Sửa Luật Năng lượng nguyên tử trong năm 2025
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý bổ sung dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025) và thông qua tại Kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025).
Chiều 15/1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, theo Cổng thông tin điện tử Quốc hội.
Theo Tờ trình được Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh trình bày, Chính phủ đề nghị bổ sung 6 dự án luật: Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam và cấm đi khỏi nơi cư trú, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự, Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 và điều chỉnh thời gian trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua đối với dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi).
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban Pháp luật (cơ quan chủ trì thẩm tra) và các cơ quan của Quốc hội cơ bản tán thành với sự cần thiết điều chỉnh như Chính phủ trình. Các chính sách được đề xuất tại đề nghị bổ sung 6 luật cơ bản phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng. Đồng thời, đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát các nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung bảo đảm thống nhất, đồng bộ với các luật có liên quan; bảo đảm nguyên tắc luật không quy định nội dung thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của các bộ, không luật hóa những vấn đề chưa ổn định do các quan hệ kinh tế - xã hội đang trong quá trình vận động, có nhiều thay đổi để bảo đảm đúng thẩm quyền, tính ổn định của luật và linh hoạt, phù hợp với yêu cầu của thực tiễn.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý, trong năm 2025, dự kiến Quốc hội cho ý kiến và xem xét, quyết định khối lượng rất lớn các dự án Luật, do đó, đòi hỏi công tác chuẩn bị phải được chuẩn bị kỹ lưỡng, đảm bảo đúng tiến độ và yêu cầu về chất lượng. Trong đó, cần lưu ý tới tính đồng bộ, thống nhất của các dự án luật trong tổng thể hệ thống pháp luật nói chung; bảo đảm nguyên tắc luật không quy định nội dung thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của các bộ... Đồng thời, Luật khi ban hành phải ngắn gọn, có trọng tâm, chỉ tập trung sửa đổi những vẫn đề thực sự cần thiết; đảm bảo thực hiện đầy đủ việc đánh giá tác động các chính sách trong xây dựng luật.
Kết luận Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất điều chỉnh thời gian trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến và thông qua đối với dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) từ Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025) sang Chương trình trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9 (tháng 2/2025).
Bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, trình Quốc hội cho ý kiến, thông qua theo quy trình một kỳ họp tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9 (tháng 2/2025): Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).
Đồng thời, bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025): Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Bổ sung dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9 và thông qua tại Kỳ họp thứ 10 (nếu chuẩn bị tốt có thể thông qua theo quy trình 1 Kỳ họp tại Kỳ họp thứ 9)
Bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, trình Quốc hội cho ý kiến và phấn đấu thông qua tại Kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025) đối với: Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam và cấm đi khỏi nơi cư trú; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự.
Sau đó, 100% thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội có mặt biểu quyết tán thành, thông qua Nghị quyết với nội dung trên.