Sửa Luật Ngân sách nhà nước: Bộ Tài chính đề xuất cho phép ngân sách địa phương đầu tư dự án hạ tầng liên vùng

Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi 3 nhóm chính sách lớn trong Luật Ngân sách nhà nước. Nổi bật là bổ sung cơ chế cho phép sử dụng vốn đầu tư phát triển của địa phương để hỗ trợ ngân sách trung ương, hỗ trợ các địa phương khác đầu tư dự án hạ tầng có tính chất vùng và liên vùng...

Nhiều dự án giao thông liên vùng mỏi mòn nằm chờ vốn nhiều năm liền do khó khăn trong bố trí vốn ngân sách trung ương.

Nhiều dự án giao thông liên vùng mỏi mòn nằm chờ vốn nhiều năm liền do khó khăn trong bố trí vốn ngân sách trung ương.

Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 7 luật, trong đó có Luật Ngân sách nhà nước.

DỰ ÁN LIÊN VÙNG KHÁT VỐN

Sau gần 8 năm thực hiện, bên cạnh nhiều kết quả đạt được, Bộ Tài chính cho rằng những tác động khách quan làm thay đổi cơ cấu thu. Theo đó, ngân sách trung ương vẫn giữ vai trò chủ đạo nhưng có xu hướng giảm, trong khi yêu cầu đòi hỏi cần tăng cường hơn nữa tính chủ động của ngân sách địa phương.

Công tác xây dựng, tổng hợp dự toán ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách trung ương, chấp hành, quyết toán ngân sách nhà nước cũng đã phát sinh một số điểm hạn chế, bất cập cần được nghiên cứu để rà soát, sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn.

Chia sẻ gần đây, ông Nguyễn Như Quỳnh, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính, cho biết Bộ Tài chính đã hoàn thiện đề án nâng cao tính chủ đạo của ngân sách trung ương và tính chủ động của ngân sách địa phương, sau khi Bộ Chính trị có ý kiến, Bộ Tài chính sẽ tiến hành sửa đổi các quy định liên quan đến Luật Ngân sách nhà nước.

Để giải phóng nguồn lực hiện nay, ông Quỳnh cho biết thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính rà soát 1 luật sửa 7 luật trong đó có nội dung ngân sách cấp này được chi cho ngân sách cấp khác và theo hướng dẫn của Chính phủ.

Vướng mắc được ghi nhận do theo quy định Luật Ngân sách nhà nước, việc đầu tư, nâng cấp đường quốc lộ, cao tốc thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách trung ương và do Bộ Giao thông vận tải quản lý và bố trí vốn; địa phương không được phép là cơ quan chủ quản, sử dụng ngân sách địa phương để đầu tư quốc lộ, cao tốc thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách trung ương.

Hơn nữa, ngân sách của địa phương này không mang đi đầu tư dự án ở địa phương khác.

Do vướng cơ chế phân cấp cho địa phương đầu tư cao tốc, quốc lộ hay những dự án liên vùng đã đẩy áp lực và gánh nặng lên ngân sách trung ương. Nhiều dự án giao thông mỏi mòn nằm chờ vốn nhiều năm liền do khó khăn trong bố trí vốn đầu tư công.

Cũng theo Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính, trong lần sửa đổi này, những địa phương tiếp giáp biên giới với Lào cũng có thể sử dụng ngân sách địa phương để hỗ trợ các địa phương nước bạn và theo hướng dẫn của Chính phủ. Hiện nay Bộ Tài chính đang dự thảo những nội dung này và tiếp tục rà soát để xin ý kiến của các bộ, ngành, địa phương.

NHIỀU DỰ ÁN THÍ ĐIỂM "PHÁ RÀO" LUẬT NGÂN SÁCH

Làm rõ thêm những vướng mắc trong triển khai Luật Ngân sách nhà nước, trong tờ trình gửi Chính phủ, Bộ Tài chính chỉ rõ một là,xuất phát từ thực tiễn tồn tại, vướng mắc trong việc triển khai các dự án đường bộ nên thời gian qua, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 106/2023/QH15 ngày 28/11/2023 thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ.

Trong đó, giao thẩm quyền cho Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định và chịu trách nhiệm trong việc giao ủy ban nhân dân cấp tỉnh được làm cơ quan chủ quản, được sử dụng ngân sách địa phương và vốn hợp pháp khác đầu tư dự án đường quốc lộ, đường cao tốc đối với 07 dự án, vốn thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách trung ương.

Đồng thời, giao một số ủy ban nhân dân cấp tỉnh được làm cơ quan chủ quản, được sử dụng ngân sách địa phương này hỗ trợ địa phương khác thực hiện hoạt động đầu tư công của dự án qua các địa phương đối với 14 dự án.

Bên cạnh đó, thực tế hiện nay Quốc hội đã ban hành luật, nghị quyết cho phép một số địa phương có cơ chế tài chính, ngân sách đặc thù như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Thừa Thiên Huế, Nghệ An… được sử dụng ngân sách địa phương để hỗ trợ địa phương khác. Điều này khác với quy định hiện hành của Luật Ngân sách nhà nước.

Hai là, việc tăng cường và mở rộng mối quan hệ chiến lược, hữu nghị, truyền thống đặc biệt giữa các địa phương Việt Nam với các địa phương của 03 nước Lào, Campuchia, Cuba; cùng với các địa phương nước bạn khác luôn được Nhà nước hai bên quan tâm, khuyến khích.

"Tuy nhiên, tại Luật Ngân sách nhà nước chưa có quy định về việc sử dụng ngân sách địa phương để viện trợ cho các địa phương nước ngoài.

Hiện nay, một số địa phương (Sơn La, Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Thừa - Thiên Huế) đã có các văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đề nghị các bộ, cơ quan trung ương chấp thuận việc cho phép sử dụng ngân sách địa phương để hỗ trợ các địa phương nước bạn xây dựng các trường học, công trình văn hóa, giáo dục.

ĐỀ XUẤT SỬA ĐỔI 3 NHÓM CHÍNH SÁCH LỚN

Để sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ngân sách nhà nước, dự thảo đề xuất 3 chính sách.

Cụ thể, chính sách 1, bổ sung cơ chế cho phép các địa phương sử dụng ngân sách địa phương để hỗ trợ ngân sách trung ương, hỗ trợ các địa phương khác và chi viện trợ cho các địa phương nước ngoài.

Cụ thể, dự thảo bổ sung vào khoản 9 Điều 9 Luật ngân sách nhà nước quy định: "Sử dụng vốn đầu tư phát triển của ngân sách địa phương để thực hiện hoặc tham gia thực hiện đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng của ngân sách trung ương trên địa bàn; hỗ trợ địa phương khác để thực hiện hoặc tham gia thực hiện đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng có tính chất vùng và liên vùng".

Bộ Tài chính cho rằng nhu cầu đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng có tính chất liên vùng, liên tỉnh là rất lớn.

Trong khi đó, một số địa phương khác trong vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hơn, ngân sách trung ương chưa cân đối được nguồn vốn nên nhiều dự án có tính động lực, liên vùng chưa được bố trí/hoặc bố trí đủ nguồn vốn để triển khai thực hiện.

"Việc quy định cho phép ngân sách địa phương được đầu tư thực hiện đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng của trung ương trên địa bàn và hỗ trợ địa phương khác để thực hiện hoặc tham gia thực hiện đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng có tính chất vùng và liên vùng nhằm góp phần huy động nguồn lực từ ngân sách của các địa phương có năng lực về tài chính vào các dự án liên vùng", Bộ Tài chính đánh giá.

Đồng thời, bổ sung mới một khoản vào Điều 38 Luật Ngân sách nhà nước theo hướng mở rộng nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương có “chi viện trợ”.

Chính sách 2, quy định rõ nội dung chi ngân sách nhà nước thực hiện một số nhiệm vụ từ cả nguồn chi đầu tư và thường xuyên.

Dự thảo bổ sung quy định chi ngân sách nhà nước (bao gồm cả nguồn chi đầu tư công, chi thường xuyên) thực hiện mua sắm, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp tài sản, trang thiết bị; chi thuê hàng hóa, dịch vụ; sửa chữa, cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới hạng mục công trình trong các dự án đã đầu tư xây dựng và cho phép được phân bổ từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi để thực hiện quy định này.

Hiện các quy định của Luật Ngân sách nhà nước chưa có quy định cụ thể ranh giới phân định việc sử dụng hai nguồn kinh phí đầu tư/thường xuyên cho các nội dung về mua sắm trang thiết bị; cải tạo, nâng cấp mở rộng dự án đầu tư xây dựng.

Chính sách 3, quy định rõ nội dung chi đầu tư phát triển theo quy định của Luật Đầu tư công và nội dung chi đầu tư phát triển khác.

Dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Ngân sách nhà nước theo hướng quy định rõ sử dụng chi đầu tư phát triển của ngân sách trung ương để thực hiện nhiệm vụ đầu tư và hỗ trợ vốn của Nhà nước (bao gồm cả hỗ trợ lãi suất) cho các tổ chức kinh tế.

Quy định sử dụng chi đầu tư phát triển của ngân sách địa phương để thực hiện nhiệm vụ cấp bù chênh lệch lãi suất, phí quản lý và ủy thác cho vay qua ngân hàng chính sách; hỗ trợ doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân khác...

Vừa qua, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ lãi suất thông qua các ngân hàng thương mại. Đến hết năm 2024 ước tính ngân sách vẫn còn phải cấp cho các ngân hàng thương mại khoảng 2.400 tỷ đồng kinh phí hỗ trợ lãi suất.

Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư không bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn để cấp bù cho các ngân hàng thương mại. Đồng thời, tại hồ sơ đề xuất xây dựng Luật sửa đổi Luật Đầu tư công năm 2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất hiệu chỉnh lại khoản 6 Điều 5 về đối tượng đầu tư công theo hướng việc cấp bù lãi suất tín dụng ưu đãi, phí quản lý chỉ áp dụng cho các ngân hàng chính sách, không áp dụng cho ngân hàng thương mại. Do đó, Bộ Tài chính cho rằng cần bổ sung quy định hỗ trợ lãi suất cho các tổ chức kinh tế.

Ngoài ra, Bộ Tài chính đề xuất bổ sung quy định để có căn cứ sử dụng nguồn đầu tư phát triển khác thực hiện các dự án đầu tư ngoài kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Bộ Tài chính cho rằng nhu cầu đầu tư các dự án ngoài kế hoạch đầu tư công trung hạn (đầu kỳ trung hạn chưa được đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn, hoặc bố trí chưa đủ vốn) phát sinh hằng năm rất lớn.

Vì vậy trường hợp phát sinh dự án mới, bộ, cơ quan trung ương, địa phương phải thực hiện quy trình báo cáo cấp thẩm quyền điều chỉnh, bổ sung danh mục đầu tư qua nhiều cấp, nhiều khâu thẩm định và mất nhiều thời gian từ 01 - 02 năm không triển khai ngay được mà phải chờ bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn và triển khai các thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt dự án mới giao được kế hoạch năm để thực hiện đấu thầu, lựa chọn nhà thầu mới và giải ngân được.

Ánh Tuyết

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/sua-luat-ngan-sach-nha-nuoc-bo-tai-chinh-de-xuat-cho-phep-ngan-sach-dia-phuong-dau-tu-du-an-ha-tang-lien-vung.htm
Zalo