Sửa Luật hóa chất: Đại biểu lo về các thảm họa, sự cố hóa chất

Theo dự thảo Luật Hóa chất sửa đổi, chỉ có chủ đầu tư dự án, tổ chức, cá nhân hoạt động tồn trữ hóa chất nguy hiểm vượt ngưỡng mới phải xây dựng kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất.

Sáng ngày 8-5, tiếp tục chương trình kỳ họp 9, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự án Luật Hóa chất (sửa đổi). Một trong những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm thảo luận là vấn đề phòng ngừa, ứng phó với sự cố hóa chất

Tăng cường kiểm định để phòng ngừa sự cố hóa chất

Đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) cho hay đối với dự án hóa chất (điều 7, dự thảo luật) dự thảo luật mới chỉ đề cập chung chung về phù hợp khoảng cách an toàn và an toàn môi trường chứ chưa có các quy định chi tiết để đánh giá rủi ro môi trường xã hội, đặc biệt là đối với khu vực nhạy cảm như đô thị, khu dân cư, khu công trình trọng yếu quốc phòng, gần nguồn nước sinh hoạt.

“Vẫn thiếu những tiêu chí rõ ràng dẫn đến lúng túng trong xây dựng đầu tư, hoặc bỏ lọt nguy cơ tiềm ẩn trong dự án hóa chất”, đại biểu Bình đề nghị.

Đại biểu cũng cho hay chương 6 dự thảo luật đưa ra một số quy định an toàn trong hoạt động hóa chất (cơ sở vật chất; trách nhiệm đảm bảo an ninh, an toàn; khoảng cách an toàn; kế hoạch ứng phó sự cố), tuy nhiên chưa có quy định bắt buộc kiểm định định kỳ hệ thống, thiết bị, điều kiện an toàn hóa chất- đặc biệt là với cơ sở quy mô lớn hoặc có rủi ro cao.

“Nhiều vụ cháy nổ, rỏ rỉ, phát tán hóa chất xảy ra trong thời gian qua cho thấy lỗ hổng trong giám sát kỹ thuật định kỳ tại các cơ sở hóa chất, nhất là ở các doanh nghiệp nhỏ và vừa”, ông nhấn mạnh.

 ĐBQH Thạch Phước Bình (Trà Vinh)

ĐBQH Thạch Phước Bình (Trà Vinh)

Cũng theo đại biểu Thạch Phước Bình, luật hiện hành về đảm bảo an toàn lao động, phòng cháy chữa cháy có quy định về kiểm định thiết bị định kỳ nhưng chưa có cơ chế, quy định kiểm định chuyên sâu riêng cho công trình hóa chất, dẫn đến thiết bị lạc hậu xuống cấp, tiềm ẩn nguy cơ sự cố hóa chất nghiêm trọng.

Do đó, ông đề nghị dự luật bổ sung quy định cơ sở hóa chất có quy mô lớn phải kiểm định định kỳ theo thời hạn 3 năm/lần. Cơ sở hóa chất phải lưu hồ sơ, đảm bảo các điều kiện về kiểm định khi có yêu cầu của cơ quan chức năng, nếu không đảm bảo điều kiện sẽ bị cơ quan tạm dừng hoạt động, hoặc yêu cầu khắc phục trong thời hạn cụ thể. Đồng thời, dự thảo giao Chính phủ có quy định, hướng dẫn chi tiết việc kiểm định an toàn hóa chất…

“Việc bổ sung các quy định này nhằm đảm bảo tính chủ động phòng ngừa, thay vì chỉ phản ứng sau khi có sự cố, tạo nền tảng cho việc hình thành thị trường dịch vụ kỹ thuật kiểm định hóa chất, đảm bảo an toàn môi trường sống cho người dân, đảm bảo uy tín cho ngành sản xuất hóa chất”, đại biểu Bình lập luận.

Cùng nội dung này, đại biểu Đoàn Thị Lệ An (Cao Bằng) cho hay thời gian qua có hiện tượng doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hóa chất chủ quan lơ là, thụ động trong phòng ngừa sự cố hóa chất. Vi phạm phổ biến là chưa xây dựng biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố; huấn luyện đảm bảo an toàn phòng ngừa sự cố; xây dựng nội quy an toàn sản xuất hóa chất… theo đúng quy định hiện hành.

“Dự thảo Luật quản lý khá rộng từ chiến lược phát triển ngành, khai thác nguyên liệu sản xuất, phân phối, tiêu dùng, xử lý rủi ro… Tuy nhiên lại thiếu biện pháp khả thi để kiểm soát trong thực tế", đại biểu An nói và cho rằng bên cạnh những quy định đảm bảo an toàn, dự thảo luật cần bổ sung chế tài mạnh mẽ, nghiêm minh hơn trong hoạt động hóa chất.

Đánh giá tính khả thi của kế hoạch phòng ngừa sự cố hóa chất

Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho hay một số ý kiến đề nghị nghiên cứu, đánh giá lại căn cứ, tính khả thi của quy định về kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất để bảo đảm thực hiện thuận lợi, hiệu quả trong thực tiễn, bảo đảm thống nhất với các luật liên quan.

Theo ông Huy, việc xây dựng, thẩm định kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất thực hiện theo quy định tại Luật Hóa chất năm 2007 đã góp phần tăng cường năng lực ứng phó sự cố hóa chất của các lực lượng, hạn chế nguy cơ xảy ra sự cố và giảm thiểu hậu quả của các sự cố hóa chất.

 Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy.

Các quy định của dự thảo Luật đã được rà soát, bảo đảm tính thống nhất với các luật có liên quan. Về phương án lồng ghép, tích hợp Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất và kế hoạch ứng phó sự cố môi trường, việc lồng ghép, tích hợp này sẽ khó khăn do có một số sự khác nhau giữa hai kế hoạch như sau:

Theo pháp luật về bảo vệ môi trường, tất cả chủ đầu tư dự án, tổ chức, cá nhân hoạt động hóa chất có trách nhiệm xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố môi trường.

Trong khi đó, theo dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi), chỉ có chủ đầu tư dự án, tổ chức, cá nhân hoạt động tồn trữ hóa chất nguy hiểm vượt ngưỡng mới phải xây dựng kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất. Như vậy, việc tích hợp hai loại kế hoạch nêu trên (nếu có) chỉ áp dụng đối với chủ đầu tư dự án, tổ chức, cá nhân hoạt động tồn trữ hóa chất nguy hiểm vượt ngưỡng.

Ông Huy cho hay phạm vi của kế hoạch ứng phó sự cố môi trường là rất lớn, có thể rộng hơn phạm vi của kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất. Trên thực tế, tại các cơ sở hoạt động hóa chất có thể xảy ra sự cố môi trường mà không bắt nguồn từ sự cố hóa chất (ví dụ như sự cố vỡ đập bãi xỉ thải của Công ty cổ phần DAP số 2 - Vinachem).

“Do đó, khi tích hợp hai loại kế hoạch nêu trên, cơ quan chuyên môn về hóa chất sẽ phải tiến hành thẩm định các nội dung về ứng phó sự cố môi trường là chưa thực sự phù hợp và có thể làm hạn chế chất lượng thẩm định”, ông Huy nói.

Ông Huy cũng cho hay kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất đòi hỏi các biện pháp kỹ thuật, chuyên môn sâu về hóa học, kỹ thuật hóa chất, quản lý chất thải nguy hại và bảo vệ an toàn lao động khi xử lý các sự cố liên quan đến hóa chất.

Trong khi đó, để thực hiện kế hoạch ứng phó sự cố môi trường đòi hỏi kiến thức, kỹ năng không chỉ liên quan đến hóa chất mà còn trong các lĩnh vực khác như khôi phục hệ sinh thái, xử lý ô nhiễm môi trường, xem xét các tác động khác như tiếng ồn, khí thải và phân tích tác động lâu dài đối với môi trường.

“Việc tích hợp hoặc lồng ghép giữa hai kế hoạch này có thể dẫn đến không đáp ứng được yêu cầu chi tiết, chuyên môn sâu của từng kế hoạch, ảnh hưởng đến chất lượng công tác ứng phó và phòng ngừa”, ông Huy nhấn mạnh.

NHÓM PHÓNG VIÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/sua-luat-hoa-chat-dai-bieu-lo-ve-cac-tham-hoa-su-co-hoa-chat-post848590.html
Zalo