Sửa Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp để thúc đẩy phát triển

Dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) đã qua 2 lần thảo luận tại Quốc hội. Đến nay, cơ bản các đề xuất của Chính phủ trong dự Luật này đều nhận được phản hồi tích cực từ các đại biểu Quốc hội cũng như cộng đồng doanh nghiệp. Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc, sửa Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp nhằm đảm bảo sự công bằng, hợp lý và thúc đẩy sự phát triển.

Sửa đổi, bổ sung Luật Thuế thu nhập cá nhân, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ảnh: tư liệu

Sửa đổi, bổ sung Luật Thuế thu nhập cá nhân, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ảnh: tư liệu

Ưu đãi thuế để thu hút đầu tư một số lĩnh vực

Ghi nhận từ Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa, hầu hết các thành viên đều cho rằng, việc sửa đổi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) là rất cần thiết để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME).

Chi phí hợp lệ, hợp lý mới được trừ trước khi tính thuế

Liên quan đến chi phí được trừ khi tính thuế, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc lưu ý, chi phí mà không hợp lệ, không hợp pháp thì đương nhiên không được trừ. Như vậy, chi phí này phải minh bạch, các chi phí vi phạm pháp luật không những không được trừ khi tính thuế mà còn phải bị xử lý.

Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Thân (đoàn Thái Bình) - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong dự thảo luật lần này có đề xuất ưu đãi thuế, nhằm thúc đẩy đầu tư vào các lĩnh vực như công nghệ cao, chuyển đổi xanh trong thời kỳ hội nhập kinh tế thế giới đang diễn ra mạnh mẽ là rất có ý nghĩa. Bên cạnh đó, thủ tục hành chính thuế cũng là một trong những vấn đề mà doanh nghiệp rất quan tâm vì có ảnh hưởng trực tiếp đến thời gian cũng như chi phí mà doanh nghiệp phải bỏ ra.

“Vấn đề là phải cải cách thủ tục thuế một cách hiệu quả, rút ngắn được thời gian cho doanh nghiệp, đảm bảo được tính minh bạch và chống thất thu ngân sách nhà nước. Đây là một trong những vấn đề lớn của Đảng và Nhà nước, đó là phải cải cách thể chế. Tuy nhiên, đây là vấn đề rất rộng, nhưng ý kiến cá nhân của tôi trước mắt cần áp dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số vào quản lý. Nếu làm tốt việc này, thủ tục hành chính sẽ giảm đi rất nhiều” – ông Thân nhấn mạnh.

Một điều rất đáng lưu ý trong dự thảo Luật lần này là quy định thu thuế của các doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh thương mại điện tử tại Việt Nam. Một số chuyên gia cho rằng, sẽ có nhiều thách thức khi triển khai áp dụng vào thực tế, nhưng cần phải làm. Bởi nếu không thực hiện sẽ tụt hậu rất nhiều trong quá trình hội nhập kinh tế.

Bên cạnh doanh nghiệp nhỏ và vừa, đối tượng các đơn vị sự nghiệp cũng giành được sự quan tâm. Là Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Thái Bình, đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (đoàn Thái Bình) cho biết, theo dự thảo Luật, thu nhập của đơn vị sự nghiệp công lập cung cấp dịch vụ công cũng thuộc đối tượng được miễn thuế. Tuy nhiên, bà đề nghị miễn thuế TNDN cho các đơn vị tự chủ cả chi đầu tư và chi thường xuyên.

Liên quan đến nội dung về chuyển lỗ, để thu đúng, thu đủ về ngân sách, ông Nguyễn Duy Thanh (đoàn Cà Mau) - Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Cà Mau chia sẻ, Chi nhánh là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp và không có tư cách pháp nhân. Khi Chi nhánh chấm dứt hoạt động nếu còn nợ thuế thì doanh nghiệp phải kế thừa nghĩa vụ thanh toán các khoản nợ thuế đó. Hiên nay, Chi nhánh hạch toán độc lập đang nảy sinh vấn đề bất cập. Do vậy, cần bổ sung vào Điều 16 của dự thảo Luật về nội dung này.

Thuế TNDN Việt Nam thấp nhất Đông Nam Á

Giải trình và làm rõ các nội dung xung quanh dự án Luật Thuế TNDN (sửa đổi) trước Quốc hội vào sáng 28/11, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc cho biết, mức thuế TNDN hiện nay của Việt Nam vẫn ở mức thấp nhất so với các nước Đông Nam Á. Do đó, chính sách thuế TNDN được sửa đổi nhằm đảm bảo sự công bằng, hợp lý và thúc đẩy sự phát triển. Đối với những lĩnh vực ưu tiên phát triển, cần phải hỗ trợ từ ngân sách thì phải giám sát để triển khai một cách hiệu quả.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cho biết thêm, nguyên tắc đối với thuế TNDN là mọi khoản thu nhập của doanh nghiệp là thu nhập chịu thuế, kể cả với các khoản thu sản xuất kinh doanh và các khoản thu khác. Doanh nghiệp nước ngoài không có địa chỉ thường trú tại Việt Nam nhưng có phát sinh các hoạt động tại Việt Nam, có thu nhập thì phải nộp thuế TNDN. Trên thực tế, thời gian qua đã thực hiện thu thuế đối với đối tượng này.

Phản hồi ý kiến đại biểu nêu về thuế đối với đơn vị sự nghiệp và cơ quan báo chí, Phó Thủ tướng cho hay, đơn vị sự nghiệp có ba loại: đơn vị sự nghiệp do Nhà nước cấp kinh phí toàn bộ; tự chủ chi thường xuyên và tự chủ toàn diện. Loại hình thứ 3 khi có doanh thu thì rõ ràng phải nộp thuế. "Ví dụ như dịch vụ công trên địa bàn đặc biệt khó khăn được giảm 5% thuế, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước cũng không phải tính thuế... Vấn đề này đã được Chính phủ quy định cụ thể"- Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo Phó Thủ tướng, đối với cơ quan báo chí, đối với báo in và các loại báo khác sẽ chịu mức thuế 10% nếu Quốc hội đồng ý, Chính phủ đề xuất như vậy để hỗ trợ các cơ quan báo chí. Ngoài ra, để hỗ trợ cơ quan báo chí hiện nay cũng có nhiều hình thức như đặt hàng, quảng cáo; đối với các cơ quan báo chí chưa tự chủ thì Nhà nước vẫn cấp kinh phí.

Đây là một trong những quy định trong dự thảo Luật được các cơ quan báo chí quan tâm. Trong phần thảo luận ở tổ cũng như trên hội trường, rất nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, nên có những chính sách hỗ trợ nhiều hơn nữa và đề xuất áp dụng mức thuế suất ưu đãi 10% cho các cơ quan báo chí.

Đại biểu Quốc hội - Đỗ Chí Nghĩa (đoàn Phú Yên) - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đề nghị nghiên cứu giảm thuế hơn nữa cho các cơ quan báo chí. Theo đó, đại biểu đề nghị nên có chính sách hỗ trợ nhiều hơn nữa, không chỉ giảm thuế xuống 10% với tất cả các loại hình báo chí mà cơ quan soạn thảo có thể nghiên cứu giảm xuống 5%.

ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI TRẦN KIM YẾN (ĐOÀN TP. HỒ CHÍ MINH): Đã bổ sung nhiều quy định để tránh thất thu thuế

Dự thảo Luật Thuế TNDN (sửa đổi) đã bổ sung nhiều nội dung quy định mới khá rõ ràng để tránh thất thu thuế như quy định thu thuế với thương mại điện tử, chuyển lỗ…

Liên quan nội dung về ưu đãi thuế TNDN, đối với sản xuất ô tô, cần quy định cụ thể về tỷ lệ nội địa hóa để được hưởng ưu đãi thuế. Việc này nhằm khuyến khích phát triển ngành công nghiệp ô tô trong nước, thay vì chỉ là lắp ráp, gia công cho các hãng nổi tiếng.

Về việc ưu đãi thuế đối với đầu tư kinh doanh văn phòng làm việc chung, cần có hướng dẫn cụ thể để xác định mức độ hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, tránh tạo kẽ hở trong việc quyết toán thuế. Ngoài ra, đề xuất tăng mức ưu đãi thuế đối với các lĩnh vực giáo dục, đào tạo, y tế (miễn thuế tối đa 10 năm, giảm 55% trong 10 năm tiếp theo) để khuyến khích đầu tư, đặc biệt là ở các địa bàn khó khăn. Đồng thời, dự thảo Luật cũng cần có chính sách ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp sử dụng lao động có yếu tố đặc thù như: Lao động cao tuổi, lao động là người dân tộc thiểu số… để tạo điều kiện cho các đối tượng này tham gia vào thị trường lao động.

ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI HOÀNG VĂN CƯỜNG (ĐOÀN TP. HÀ NỘI): Cần miễn thuế cho doanh nghiệp tư hoạt động phi lợi nhuận

Theo quy định hiện hành, các tổ chức thực hiện cung cấp dịch vụ sự nghiệp công để thúc đẩy việc xã hội hóa nhưng không phải đơn vị công lập, ví dụ như bệnh viện tư, trường học dân lập được hưởng mức ưu đãi cao nhất là miễn thuế TNDN đối với phần để lại không chia. Đây là chính sách để khuyến khích, phát triển các đơn vị giáo dục ngoài công lập nhưng phát triển vì mục đích phi lợi nhuận. Do đó, tiền đóng học phí, viện phí của người bệnh cho các tổ chức này không nhằm mục tiêu lợi nhuận hay chia lợi nhuận cho các cổ đông mà mục tiêu chính là để đầu tư, phát triển cơ sở vật chất, phục vụ chính cho người bệnh. Đây là hướng khuyến khích phát triển, rất cần thiết phải đưa vào trong Luật là miễn thuế TNDN đối với các doanh nghiệp tư và dịch vụ tư mà hoạt động phi lợi nhuận.

Tương tự với các đơn vị sự nghiệp công hoạt động trong lĩnh vực y tế, giáo dục phải coi là đơn vị phi lợi nhuận và phải được miễn thuế TNDN. Cơ quan soạn thảo cần xem xét để đảm bảo yếu tố về dịch vụ y tế, giáo dục nhằm thực hiện mục tiêu để đáp ứng yêu cầu xã hội, không nên đưa yếu tố thuế vào đây, trừ trường hợp các đơn vị sự nghiệp công lập này không phải phục vụ hoạt động công thông thường mà thực hiện liên doanh, liên kết để thu lợi nhuận. Khi liên doanh, liên kết thì chúng ta có thể thu thuế TNDN.

ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI DƯƠNG KHẮC MAI (ĐOÀN ĐĂK NÔNG): Xem xét giảm thuế thu nhập cho các đơn vị sự nghiệp công lập

Trước đây, các đơn vị sự nghiệp công lập 100% hưởng kinh phí từ ngân sách, sau này chúng ta thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước thì các đơn vị này sẽ thực hiện tự chủ hoặc tự chủ một phần tùy theo mức độ của từng đơn vị. Trong thực tế, một số đơn vị thực hiện rất tốt. Tuy nhiên, còn nhiều đơn vị gặp rất nhiều khó khăn, nhất là những tỉnh miền núi, vùng cao, lĩnh vực y tế và giáo dục cũng là một trong những lĩnh vực gặp nhiều khó khăn. Các đơn vị thực hiện tự chủ vẫn phải thực hiện các nhiệm vụ, thực hiện các vai trò của mình, thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước giao và các dịch vụ để phục vụ nhân dân, đây là những nhiệm vụ hết sức quan trọng.

Để cho các đơn vị này có thêm nguồn lực và đảm đương tốt các vai trò, nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao cho và vai trò phục vụ nhân dân tốt trong các lĩnh vực, tôi trân trọng đề nghị Quốc hội xem xét giảm thuế thu nhập cho các đơn vị sự nghiệp công lập. Chúng ta xem đây là một sự đầu tư trở lại của ngân sách nhà nước, của Nhà nước để tạo cho các đơn vị này có nguồn lực đầu tư mở rộng và đặc biệt về công nghệ để tạo điều kiện cho hoạt động.

Hồng Vân

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/sua-luat-thue-thu-nhap-doanh-nghiep-de-thuc-day-phat-trien-165124.html
Zalo