Sửa Luật Quy hoạch: Mở rộng phân quyền, gỡ vướng thủ tục

Tờ trình của Chính phủ khẳng định, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch là cần thiết và cấp bách để phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước về sắp xếp tổ chức bộ máy, phân cấp, phân quyền, phát huy tự chủ, sáng tạo; đồng thời xử lý các vướng mắc, chồng chéo trong thực tiễn.

Sáng 9/5, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, trình bày tờ trình luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch. Cùng nội dung, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Phan Văn Mãi trình bày báo cáo thẩm tra, trong đó nhấn mạnh một số điểm cần rà soát kỹ lưỡng hơn nhằm bảo đảm tính đồng bộ và thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Tờ trình của Chính phủ khẳng định, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch là cần thiết và cấp bách để phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước về sắp xếp tổ chức bộ máy, phân cấp, phân quyền, phát huy tự chủ, sáng tạo, đồng thời xử lý các vướng mắc, chồng chéo trong thực tiễn.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng.

Dự thảo luật được xây dựng theo các nguyên tắc: bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, thể chế hóa đúng đắn Kết luận 127-KL/TW ngày 28/2/2025 của Bộ Chính trị; bảo đảm quy hoạch là nền tảng phát triển trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; phù hợp với điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; bảo đảm tính khả thi, hiệu quả, kế thừa, ổn định và thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Dự thảo luật gồm hai điều, sửa đổi, bổ sung 33 điều và khoản của Luật Quy hoạch hiện hành với 6 nhóm nội dung trọng tâm:

Hoàn thiện hệ thống quy hoạch: Dự thảo bổ sung quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành vào hệ thống quy hoạch; cho phép lập đồng thời quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh và các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành. Riêng quy hoạch đô thị, nông thôn tiếp tục thực hiện theo pháp luật chuyên ngành.

Đơn giản hóa nội dung quy hoạch: Nội dung quy hoạch được tinh giản theo hướng chỉ quy định khung, mang tính định hướng. Danh mục dự án quan trọng, ưu tiên đầu tư được chuyển sang kế hoạch thực hiện quy hoạch, đồng thời phân cấp cho Bộ trưởng, Chủ tịch UBND cấp tỉnh phê duyệt kế hoạch thực hiện quy hoạch ngành quốc gia và quy hoạch tỉnh.

Điều chỉnh quy hoạch thời kỳ 2021 – 2030: Dự thảo bổ sung quy định mới nhằm phục vụ việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh. Theo đó, không phải lập, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch. Việc thẩm định có thể tổ chức họp Hội đồng hoặc lấy ý kiến bằng văn bản. Bộ, ngành và địa phương được phân cấp tổ chức thẩm định và phê duyệt điều chỉnh quy hoạch thuộc phạm vi quản lý sau khi được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua.

Tăng cường phân cấp, phân quyền: Một số thẩm quyền hiện nay được đề xuất phân cấp như:

Thẩm quyền lập quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia được giao từ Chính phủ cho Thủ tướng.

Chính phủ được quyết định vùng cần lập quy hoạch vùng.

Bộ trưởng, Chủ tịch UBND cấp tỉnh được quyết định danh mục dự án ưu tiên trong kế hoạch thực hiện quy hoạch.

UBND cấp tỉnh được tổ chức thẩm định, Chủ tịch UBND cấp tỉnh phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tỉnh đối với giai đoạn 2021 – 2030.

Hoàn thiện thủ tục, trình tự lập và điều chỉnh quy hoạch: Dự thảo bỏ quy định về xin chủ trương điều chỉnh quy hoạch, nhằm đơn giản hóa thủ tục, đẩy nhanh tiến độ. Đồng thời, làm rõ quy định về trình tự rút gọn, trong đó việc điều chỉnh quy hoạch không phải thực hiện đánh giá môi trường chiến lược.

Bổ sung quy định chuyển tiếp: Để bảo đảm không có khoảng trống pháp lý, không gián đoạn trong quản lý Nhà nước về quy hoạch, dự thảo luật bổ sung điều khoản chuyển tiếp áp dụng đối với quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, quy hoạch kỹ thuật, chuyên ngành và các quy định liên quan khác.

Báo cáo thẩm tra: Cần rà soát thẩm quyền phân cấp

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Phan Văn Mãi đánh giá, việc bổ sung nguyên tắc xử lý mâu thuẫn giữa các quy hoạch và giao Chính phủ quy định chi tiết là cần thiết, giúp tháo gỡ vướng mắc thực tiễn. Tuy nhiên, dự thảo mới chỉ đề cập các quy hoạch không cùng cấp có thẩm quyền quyết định, phê duyệt. Ủy ban đề nghị cần bổ sung phương án xử lý mâu thuẫn đối với các quy hoạch do cùng một cấp có thẩm quyền quyết định, phê duyệt.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi.

Về phân cấp thẩm quyền lập mới quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, nhiều ý kiến trong Ủy ban Kinh tế đề nghị thận trọng. Đây là những quy hoạch có ảnh hưởng lớn, liên quan đến nguồn lực đặc biệt, cần bảo đảm quyền giám sát tối cao của Quốc hội theo Hiến định. Vì vậy, chưa nên phân cấp ngay mà cần tiếp tục tổng kết thực tiễn, rà soát kỹ và nếu cần, có thể tích hợp các nội dung quan trọng này vào quy hoạch tổng thể quốc gia.

Liên quan đến trình tự, thủ tục điều chỉnh quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, báo cáo thẩm tra cho rằng dự thảo mới chỉ quy định chung cho các trường hợp điều chỉnh quy hoạch thời kỳ 2021 – 2030, chưa phân biệt theo tính chất, quy mô, không gian lãnh thổ. Điều này có thể gây lúng túng trong thực hiện, nhất là trong bối cảnh sáp nhập, điều chỉnh địa giới hành chính. Do đó, cần nghiên cứu bổ sung, làm rõ hoặc giao Chính phủ quy định chi tiết.

Ủy ban Kinh tế cũng đồng tình với các đề xuất phân cấp để tăng tính chủ động cho các cấp, ngành, tuy nhiên lưu ý việc phân cấp phải bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật, không làm suy giảm hiệu lực quản lý Nhà nước.

Trần Nam

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/sua-luat-quy-hoach-mo-rong-phan-quyen-go-vuong-thu-tuc-328259.htm
Zalo