Sửa Luật Kiểm toán độc lập để nâng cao chất lượng kiểm toán
Bộ Tài chính đã hoàn thiện dự án 1 luật sửa đổi, bổ sung một số điều tại 7 luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tài chính, trong đó có sửa đổi Luật Kiểm toán độc lập số 67/20211/QH12, nhằm thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần minh bạch và bảo đảm công bằng của các chủ thể trên thị trường tài chính.
Thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng
Theo tờ trình của Chính phủ, Luật Kiểm toán độc lập (KTĐL) số 67 bao gồm 8 chương, 64 điều. Với vai trò là đạo luật gốc trong lĩnh vực KTĐL, Luật KTĐL đã góp phần thể chế hóa kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng trong lĩnh vực KTĐL phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và đẩy nhanh sự nghiệp công hóa, hiện đại hóa đất nước.
Sửa đổi 3 nhóm chính sách về kiểm toán độc lập
3 nhóm chính sách liên quan tới Luật Kiểm toán độc lập cần sửa đổi gồm: Tăng cường tính hiệu lực, hiệu quả của hoạt động quản lý nhà nước đối với kiểm toán độc lập, góp phần ổn định và phát triển kinh tế; Nâng cao chất lượng dịch vụ kiểm toán độc lập, tăng cường độ tin cậy các thông tin phục vụ quản lý, điều hành các hoạt động kinh tế; Mở rộng các đối tượng cần được kiểm toán bắt buộc, đảm bảo đầy đủ thông tin tin cậy phục vụ quản lý và ra quyết định.
Qua thực tiễn 12 năm thi hành, Luật KTĐL đã phát huy vai trò quan trọng trong việc tạo hành lang pháp lý cơ bản và quan trọng cho việc triển khai cơ chế, chính sách, thực hiện công khai minh bạch báo cáo tài chính của các doanh nghiệp, ngăn ngừa lãng phí, tham nhũng, phục vụ tốt hơn cho công tác quản lý và điều hành của Chính phủ, hoạt động của doanh nghiệp, nhất là công khai minh bạch thông tin tài chính của các doanh nghiệp niêm yết. Cùng với đó vai trò và năng lực quản lý nhà nước về kiểm toán từng bước được nâng cao; việc kiểm tra, giám sát tuân thủ pháp luật về kiểm toán được thực hiện phù hợp, hiệu quả; giúp các đơn vị xác định giá trị vốn đầu tư đúng đắn, góp phần loại bỏ các chi phí bất hợp lý, góp phần làm lành mạnh hoạt động quản lý đầu tư xây dựng cơ bản; mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế về kiểm toán thúc đẩy tiến trình mở cửa, hội nhập kinh tế của Việt Nam.
Trước yêu cầu phát triển của nền kinh tế xã hội và hội nhập quốc tế đồng thời qua thực tế triển khai khung pháp lý về KTĐL đã bộc lộ một số bất cập, tồn tại, cần được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung ngay để phù hợp với quan điểm đường lối của Đảng, Chính phủ và yêu cầu thực tế, để đồng bộ với các văn bản pháp luật khác có liên quan như: Các quy định về kiểm tra, giám sát chất lượng kiểm toán viên (KTV) và chất lượng dịch vụ kiểm toán chưa thật sự hiệu quả.
Bên cạnh đó, các chế tài chưa đủ mạnh, đầy đủ và hiệu lực cho các hoạt động nghề nghiệp, việc xử lý vi phạm, xử lý vi phạm hành chính chưa đảm bảo tính răn đe. Quy trình xem xét xử lý các vi phạm của doanh nghiệp kiểm toán (DNKT), KTV vẫn còn một số hạn chế do các quy định pháp luật khác chưa thực sự đồng bộ. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với lĩnh vực KTĐL chỉ là 1 năm, vì vậy có trường hợp không thể xử phạt được đối tượng vi phạm vì đã hết thời hiệu xử phạt theo quy định.
Đề xuất tăng mạnh mức xử phạt, phù hợp thực tiễn
Theo Bộ Tài chính, hiện nay, Luật KTĐL (Điều 60) và Nghị định số 41/2018/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTĐL. Mặc dù vậy, qua công tác kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm, một số hành vi vi phạm của các DNKT, KTV chưa được xử lý thỏa đáng theo mức xử phạt, thời hiệu xử phạt theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Đơn cử về mức tiền xử phạt, theo Bộ Tài chính, hiện nay, trong một số trường hợp thì mức độ hành vi vi phạm có tính chất nghiêm trọng hơn cần xử phạt ở mức độ tương ứng với bản chất của hành vi vi phạm. Đặc biệt là đối với các hành vi vi phạm nghiêm trọng về việc tuân thủ chuẩn mực kiểm toán, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp dẫn đến chất lượng báo cáo kiểm toán phát hành ảnh hưởng đến quyết định của các bên như cơ quan quản lý, nhà đầu tư, ngân hàng... Đối với các hành vi nêu trên, nếu thực hiện xử lý vi phạm theo Luật Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định số 41/2018/NĐ-CP đối với tổ chức là 100 triệu đồng và đối với cá nhân là 50 triệu đồng, chưa tương ứng với hành vi vi phạm, chưa đủ mức răn đe đối với DNKT và KTV. Do đó, dự thảo đề xuất tăng mức xử phạt tiền tối đa là 2 tỷ đồng đối với tổ chức và 1 tỷ đồng đối với cá nhân trong một số trường hợp vi phạm nghiêm trọng chuẩn mực và gây ra các hậu quả nghiêm trọng để đảm bảo tính răn đe (tương tự như lĩnh vực chứng khoán) là xuất phát từ thực thế, tương tự khung của pháp luật liên quan và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Đề cập tới hình thức xử phạt, theo Bộ Tài chính, Luật KTĐL hiện nay đã quy định các hình thức xử phạt tuy nhiên chưa bao quát được đầy đủ các biện pháp cần xử lý vi phạm xảy ra trong thực tế cần thực hiện. Để đảm bảo tính hiệu lực hiệu quả của hoạt động quản lý nhà nước, cần sửa đổi, bổ sung thêm các hình thức xử phạt nêu trên về: Đình chỉ hành nghề kiểm toán và thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hành nghề đối với KTV.
Như vậy, có thể thấy để phù hợp với thực tế hiện nay, thông lệ quốc tế và tiền lệ của các lĩnh vực tương tự như chứng khoán, quản lý thuế, Chính phủ đề xuất sửa đổi và bổ sung các quy định về thời hiệu xử phạt tối đa là 5 năm (từ 1 năm lên 5 năm); mức phạt tiền tối đa (từ 100 triệu đồng lên 2 tỷ đồng đối với tổ chức và từ 50 triệu đồng lên 1 tỷ đồng đối với cá nhân) trong một số trường hợp; bổ sung thêm một số hình thức xử phạt cho phù hợp bao quát được việc xử lý các hành vi vi phạm, phù hợp thông lệ quốc tế. Tùy thuộc vào mức độ vi phạm Chính phủ sẽ quy định về xử phạt vi phạm hành chính.
Đề xuất sửa Luật KTĐL của Bộ Tài chính nhận được sự đồng tình của giới chuyên gia, cũng như những người làm công tác kiểm toán. Theo đó, việc sửa đổi luật nhằm đáp ứng yêu cầu thị trường và nâng cao chất lượng kiểm toán.
Đảm bảo tính hiệu lực, hiệu quả của quản lý nhà nước
Chính phủ đề xuất sửa đổi, bổ sung điểm i khoản 2 Điều 11, Luật KTĐL (Khoản 1 Điều 3 dự thảo Luật KTĐL sửa đổi), như sau: “i) Quy định về đăng ký và quản lý hành nghề kiểm toán; quy định về đình chỉ hành nghề kiểm toán, thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán; quy định về công khai danh sách doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam và KTV hành nghề”.
Qua rà soát đối với việc quản lý nhà nước về hoạt động KTĐL (quy định tại Điều 11 Luật KTĐL), thì trách nhiệm của Bộ Tài chính về hoạt động KTĐL còn chưa có quy định về nhiệm vụ, quyền hạn quy định về đình chỉ hành nghề kiểm toán và thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hành nghề của KTV.
Để đảm bảo tính hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, dự thảo đề xuất sửa đổi, bổ sung thêm các biện pháp quản lý nhà nước về KTĐL (đình chỉ hành nghề kiểm toán và thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hành nghề đối với KTV) để đảm bảo bao quát, xử lý đầy đủ các hành vi vi phạm phát sinh trong thực tế, để luật hóa đầy đủ các chế tài xử lý đối với KTV, đồng thời cũng nhằm đồng bộ với các quy định xử lý đối với doanh nghiệp kiểm toán tại Điều 27 Luật KTĐL.
Do vậy, dự thảo sửa đổi điểm i khoản 2 Điều 11 Luật KTĐL (Khoản 1 Điều 3 dự thảo Luật KTĐL sửa đổi) theo hướng bổ sung thêm nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tài chính trong việc quy định hình thức xử lý đối với KTV là “đình chỉ hành nghề kiểm toán, thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán”.
Đồng thời, nội dung này không làm phát sinh thêm thủ tục hành chính và quy định này sẽ đảm bảo các doanh nghiệp kiểm toán phải thực hiện đầy đủ trách nhiệm theo quy định của Luật KTĐL