị người Nga cho rằng, từ quan điểm của Tổng thống Donald Trump, các chính sách của người tiền nhiệm Joe Biden nhàm chán và làm các nước không còn coi trọng sức mạnh của Mỹ. Do đó, điều mà nhiều khả năng ông Trump sẽ làm ngay từ đầu nhiệm kỳ là đưa ra một số quyết sách không khoan nhượng để khiến Mỹ chiếm ưu thế trên bàn đàm phán với nhiều đối thủ nặng ký ở nhiều khu vực “nóng” hiện nay, như Nga, Trung Quốc,...

Rõ ràng, cả đồng minh và đối thủ của Mỹ giờ đây đều vừa kỳ vọng, vừa lo ngại trước những thay đổi của nhiệm kỳ Tổng thống Donald Trump tới đây, khi phong cách ra quyết định vừa nhanh, vừa khó lường của ông Trump đã từng khiến họ nhiều khi “trở tay không kịp” trong nhiệm kỳ đầu tiên. Nhưng suy cho cùng, các quyết định của Tổng thống Donald Trump cũng chỉ là một trong các biến số mà chính sách đối ngoại của Mỹ sẽ phụ thuộc vào trong 4 năm tới do đặc thù hệ thống chính trị của Mỹ.

Hùng Anh (CTV)

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/suc-manh-tu-noi-so-hai-235042.htm
Zalo