Sức lan tỏa từ các mô hình 'Dân vận khéo' ở Bình Lục
Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ: 'Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công', những năm qua, cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội huyện Bình Lục luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đồng bộ, toàn diện công tác dân vận với nhiều mô hình thiết thực, hiệu quả, phù hợp với điều kiện và nhiệm vụ chính trị của địa phương. Qua đó, góp phần tăng cường mối liên hệ chặt chẽ giữa cấp ủy, chính quyền với nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, hướng đến mục tiêu xây dựng thành công huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào năm 2025.
Đồng chí Trần Thị Thu Thúy, Phó Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Bình Lục cho biết: Xác định công tác dân vận là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, Ban Chỉ đạo phong trào thi đua “Dân vận khéo” huyện đã tham mưu Huyện ủy xây dựng các văn bản chỉ đạo cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội khảo sát, đăng ký xây dựng, nhân rộng mô hình “Dân vận khéo” trên mọi lĩnh vực, bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, gắn với triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị. Đồng thời, thường xuyên tổ chức hội nghị xét duyệt, rà soát, loại bỏ mô hình kém hiệu quả, kịp thời quan tâm, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho những mô hình có khả năng nhân rộng bảo đảm sát với yêu cầu thực tiễn của địa phương.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Bình Lục đã xây dựng nhân rộng và thực hiện 245 mô hình “Dân vận khéo”, trong đó: lĩnh vực kinh tế có 50 mô hình; lĩnh vực văn hóa - xã hội có 127 mô hình; lĩnh vực an ninh - quốc phòng có 59 mô hình; xây dựng hệ thống chính trị có 9 mô hình. Thông qua các mô hình "Dân vận khéo" đã góp phần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và quần chúng nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững, thực hiện nếp sống văn minh, xây dựng gia đình văn hóa, bảo vệ môi trường; giữ gìn an ninh trật tự, đấu tranh phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội…
Mô hình “Tuyên truyền vận động nhân dân tích tụ ruộng đất, trồng cây ăn quả, ứng dụng công nghệ cao” do Hội Nông dân xã Đồng Du được triển khai thực hiện tại thôn An Bài 1, An Bài 2 (có 7 thành viên tham gia, được công nhận mô hình cấp tỉnh) đã đem lại những hiệu quả rất tích cực. Trên diện tích canh tác 5 ha, 7 thành viên tham gia thực hiện mô hình đã tập trung trồng các giống cây trồng: nho, thanh long, bí đỏ,... Đến nay, đã có 4 sản phẩm được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, 3 sản phẩm được xếp hạng OCOP 3 sao cấp tỉnh; đem lại việc làm, nâng cao thu nhập cho nông dân, trung bình đạt từ 85 - 90 triệu đồng/người/năm. Mô hình trồng “Hoa cúc kim cương” của Hội Nông dân xã Bình Nghĩa cũng là một mô hình "Dân vận khéo" được thực hiện cho nhiều kết quả tích cực. Mô hình có tới 36 thành viên tham gia, mỗi năm đem lại thu nhập trung bình trên 200 triệu đồng/người/năm. Là người có thu nhập cao từ việc tham gia mô hình trồng "Hoa cúc kim cương", anh Hoàng Văn Đại (thôn 2 Cát Lại) phấn khởi chia sẻ: Tham gia mô hình, tôi đã mạnh dạn đầu tư tổng diện tích gần 5.000 m2 để nhân giống và trồng hoa công nghệ cao. Từ mô hình này đã giúp tôi có thu nhập từ 800 triệu đến 1 tỷ đồng/năm... Hiệu quả thực tế của mô hình thu được khẳng định khi đem lại những lợi ích thiết thực trong phát triển kinh tế, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập cho người tham gia; nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm hàng hóa, tiêu thụ sản phẩm, góp phần giảm nghèo, làm giàu chính đáng; giúp hội viên và người dân hiểu rõ hơn, chủ động tham gia cùng chính quyền cơ sở thực hiện các giải pháp xây dựng nông thôn mới hiệu quả, bền vững.
Trên lĩnh vực văn hóa - xã hội, các mô hình: “Làm men vi sinh xử lý mùi hôi chuồng trại và rác thải hữu cơ thành phân bón hữu cơ” của Ủy ban MTTQ huyện; “Bể thu gom rác thải nguy hại trên đồng ruộng”, “Quỹ bò vàng sinh sản” của Hội Nông dân huyện; “Xây dựng điểm vui chơi cho thanh thiếu niên” của 17/17 Đoàn thanh niên cấp xã; “Câu lạc bộ nhảy dân vũ”;... là những mô hình được duy trì, nhân rộng thể hiện rõ mục đích của công tác dân vận trong việc từng bước làm thay đổi nhận thức của nhân dân về thực hành tiết kiệm, giữ gìn nét đẹp văn hóa, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường. Chỉ riêng mô hình “Nuôi lợn nhựa tiết kiệm” của Câu lạc bộ tín đồ phật tử chùa Gòi (Ngô Khê, Bình Nghĩa) đã có tới 1.280 thành viên tham gia và được nhân rộng trên địa bàn toàn huyện với 20 mô hình. Những năm qua, các mô hình “Nuôi lợn nhựa tiết kiệm” này đã tiết kiệm được trên 3 tỷ đồng, tặng quà cho 280 lượt phụ nữ, trẻ em hoàn cảnh khó khăn, đồng bào bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh,...
Còn trong lĩnh vực quốc phòng - an ninh, các mô hình "Dân vận khéo" như: “Tổ tự quản về an ninh trật tự” của hội Cựu chiến binh huyện; “Xứ họ đạo yên bình, gia đình giáo dân gương mẫu" của Công an xã Tiêu Động; “Khu dân cư bảo đảm an ninh trật tự, chung sức xây dựng NTM nâng cao” của Công an xã An Ninh... đã và đang được triển khai có hiệu quả, được cấp ủy, chính quyền và người dân đánh giá cao. Qua đó, đã vận động nhân dân tích cực tham gia cùng cấp ủy, chính quyền đối thoại, hòa giải nhiều vụ việc phức tạp tại cơ sở, từng bước đẩy lùi tội phạm, tệ nạn xã hội tại địa phương.
Xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh là một trong những nhiệm vụ quan trọng được xác định và duy trì thực hiện xuyên suốt trong phong trào thi đua “Dân vận khéo”. Vì vậy, Ban Dân vận Huyện ủy Bình Lục đã chủ động tham mưu, hướng dẫn các địa phương tập trung xây dựng, nhân rộng mô hình “Chính quyền thân thiện vì nhân dân phục vụ”, “Ngày thứ bảy với dân” ở 100% xã, thị trấn, tạo sự chuyển biến rõ nét về tư tưởng, nhận thức, phong cách làm việc, thái độ phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong việc tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, giúp đỡ nhân dân, hỗ trợ giải quyết nhiệm vụ cấp bách, trọng tâm của địa phương.
Phong trào thi đua cũng như các mô hình “Dân vận khéo” ở Bình Lục được nhân dân tin tưởng, ủng hộ và đồng tình tham gia hưởng ứng đã, đang đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần xây dựng, củng cố hệ thống chính trị vững mạnh ngay từ cơ sở; củng cố niềm tin, khơi dậy sức mạnh, tinh thần đoàn kết, cống hiến trong các tầng lớp nhân dân.