Sửa Hiến pháp: Người dân đồng tình với chủ trương lớn

Hiến pháp là nền tảng pháp lý cao nhất. Việc sửa đổi nhằm bắt kịp yêu cầu phát triển đất nước, bảo đảm quyền lợi người dân trong bối cảnh mới.

Mới đây, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 với 452/452 đại biểu Quốc hội tán thành.

Trước đó, Quốc hội cũng thông qua Nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung một số điều, khoản trong Hiến pháp năm 2013 để thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị. Trong đó, tập trung vào các quy định về việc phân định đơn vị hành chính, tổ chức chính quyền địa phương; quy định về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam…

Lấy ý kiến nhân dân qua VNeID

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, anh Bùi Thành Luân, cán bộ Công an phường Phương Mai, quận Đống Đa, Hà Nội cho biết, hưởng ứng kế hoạch của Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công an đã tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 qua ứng dụng VNeID.

Người dân có thể góp ý dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013 qua ứng dụng VNeID. Ảnh minh họa

Người dân có thể góp ý dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013 qua ứng dụng VNeID. Ảnh minh họa

Việc thực hiện lấy ý kiến thông qua ứng dụng VNeID không chỉ giúp tiết kiệm thời gian, chi phí, mà còn phát huy tối đa quyền làm chủ của nhân dân trong việc xây dựng và hoàn thiện Hiến pháp”, anh Luân chia sẻ.

Theo anh Luân, thời gian đầu còn nhiều người dân, nhất là người cao tuổi, chưa quen sử dụng ứng dụng điện thoại thông minh. Lực lượng Công an phường đã chủ động phối hợp với tổ dân phố, Đoàn thanh niên, mặt trận khu dân cư để tuyên truyền, hỗ trợ cài đặt, hướng dẫn người dân cách góp ý sửa đổi Hiến pháp trên app VNeID.

Chúng tôi xác định đây là nhiệm vụ chính trị, nhưng cũng là trách nhiệm của người phục vụ nhân dân. Người dân góp ý Hiến pháp qua ứng dụng là cách để phát huy dân chủ, công khai, minh bạch và thuận tiện. Nhiều người dân nói với rằng: Lần đầu tiên thấy việc góp ý Hiến pháp lại gần gũi đến vậy, chỉ vài phút là gửi được ý kiến lên cấp trên’”, anh Luân cho biết.

Nhờ công tác tuyên truyền linh hoạt, gắn với tình hình thực tế địa bàn mà tỷ lệ người dân tham gia góp ý tăng nhanh từng ngày. Không chỉ người trẻ mà cả cán bộ hưu trí, tiểu thương, người nội trợ cũng tích cực tham gia.

Cũng chia sẻ với phóng viên, bà Nguyễn Thị Hương (một cán bộ hưu trí tại quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết, sửa đổi Hiến pháp là việc làm cần thiết trong bối cảnh đất nước đang chuyển mình mạnh mẽ.

Hiến pháp là gốc của mọi luật pháp. Sửa Hiến pháp là để phù hợp với tình hình mới, giúp bộ máy nhà nước vận hành hiệu quả hơn và bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người dân. Chúng tôi rất mừng khi thấy Nhà nước mời gọi người dân góp ý thẳng thắn”, bà Hương nói.

Chính quyền gần dân hơn

Hiện nay, Quốc hội đang lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều về Hiến pháp 2013 với 2 nhóm vấn đề: Nhóm thứ nhất, về mô hình chính quyền địa phương 2 cấp và nhóm thứ hai, quy định về quyền hạn, chức năng, nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ.

Góp ý cho vấn đề trên, ông Đinh Văn Hoan (một cựu quân nhân tại quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết, việc nhất quán mô hình chính quyền địa phương 2 cấp là đúng đắn. Cấp huyện và cấp xã là hai cấp gần dân nhất. Giảm tầng nấc, giảm thủ tục, bộ máy gọn gàng hơn thì phục vụ dân sẽ nhanh hơn, sát hơn.

Chúng tôi mong chính quyền xã, phường có thực quyền, được phân rõ trách nhiệm, có ngân sách chủ động thì mới giải quyết việc dân nhanh chóng”, ông Hoan bày tỏ.

Quá trình lấy ý kiến đóng góp của người dân về sửa đổi Hiến pháp 2013 thông qua ứng dụng VNeID sẽ kéo dài đến hết ngày 29/5. Các ý kiến đóng góp của người dân thông qua VNeID sẽ được Bộ Công an tổng hợp và gửi Bộ Tư pháp xây dựng báo cáo chung cho Chính phủ. Ảnh minh họa

Quá trình lấy ý kiến đóng góp của người dân về sửa đổi Hiến pháp 2013 thông qua ứng dụng VNeID sẽ kéo dài đến hết ngày 29/5. Các ý kiến đóng góp của người dân thông qua VNeID sẽ được Bộ Công an tổng hợp và gửi Bộ Tư pháp xây dựng báo cáo chung cho Chính phủ. Ảnh minh họa

Theo ông Hoan, nhiều người dân rất đồng tình bởi trong bối cảnh hiện nay, khi chính quyền điện tử, số hóa đang phát triển, thì việc phân định rõ ràng hai cấp chính quyền, giảm chồng chéo, tăng hiệu quả điều hành là phù hợp xu thế.

Từ những góp ý thực chất và thẳng thắn, có thể thấy người dân không chỉ quan tâm đến nội dung sửa đổi Hiến pháp mà còn mong muốn sự thay đổi này sẽ tác động tích cực đến đời sống hằng ngày.

Chúng tôi kỳ vọng lần sửa đổi này sẽ khắc phục được những vướng mắc, tạo bước chuyển thực chất trong tổ chức bộ máy nhà nước, nhất là ở địa phương”, ông Hoan nói.

Từ ngày 6/5/2025 - 30/5/2025: Các cơ quan, tổ chức, địa phương, tổ chức lấy ý kiến nhân dân tại cơ quan, tổ chức, địa phương mình theo các hình thức đã được quy định. Các cá nhân có thể trực tiếp đóng góp ý kiến trên ứng dụng VNeID, Cổng thông tin điện tử Quốc hội, Cổng thông tin điện tử Chính phủ hoặc gửi ý kiến góp ý bằng văn bản đến các cơ quan có trách nhiệm tổng hợp ý kiến nhân dân.

Thanh Bình

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/sua-hien-phap-nguoi-dan-dong-tinh-voi-chu-truong-lon-388141.html
Zalo