Sức bật ở Nà Coóc
Ông Nông Văn Sông, Bí thư Chi bộ thôn Nà Coóc, xã Thanh Tương, Na Hang kể: 'Nà Coóc là thôn xa nhất của xã Thanh Tương, đời sống nhân dân bao đời bị cô lập bởi dòng sông Gâm ở ngay cửa ngõ. Ấy thế mà người dân vẫn đang hằng ngày cố gắng, chiến thắng nghịch cảnh để vươn lên thoát nghèo. Năm nay toàn thôn còn 12/62 hộ nghèo, dự kiến sẽ giảm tiếp 7 hộ nghèo vào năm 2025'.
Bí thư chi bộ nói được, làm được
Sau cơn bão số 3 đi qua, chiếc cầu phao nối từ Quốc lộ 2C đến thôn Nà Coóc được tháo dỡ tạm thời để đảm bảo an toàn, hằng ngày người dân muốn đi ra trung tâm xã bắt buộc phải đi bằng thuyền và cũng chỉ đi được từ 7h sáng đến 17h chiều. Cuộc sống vốn dĩ khó khăn nay lại càng khó hơn gấp bội.
Đón phóng viên với sự hồ hởi, Bí thư Chi bộ Nông Văn Sông tỏ ra khá hào hứng khi nói về những đổi thay ở quê hương.
Ông chậm rãi, năm 1991, ông trở về quê hương sau quãng thời gian tham gia quân ngũ, ngày đó Nà Coóc nghèo lắm, toàn thôn có 52 hộ dân thì 48 hộ là hộ nghèo, cái đói cái nghèo cứ thế bủa vây cuộc sống.
Với vai trò là người trẻ, như bao thanh niên khác trong thôn, ông Sông cũng đi đầu trong phát triển kinh tế, nhưng vẫn chỉ dừng lại ở cây lúa, cây ngô và chăn nuôi trâu. Năm 1995, được tập huấn và thực nghiệm về trồng cây ngô Bioxit (Bioseed) khác với nhiều người tỏ ra thờ ơ với loài cây mới thì ông Sông lại tỏ ra khá hào hứng. Ông kể, mình về áp dụng trồng trên 9 sào đất của gia đình, lúc mới trồng lớp người già họ đều cười và bảo, thử xem đưa ngô trồng vụ xuân xuống ruộng liệu sẽ được thu như thế nào.
Ngày đó lạc hậu, chưa có Internet, sách báo hướng dẫn kỹ thuật như bây giờ, ông Sông mò mẫm làm theo hướng dẫn, vừa áp dụng các kỹ thuật gieo hạt theo kinh nghiệm. Nhớ mãi lần đầu gieo hạt tháng 3-1995, ông hao hụt quá nửa số hạt giống do trời hạn, một phần do giống được ngâm nước trước khi gieo, khi gặp đất khô, nước trong hạt ngô bị rút hết dẫn đến thối hạt.
Mãi về sau, ông được người quen tại huyện Chiêm Hóa dạy cho cách gieo hạt ngô trên đất cằn, kỹ thuật bón phân, chăm sóc cây theo từng chu kỳ phát triển. Dần dà, cây ngô bén duyên, vụ ngô năm 1995, gia đình ông Sông thu năng suất kỷ lục 1,6 tạ/sào. Gấp 3 lần giống ngô bản địa, lúc này người dân Nà Coóc ai cũng phấn khởi vì tìm được giải pháp giải quyết khâu lương thực, họ nể vì sự liều lĩnh, dám nói, dám làm của ông Sông.
Năm 1998, ông Sông được tín nhiệm bầu làm Trưởng thôn, ông bảo, được nhân dân giao phó trách nhiệm ông lo lắm, bởi Nà Coóc đất đai canh tác ít, bao quanh là rừng đặc dụng, muốn làm gì cũng khó. Giữa năm đó, ông Sông cũng mạnh dạn đưa giống lúa lai Tạp giao 1 vào gieo trồng.
Ông bồi hồi, đưa cây ngô mới vào trồng khó 1 thì cây lúa khó 10, bởi diện tích đất canh tác tại Nà Coóc tuy có 20 ha nhưng chỉ có 10 ha là màu mỡ, còn lại nghèo dinh dưỡng, thiếu nước quanh năm. Ông say sưa kể cho chúng tôi về quá trình chinh phục cây lúa, từ cách gieo mạ theo mật độ, bón phân, theo dõi bệnh, nhưng cuối cùng ông chốt lại, năng suất lúa năm đó gia đình ông thu được 3,4 tạ/sào.
Năm 2002, ông Sông được chi bộ bầu làm Bí thư Chi bộ, ông bảo, đời sống người dân lúc này đã dần khấm khá, trong thôn nở rộ phong trào nuôi trâu sinh sản với số lượng 180 con, do số lượng phát triển nhanh nên đồng cỏ dần thu hẹp. Tình cờ năm 2002, ông được Chủ tịch xã Thanh Tương lúc đó là ông Hoàng Bao có tặng cho ít giống cỏ voi, ông Sông quý lắm, tự tay nhân giống cỏ. Đến năm 2003, ông phát triển diện tích lên gần 300 m2, người dân Nà Coóc thấy lạ, thấy Bí thư Chi bộ trồng cỏ như cây mía dưới ruộng rồi thái cho trâu ăn.
Đàn trâu của ông Sông sau mấy tháng thử nghiệm chăn cỏ voi, con nào con nấy béo tròn, thích mắt, bà con ai cũng trầm trồ. Đến năm 2004, diện tích cỏ voi của thôn Nà Coóc phát triển đến hơn
2 ha cho đến tận hôm nay.
Sức bật từ những mô hình
Chủ tịch UBND xã Thanh Tương Bàn Văn Khé đánh giá, tuy là thôn xa, khó khăn nhất của xã, nhưng người Nà Coóc không cam chịu, họ luôn vận động, tự vươn lên làm kinh tế. Đất đai canh tác ít do nằm ở vùng lõi rừng đặc dụng, nhưng bao năm qua nơi đây tình hình an ninh trật tự luôn giữ vững. Từ năm 2020 đến nay, thôn Nà Coóc đã hoàn thành 800 m đường bê tông vào khu sản xuất, người dân đóng góp xây dựng các tuyến đường Nà Vài, cầu Phia Tăng với tổng kinh phí trên 233 triệu đồng. Trong đó, nhân dân trong thôn đóng góp gần 130 triệu đồng.
Vượt quãng đường đất gần 2 km cheo leo qua các khe suối, dốc núi đá thẳng đứng, chúng tôi đến thăm trang trại cam của gia đình anh Lường Văn Hoan. Là người khá khiêm tốn, phải thuyết phục mãi anh Hoan mới cởi tấm lòng. Anh chia sẻ, năm 2017, anh đầu tư gần 100 triệu đồng cải tạo đất, liên kết cùng các vườn cam lớn tại xã Phù Lưu (Hàm Yên) trồng cam sành theo hướng liên kết bao tiêu sản phẩm.
Do hợp đất, cây cam lớn nhanh, ít sâu bệnh, vụ cam đầu năm 2022, anh Hoan thu được hơn chục tấn cam và tăng dần lên hơn 30 tấn vào năm 2023. Doanh thu mỗi năm trừ chi phí anh Hoan lãi hơn 100 triệu đồng. Anh tâm sự, làm kinh tế nông nghiệp thực sự vất vả, nhưng muốn làm giàu phải chịu khó tìm tòi hướng đi mới, cách làm mới, nếu chỉ phụ thuộc mãi vào cây lúa, cây ngô thì chỉ đủ ăn chứ không thể vươn lên làm giàu.
Dọc tuyến đường bê tông dài hơn 7 km, bến sông Gâm băng qua thôn Bắc Gianh vào thôn Nà Coóc được xây dựng từ năm 2016. Chúng tôi thấy xuất hiện nhiều căn nhà sàn mới được cải tạo, sơn mới khang trang. Ông Sông bày tỏ, thôn Nà Coóc hiện có hơn 30 thanh niên đi lao động tại các khu công nghiệp, tất cả đều đang mang lại hiệu quả tích cực.
Gia đình ông Nông Văn Dũng là một ví dụ, là hộ nghèo, năm 2020, sau khi các con xin đi làm công nhân tại khu công nghiệp dưới tỉnh Bắc Ninh, gia đình cũng không hoàn toàn ủng hộ, nhưng càng về sau, ông thấy lựa chọn của các con là đúng, kinh tế gia đình cũng khấm khá dần lên. Có vốn, ông Dũng cải tạo gần 1.000 m2 đất đồi sau nhà trồng cây ăn quả, đến nay, mỗi năm thu nhập từ chăn nuôi và cây ăn quả đều ổn định, thu được khoảng 40 triệu đồng.
Nổi tiếng toàn xã Thanh Tương với phong trào nuôi trâu sinh sản, tuy giá trâu hiện xuống thấp, đàn trâu giảm nhanh, thế nhưng tại thôn vẫn duy trì tổng đàn 120 con trâu. Ông Sông nói, do nằm cô lập nên nuôi trâu ở Nà Coóc ít mắc dịch bệnh, nguồn thức ăn cỏ voi phong phú nên trâu phát triển tốt. Được mệnh danh là triệu phú trâu, ông Mạc Văn Quan hiện vẫn duy trì đàn trâu 6 con, ông Quan cho biết, gắn bó với nuôi trâu hơn 20 năm, ông vẫn đặt nhiều niềm tin vào chăn nuôi trâu sinh sản, ông cũng chủ động nguồn thức ăn với 4 sào cỏ voi. Tuy giá trâu hiện nay không được như trước, nhưng hàng năm gia đình vẫn có thu nhập khoảng 30 triệu đồng từ chăn nuôi.
Nằm trong xã nông thôn mới, nhưng Nà Coóc vẫn là thôn 135, thu nhập bình quân đầu người mới đạt trên 30 triệu đồng/người/năm. Trước khi chia tay chúng tôi, ông Sông phấn khởi nhấn mạnh, Nà Coóc tuy đã khá hơn trước nhưng vẫn còn khó khăn. Ông tin rằng, tương lai sẽ phát triển hơn nếu như được đầu tư và người dân luôn nỗ lực, tích cực áp dụng mô hình mới vào trồng trọt, sản xuất...