Sức mạnh nội sinh của dân tộc Việt
Lịch sử đã chứng minh mỗi dân tộc đã và đang tồn tại trong thế giới này đều có sức mạnh tiềm ẩn từ nội lực, nội sinh. Từ thời sơ khai cho đến nay có không ít dân tộc, bộ tộc bị diệt vong do thiên tai khắc nghiệt hoặc do những cuộc chiến tranh giành lãnh địa từ các lãnh chúa. Rõ ràng, sức mạnh nội sinh của một dân tộc quyết định sự tồn tại, phát triển và vươn tầm của dân tộc đó.
Lịch sử 4.000 năm của dân tộc Việt Nam cũng trải bao khắc nghiệt thiên nhiên của “rừng thiêng nước độc, thú dữ” trong thời sơ khai mở cõi dựng nước. Tiếp đến là nạn xâm chiếm của giặc phương Bắc với hơn 1.000 năm đô hộ đồng hóa.
Thoát khỏi ách đô hộ không lâu, tiếp sau đó, dân tộc Việt bị nhiều đế chế hùng mạnh phương Nam quấy nhiễu, thôn tính. Sang thời cận đại thì bị thực dân đô hộ, đế quốc xâm lược,...
Nhìn suốt chiều dài lịch sử dân tộc Việt là những năm dài trường kỳ đánh giặc. Chính điều này đã hun đúc ý chí quật cường, bất khuất chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt.
Càng thấu hiểu lịch sử bi hùng của dân tộc, chúng ta càng tự hào, đời đời nhớ ơn các anh hùng, liệt sĩ đã vì nước quên thân để nước non ta luôn vững bền. Phẩm chất yêu nước, thương nòi của từng người dân Việt đã thấm sâu vào máu, vào tâm can của từng người Việt.
Thời vua Hùng dựng nước cách nay hơn 4.000 năm gắn liền với truyền thuyết mẹ Âu Cơ sinh bọc 100 trứng, nở ra 100 con. Khi các con khôn lớn, cha Lạc Long Quân dẫn 50 con ra trấn thủ biển xa, mẹ Âu Cơ cùng 50 con gìn giữ đồng bằng, rừng núi. Rõ ràng đó là ý thức dựng nước gắn liền với giữ nước ngay từ thuở xa xưa.
Sau mùa Xuân năm 1975, đất nước được thống nhất, nhiều nhà sử học phương Tây và phương Đông đã có tổng kết, đánh giá người dân Việt có những phẩm chất tạo nên sức mạnh nội sinh kiên cường, vượt qua mọi khó khăn, thách thức thiên tai, địch họa và trong xây dựng lại đất nước.
Nổi trội hơn cả trong các phẩm chất là lòng yêu nước bất khuất, không khiếp sợ mọi thế lực xâm lăng hùng mạnh, luôn giương cao ngọn cờ độc lập - tự do, quý trọng hòa bình nhưng khi có giặc là “toàn dân đánh giặc”, đánh bằng bất cứ cái gì có thể, bằng súng, dao, gậy gộc, bẫy mìn, bẫy chông,...
Đánh mọi lúc, mọi nơi, đánh với tinh thần quyết chiến và quyết thắng như lời Bác Hồ kính yêu đã thay lời toàn dân tộc nêu lên ý chí sắt đá: “Dù có đốt cháy dãy Trường Sơn nhưng phải giành cho được độc lập, tự do!”.
Rõ ràng, tinh thần yêu nước đã thấm sâu vào nhận thức từng người dân từ người tri thức cho đến công nhân, nông dân, lao động bình thường. Lòng yêu nước cao ngời của người dân Việt là ngọn lửa thiêng không bao giờ tắt, là sức mạnh nội sinh truyền nối từ thế hệ này sang thế hệ sau.
Phẩm chất nổi trội thứ hai được thế giới ca ngợi đó là tinh thần đoàn kết, thương yêu, giúp nhau khi khốn khó, do thiên tai, địch họa thấm đượm trong “tình làng, nghĩa xóm”; “lá lành đùm lá rách”;...
Tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc là sức mạnh nội sinh vô địch “chặt không đứt, bứt không rời” như một chân lý vĩnh hằng của dân tộc Việt: “Sông có thể cạn, đá có thể mòn nhưng nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một”.
Tinh thần đại đoàn kết của người dân Việt không ích kỷ, bó hẹp trong dân tộc mình. Tinh thần ấy luôn được chia sẻ, lan tỏa, mở rộng ra tầm quốc tế, đoàn kết lại các dân tộc dù có khác biệt về màu da, ngôn ngữ, văn hóa, chính kiến.
Đại đoàn kết để chung sống hòa bình, cùng chung tay và có trách nhiệm bảo vệ hòa bình, tôn trọng độc lập, tự do từng dân tộc, thực hiện tốt Hiến chương Liên hợp quốc.
Gần 100 năm qua, dân tộc Việt Nam nêu cao tinh thần hòa hiếu, nhân văn, gác lại quá khứ, xóa bỏ khác biệt, nâng cao lòng tin để cùng xây dựng tương lai tốt đẹp, vì ấm no, hạnh phúc trước hết cho dân tộc mình và cho nhân loại. Có gì lý tưởng hơn, quý hơn là nhân loại được sống trong hòa bình, sống trong tình đại đoàn kết tiến đến mục tiêu cùng đại thắng.
Phẩm chất hay nguồn sức mạnh nội sinh thứ ba vốn có của dân tộc Việt Nam chính là ý chí, tinh thần tự chủ, tự lực, tự cường, không ngại khó khăn, gian khổ, linh hoạt biến khó thành dễ, biến nguy thành cơ, luôn vươn tới những đỉnh cao mới, tất cả vì ấm no, hạnh phúc của nhân dân, vì sự giàu mạnh của Tổ quốc.
Ý chí kiên cường của dân tộc luôn hướng tới tương lai, luôn khát vọng vươn mình để sánh vai năm châu nhưng không quên nghĩa vụ, trách nhiệm của mình trước nhân sinh thế giới, đó là đạo đức, là văn minh của dân tộc Việt Nam.
Thực tiễn 40 năm đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã minh chứng một cách thuyết phục ý chí, khát vọng này của dân tộc Việt từ những ngày đầu khi mà mọi nguồn lực cho phát triển đều bắt đầu gần như từ con số âm, khó khăn chồng chất khó khăn, thu nhập bình quân đầu người dưới 100 USD,...
Nhưng sau 40 năm, nền sản xuất nông, lâm, thủy sản đã phát triển, được xuất khẩu, thu về hàng chục tỉ USD. Nền công nghiệp trong nước đã vươn lên mạnh mẽ, song song với chủ trương thu hút vốn đầu tư nước ngoài tạo nên thế và lực mới bắt kịp đà phát triển các nước tiên tiến, đến thời điểm này, thu nhập bình quân đầu người đạt gần 4.500USD,...
Ba nguồn lực nội sinh: Lòng yêu nước, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và ý chí, bản lĩnh tự chủ, tự lực, tự cường dân tộc là ba thành tố quan trọng (điều kiện ắt có), ba thành tố mang tính quyết định mọi thắng lợi chính là có một chính đảng với đường lối đúng đắn, sáng suốt, luôn vì nước, vì dân và có vị lãnh tụ anh minh lãnh đạo (điều kiện đủ), chắc chắn dân tộc đó sẽ có sức mạnh vô địch không có khó khăn nào không vượt qua, không có giặc ngoại xâm nào mà không đánh thắng.
Gần 100 năm trôi qua, toàn dân Việt Nam đã tiến những bước dài đưa dân tộc Việt thoát ra khỏi nghèo nàn, lạc hậu, đã và đang chuẩn bị tâm thế vững bước tiến vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, tự tin sánh vai năm châu chính do hội tụ những điều kiện ắt có và đủ nêu trên./.