Sửa quy định về quản lý tuyến vận tải hành khách cố định

Tại dự thảo Nghị định về hoạt động vận tải đường bộ, Bộ GTVT đề xuất sửa quy trình đăng ký, ngừng khai thác tuyến vận tải khách cố định nhằm đảm bảo tính công bằng, minh bạch.

Thuận lợi trong đăng ký tuyến vận tải

Theo đó, dự thảo Nghị định quy định với tuyến đang khai thác, đơn vị kinh doanh vận tải hành khách tuyến cố định được quyền lựa chọn giờ xuất bến và thực hiện đăng ký khai thác tuyến tại các thời điểm chưa có đơn vị khai thác.

Dự thảo Nghị định sửa quy định đăng ký khai thác tuyến cố định theo hướng thực hiện trên môi trường mạng, giúp tiết kiệm thời gian, tạo minh bạch (ảnh minh họa).

Dự thảo Nghị định sửa quy định đăng ký khai thác tuyến cố định theo hướng thực hiện trên môi trường mạng, giúp tiết kiệm thời gian, tạo minh bạch (ảnh minh họa).

Trường hợp tuyến phải điều chỉnh, bổ sung, đơn vị kinh doanh vận tải phải trao đổi với bến xe hai đầu tuyến và xây dựng phương án khai thác tuyến gửi về Sở GTVT (nơi đơn vị đặt trụ sở chính hoặc trụ sở chi nhánh) để đăng ký khai thác tuyến theo quy định và Sở GTVT đầu tuyến bên kia để phối hợp quản lý.

Trong thời gian 2 ngày làm việc, Sở GTVT (nơi đơn vị vận tải đặt trụ sở chính hoặc trụ sở chi nhánh) gửi văn bản lấy ý kiến lên hệ thống phần mềm của Bộ GTVT cho Sở GTVT đầu tuyến bên kia về việc điều chỉnh, bổ sung tuyến cố định vào danh mục mạng lưới tuyến. Nội dung lấy ý kiến gồm các thông tin: Bến xe nơi đi, bến xe nơi đến, hành trình chạy xe, lưu lượng, giãn cách giữa các chuyến xe liền kề.

Trong thời gian 2 ngày làm việc tiếp theo, Sở GTVT đầu tuyến bên kia có trách nhiệm trả lời bằng văn bản trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến của Bộ GTVT về việc đồng ý hoặc không đồng ý (nêu rõ lý do). Trường hợp Sở GTVT đầu tuyến bên kia không có văn bản trả lời thì hệ thống sẽ tự động chuyển sang trạng thái đã đồng ý.

Tiếp đó, Sở GTVT (nơi đơn vị vận tải đặt trụ sở chính hoặc trụ sở chi nhánh) chủ trì cập nhật và bổ sung vào danh mục chi tiết tuyến theo quy định, cấp phù hiệu cho phương tiện và báo cáo về Bộ GTVT, UBND cấp tỉnh để công bố danh mục mạng lưới tuyến nội tỉnh và tổ chức thực hiện cập nhật, bổ sung danh mục mạng lưới tuyến liên tỉnh theo hướng dẫn.

Như vậy, theo dự thảo, mọi thông tin đăng ký khai thác tuyến của đơn vị vận tải, văn bản lấy ý kiến, chấp thuận hoặc từ chối của các Sở GTVT hai đầu tuyến được thực hiện trên môi trường mạng. Đồng thời, quy định chi tiết thời gian Sở GTVT phải trả lời khi nhận được thông tin thông qua phần mềm của Bộ GTVT.

Theo ban soạn thảo, đây là quy định mới, không chỉ giúp giảm thủ tục hành chính, giảm thời gian, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong đăng ký khai thác tuyến mà còn tạo sự khách quan, minh bạch trong giải quyết các hồ sơ của cơ quan quản lý Nhà nước.

Mặt khác, dự thảo Nghị định cũng quy định, sau 60 ngày kể từ ngày có thông báo đăng ký khai thác tuyến thành công, nếu đơn vị kinh doanh vận tải không thực hiện đưa xe vào khai thác thì thông báo này không còn hiệu lực.

Ngoài ra, trường hợp, đơn vị vận tải thực hiện dưới 70% tổng số chuyến xe của nốt đã đăng ký trong một tháng sẽ bị thu hồi đăng ký khai thác tuyến đối với nốt đó.

Sở GTVT nơi thông báo đăng ký khai thác tuyến thành công có trách nhiệm cập nhật thông tin giờ xuất bến của nốt đã thu hồi vào cơ sơ dữ liệu cấp phép hoạt động vận tải của Bộ GTVT sau 2 ngày kể từ ngày ban hành quyết định thu hồi.

Đây sẽ là cơ sở cho các đơn vị vận tải khác đăng ký khai thác tuyến theo quy định của Nghị định này.

Đơn vị bị thu hồi nốt trong vòng 30 ngày kể từ ngày quyết định thu hồi có hiệu lực, không được đăng ký khai thác trên tuyến có nốt bị thu hồi. Sau thời gian này, nếu có nhu cầu tiếp tục kinh doanh trên tuyến có nốt bị thu hồi, phải làm thủ tục đăng ký khai thác tuyến theo quy định.

Theo Cục Đường bộ VN, quy định này kế thừa từ Nghị định 41/2024, nhằm đảm bảo các đơn vị vận tải có trách nhiệm cung cấp dịch vụ theo đúng phương án chạy xe đã đăng ký, hạn chế việc đơn vị vận tải chỉ đăng ký để giữ chỗ nhưng không hoạt động, thậm chí bỏ bến ra ngoài chạy, ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh vận tải.

Mặt khác sẽ tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp vận tải khác chủ động theo dõi, đăng ký nốt (tài) kịp thời khi trên tuyến có nốt (tài) bị thu hồi, nhằm đảm bảo các nốt (tài) tại các bến xe được khai thác hết công suất, đáp ứng nhu cầu vận tải của hành khách.

Dự thảo vẫn giữ quy định về thời hạn thu hồi phù hiệu, biển hiệu cũng như thời gian chờ để được cấp lại nhằm tăng trách nhiệm doanh nghiệp trong chấp hành quyết định xử phạt (ảnh minh họa).

Dự thảo vẫn giữ quy định về thời hạn thu hồi phù hiệu, biển hiệu cũng như thời gian chờ để được cấp lại nhằm tăng trách nhiệm doanh nghiệp trong chấp hành quyết định xử phạt (ảnh minh họa).

Làm sai lệch dữ liệu camera trên xe bị thu hồi giấy phép kinh doanh

Tại dự thảo Nghị định cũng nêu rõ 2 trường hợp đơn vị kinh doanh vận tải bị thu hồi phù hiệu, bao gồm khi doanh nghiệp bị tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh vận tải và khi đơn vị vận tải không hoạt động trên tuyến trong thời gian 60 ngày liên tục (đối với các xe tuyến cố định).

Về thu hồi giấy phép kinh doanh (GPKD) không thời hạn, dự thảo Nghị định đề xuất 6 trường hợp. Bao gồm khi đơn vị vận tải cung cấp bản sao không đúng với bản chính hoặc thông tin sai lệch trong hồ sơ đề nghị cấp GPKD;

Không kinh doanh vận tải toàn bộ các loại hình ghi trên GPKD trong thời hạn từ 6 tháng trở lên, kể từ ngày được cấp giấy phép hoặc ngừng kinh doanh vận tải toàn bộ các loại hình ghi trên giấy phép trong thời gian 6 tháng liên tục trở lên;

Khi chấm dứt hoạt động theo quy định của pháp luật hoặc theo đề nghị của đơn vị kinh doanh vận tải;

Sửa chữa hoặc làm sai lệch dữ liệu hình ảnh từ camera lắp trên xe trước, trong và sau khi truyền dữ liệu.

Không chấp hành quyết định thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định về kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô của cơ quan có thẩm quyền;

Trong thời gian 1 tháng, có từ 30% trở lên số phương tiện của đơn vị bị xử lý vi phạm thu hồi, bị tước phù hiệu.

Cùng đó, quy định thời hạn 10 ngày kể từ ngày có quyết định thu hồi, đơn vị vận tải phải nộp lại GPKD và phù hiệu, biển biển cho cơ quan cấp giấy phép, dừng hoạt động kinh doanh vận tải theo quyết định thu hồi.

Trường hợp đơn vị kinh doanh vận tải nộp lại GPKD và phù hiệu, biển hiệu theo đúng quyết định thu hồi, sẽ chỉ được cấp lại giấy phép này sau thời gian 30 ngày (hoặc 60 ngày đối với trường hợp vi phạm lần thứ 2 trong thời gian 6 tháng liên tục).

Trường hợp quá thời hạn 10 ngày kể từ ngày ban hành quyết định thu hồi mà đơn vị vận tải không nộp GPKD và phù hiệu, biển hiệu hoặc có nộp nhưng không đủ theo quyết định thu hồi, Sở GTVT chỉ cấp lại GPKD sau thời gian 45 ngày (hoặc 90 ngày đối với trường hợp vi phạm lần thứ 2 trong thời gian 6 tháng liên tục) kể từ ngày đơn vị kinh doanh vận tải nộp lại đủ GPKD và phù hiệu, biển hiệu theo quyết định thu hồi.

Sau khi có quyết định thu hồi phù hiệu, biển hiệu mà đơn vị kinh doanh vận tải xin cấp mới, cấp lại phù hiệu, biển hiệu với lý do bị mất, trong thời gian 60 ngày kể từ ngày nhận được văn bản của đơn vị kinh doanh vận tải, Sở GTVT không thực hiện cấp mới, cấp lại phù hiệu, biển hiệu.

Theo ban soạn thảo, quy định này cũng kế thừa từ Nghị định 41/2024 nhằm nâng cao hiệu lực của công tác quản lý Nhà nước trong hoạt động kinh doanh vận tải, tránh tình trạng đơn vị kinh doanh vận tải lấy lý do, chây ì, không nộp lại phù hiệu, biển hiệu mà vẫn sử dụng phương tiện để kinh doanh vận tải trái quy định. Từ đó, tăng trách nhiệm của doanh nghiệp trong chấp hành quyết định thu hồi phù hiệu, biển hiệu phương tiện.

Đồng thời, tăng trách nhiệm trong quản lý lái xe, phương tiện đảm bảo không vi phạm quy định về hoạt động kinh doanh vận tải, vi phạm luật giao thông đường bộ vì có thể dẫn đến bị thu hồi phù hiệu, biển hiệu, khó khăn trong việc cấp mới, cấp lại phù hiệu, biển hiệu; thậm chí có thể bị thu hồi GPKD không thời hạn.

Yến Chi

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/sua-quy-dinh-ve-quan-ly-tuyen-van-tai-hanh-khach-co-dinh-192240920095704822.htm
Zalo