Sức bật từ phục hồi sản xuất - kinh doanh

Báo cáo Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) của S&P Global công bố đầu tháng 7/2024 ghi nhận ngành sản xuất của Việt Nam gia tăng mạnh vào cuối quý II và có bốn tháng duy trì ngưỡng hơn 50 điểm.

Đáng lưu ý, số lượng đơn đặt hàng mới đạt mức tăng cao nhất kể từ tháng 3/2011. “Số lượng đơn đặt hàng mới tăng với tốc độ nhanh nhất từng được ghi nhận, từ đó các công ty có thể tăng sản lượng và hoạt động mua hàng, tăng số lượng nhân viên lần đầu tiên trong ba tháng”, Báo cáo của S&P Global nêu rõ.

Dẫn lời ông Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại S&P Global Market Intelligence, Báo cáo nêu trên nhận định ngành sản xuất của Việt Nam sôi động trở lại vào thời điểm giữa năm, vượt qua tình trạng tăng trưởng tương đối khiêm tốn trong những tháng gần đây nhờ số lượng đơn đặt hàng mới tăng nhanh.

Đi cùng với mức tăng trưởng mạnh là gánh nặng chi phí tăng, đặc biệt là chi phí vận tải khiến giá cả đầu vào tăng theo. Bên cạnh đó, lạm phát tăng có thể làm giảm nhu cầu trong tương lai, nhưng hiện nay, các công ty vẫn tận hưởng số lượng đơn đặt hàng mới tăng trong tháng 6.

Theo Tổng cục Thống kê, sản xuất công nghiệp đang có tốc độ phục hồi tích cực trên nền tảng khá thấp của cùng kỳ năm trước với giá trị tăng thêm đạt 8,55%. Trong đó, khu vực công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng bứt phá ở mức hai con số, trở lại là động lực chính cho tăng trưởng vì ngành này chiếm hơn 74% giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp.

Đáng lưu ý, tình hình đăng ký doanh nghiệp cũng có dấu hiệu khởi sắc khi tính chung sáu tháng, cả nước có gần 119,6 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 5,3% so với cùng kỳ; bình quân một tháng có 19,9 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Điểm tích cực là kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý II cho thấy 37,4% doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất, kinh doanh tốt hơn; 41,6% cho rằng tình hình sản xuất, kinh doanh ổn định và 21% đánh giá gặp khó khăn.

Dự kiến quý III/2024, có 40,7% doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên so quý II/2024; 42,2% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất, kinh doanh sẽ ổn định và 17,1% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn.

Trong đó, khu vực doanh nghiệp nhà nước lạc quan nhất với 83,6% doanh nghiệp dự báo tình hình sản xuất, kinh doanh quý III/2024 tốt hơn và giữ ổn định so với quý II/2024; tỷ lệ này ở khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước lần lượt là 83,2% và 82,7%.

Nhóm nghiên cứu của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) nhận định tăng trưởng kinh tế Việt Nam sáu tháng cuối năm sẽ được thúc đẩy bởi những yếu tố đến từ việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; tăng trưởng tích cực của ngành dịch vụ và hoạt động xuất khẩu; cùng với đó là các chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế tiếp tục được Chính phủ chỉ đạo thực hiện quyết liệt.

Theo các chuyên gia kinh tế, việc triển khai thực hiện các luật sửa đổi, gồm: Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản từ ngày 1/8/2024 sẽ là một trong những động lực cho nền kinh tế tăng trưởng trong những tháng cuối năm. Vì luật sửa đổi đã thể chế hóa nhiều chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước, có nhiều quy định mang tính đổi mới, tiến bộ, được người dân và xã hội kỳ vọng sẽ tạo động lực cho phát triển kinh tế-xã hội trong giai đoạn mới; trong đó, nhiều quy định trong các luật có thể áp dụng được ngay mà không cần văn bản hướng dẫn chi tiết.

Diên Vĩ

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/suc-bat-tu-phuc-hoi-san-xuat-kinh-doanh-173395.html
Zalo