Sửa quy định về cấp, thu hồi giấy chứng nhận bảo hiểm về trách nhiệm với ô nhiễm tràn dầu
Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến dự thảo Thông tư quy định việc cấp, thu hồi giấy chứng nhận bảo hiểm hoặc bảo đảm tài chính theo công ước quốc tế về trách nhiệm dân sự đối với tổn thất ô nhiễm dầu năm 1992 và tổn thất ô nhiễm dầu nhiên liệu năm 2001.
Giảm bớt hồ sơ, giấy tờ làm thủ tục
Điểm đáng chú ý tại dự thảo Thông tư là những đề xuất sửa đổi, bổ sung các thủ tục hành chính để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình thực hiện các thủ tục.
Trong đó, có việc cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm hoặc bảo đảm tài chính về trách nhiệm dân sự đối với tổn thất ô nhiễm dầu nhiên liệu 2001 và việc cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm hoặc bảo đảm tài chính về trách nhiệm dân sự đổi với thiệt hại ô nhiễm dầu (CLC 1992).

Dự thảo quy định mới nhằm cắt giảm, đơn giản hóa thành phần hồ sơ đã có trên Cơ sở dữ liệu tàu biển quản lý và thành phần hồ sơ đối với tàu biển Việt Nam (Ảnh minh họa).
Theo Cục Hàng hải và Đường thủy VN, các thủ tục hành chính tại dự thảo Thông tư nhằm bổ sung các quy định thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, cũng như cắt giảm, đơn giản hóa thành phần hồ sơ đã có trên Cơ sở dữ liệu tàu biển quản lý và thành phần hồ sơ đối với tàu biển Việt Nam.
Đồng thời, bổ sung thành phần hồ đối với tổ chức có yếu tố nước ngoài, đảm bảo kiểm soát thêm các thông tin để thực hiện cấp thủ tục hành chính theo đúng quy định pháp luật và Công ước quốc tế.
Một trong những đề xuất cắt giảm thủ tục hành chính là bỏ thành phần hồ sơ là "Giấy chứng nhận đăng ký tàu biển" đối với tàu đăng ký mang cờ quốc tịch Việt Nam khi làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận CLC 1992 hoặc Giấy chứng nhận Bunker 2001.
Dự thảo chỉ yêu cầu hồ sơ có bản sao Giấy chứng nhận đăng ký tàu biển đối với tàu đăng ký mang cờ quốc tịch nước ngoài. Lý do, tàu biển Việt Nam có thể tra cứu trên Cơ sở dữ liệu đăng ký tàu biển.
Trong quá trình thực hiện các thủ tục, trường hợp bảo hiểm có tái bảo hiểm, chủ tàu phải nộp cả bản gốc Giấy chứng nhận của tổ chức nhận tái bảo hiểm liên quan, vì việc tái bảo hiểm thường do các tổ chức bảo hiểm quốc tế mới đủ năng lực tài chính thực hiện.
Tùy theo quy định mỗi tổ chức cấp Giấy chứng nhận của tổ chức nhận tái bảo hiểm theo hình thức bản giấy hoặc bản điện tử thì chủ tàu phải cung cấp địa chỉ chính thức, hợp pháp trang thông tin điện tử của tổ chức đã cấp để kiểm tra.
Tăng cường thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử
Nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, dự thảo đề xuất bổ sung quy định thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử. Theo đó, các chủ tàu gửi hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận CLC 1992 trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính hoặc qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến đến Cơ quan đăng ký tàu biển.
Trình tự nhận và xử lý hồ sơ cũng được quy định cụ thể, bổ sung quy định trình tự thủ tục giải quyết hồ sơ trên dịch vụ công trực tuyến. Cơ quan đăng ký tàu biển tiếp nhận hồ sơ và thực hiện kiểm tra hồ sơ tuân thủ theo các quy định Công ước CLC 1992.
Nếu hồ sơ chưa hợp lệ thì chậm nhất 2 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, cơ quan đăng ký tàu biển hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ theo quy định.
Nếu hồ sơ hợp lệ thì chậm nhất 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, cơ quan cấp Giấy chứng nhận CLC 1992 theo quy định và gửi trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính hoặc qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến cho chủ tàu. Trường hợp không chấp thuận, cơ quan đăng ký tàu biển có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.
Ngoái ra, trong việc đóng lệ phí cấp Giấy chứng nhận, thay vì chủ tàu phải nộp trực tiếp tại cơ quan đăng ký tàu biển như quy định hiện hành, dự thảo mới đề xuất chủ tàu có thể thanh toán qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến trước khi nhận Giấy chứng nhận.