Tên lửa R-36M2 được trang bị công nghệ nhiều đầu đạn tái nhập khí quyển nhắm mục tiêu độc lập (MIRV), có tải trọng nặng hơn bất cứ ICBM nào hiện có trên thế giới.
Tên lửa R-36M2 sử dụng nhiên liệu lỏng 2 giai đoạn được Liên Xô bắt đầu phát triển vào đầu những năm 1980 và đi vào hoạt động vào năm 1988. Đây là phiên bản nâng cấp của R-36M.
So với phiên bản trước đó, tên lửa R-36M2 có thể mang theo nhiều vũ khí hơn, được trang bị các loại đầu đạn mới.
R-36M2 ban đầu được chế tạo để thay thế các tên lửa dòng R-36M cũ hơn, phát triển vào những năm 1970.
Một trong những điểm khác biệt lớn nhất giữa R-36M2 và R-36M (định danh NATO SS-9 Scarp) là sự thay đổi về thiết kế, áp dụng cơ chế phóng lạnh, theo đó sử dụng khí nén hoặc động cơ phụ để đẩy tên lửa ra khỏi ống phóng trước khi động cơ chính của nó hoạt động.
Theo Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ (FAS) R-36M2 có kích thước rất đồ sộ có chiều dài 37,2 m, đường kính 3m, trọng lượng phóng 211,1 tấn khi nạp đủ nhiên liệu.
Chúng có thể bay xa tới 16.000 km để tấn công bất cứ địa điểm nào trên hành tinh. Đây được coi là niềm tự hào của lực lượng hạt nhân Liên Xô và là nỗi khiếp sợ cho Mỹ và NATO.
Những tên lửa hạt nhân này có thể mang tới 10 đầu đạn hạt nhân độc lập với sức công phá từ 550 - 750 kiloton. Tổng trọng lượng đầu đạn nặng tới 9 tấn.
Nó có tốc độ tái nhập bầu khí quyển rất lớn cùng hệ thống mồi bẫy tinh vi nên rất khó đánh chặn.
Tên lửa được thiết kế để phóng từ các silo cố định trong lòng đất. Silo có chiều sâu 41,5 m, đường kính trục 8,3 m, đường kính cửa 4,64 m.
Các tham số quan trọng nhất của tên lửa đều được mã hóa và kiểm soát thường xuyên để tăng cường độ tin cậy khi thực hiện nhiệm vụ chiến đấu.
Cơ cấu khoang bảo quản mới cho phép R-36M2 hoạt động trong bất kỳ điều kiện thời tiết nào.
Khác với đa phần công nghệ tên lửa ngày nay sử dụng nhiên liệu rắn, những tên lửa hạt nhân chiến lược thời chiến tranh lạnh lại sử dụng nhiên liệu lỏng.
Tuy không nhỏ gọn như tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn, tên lửa sử dụng nhiên liệu lỏng lại có ưu điểm là có thể mang lượng đầu đạn lớn, đặc biệt là chi phí chế tạo và bảo dưỡng rẻ hơn nhiều.
Về cơ bản, R-36M2 là ICBM 2 tầng phóng sử dụng nhiên liệu lỏng kết hợp giữa N2O4 và UDMH. Thiết kế động cơ và buồng chứa nhiên liệu mới cho phép mang được 188 tấn nhiên liệu
R-36M2 tương tự như các dòng ICBM sử dụng hệ thống dẫn đường hỗn hợp tự động quán tính ở pha đầu, nhưng được hiệu chỉnh pha giữa thông qua máy tính đạn đạo kết nối với trung tâm chỉ huy mặt đất.
Sai số mục tiêu của ICBM R-36M2 vào khoảng 500m - một con số không đáng kể đối với loại vũ khí hạt nhân có sức hủy diệt kinh hoàng này.
Hiện Nga đang duy trì khoảng 80 giếng phóng R-36M2. Dự kiến chúng sẽ tiếp tục hoạt động cho tới khi siêu tên lửa RS-28 Sarmat hoàn thiện và đi vào sản xuất hàng loạt.
Việt Hùng