Sửa đổi toàn diện thuế thu nhập cá nhân
Mức giảm trừ gia cảnh và biểu thuế thu nhập cá nhân đang bộc lộ những bất cập trước bối cảnh chi phí sinh hoạt leo thang, lương tối thiểu tăng và thu nhập thực tế của người dân biến động mạnh.

Cần xem xét lại mức giảm trừ gia cảnh cũng như biểu thuế lũy tiến để bảo đảm chính sách thuế phù hợp thực tế. Ảnh: M.H.
Theo GS.TS Phan Hữu Nghị - Phó Viện trưởng Ngân hàng-Tài chính (Đại học Kinh tế quốc dân), thuế thu nhập cá nhân của Việt Nam là một trong 9 loại thuế hiện nay đóng góp hơn 198 nghìn tỷ trong tổng thu hơn 1,9 triệu tỷ (ước tính) năm 2024 chiếm khoảng 10% trên tổng thu. Tỷ trọng thu thuế trên tổng nguồn thu ngày một tăng, góp phần điều tiết thu nhập tạo công bằng.
Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, tổng số thu từ thuế thu nhập cá nhân tại Việt Nam có xu hướng gia tăng mạnh mẽ trong giai đoạn 2020-2024. Theo số liệu thống kê, chỉ trong vòng 4 năm, tổng thu thuế thu nhập cá nhân đã tăng khoảng 80%, gần như gấp đôi. Điều này đặt ra nhiều vấn đề về tính hợp lý của chính sách thuế hiện hành, đặc biệt là mối quan hệ giữa tốc độ tăng số thu thuế và tốc độ tăng thu nhập bình quân đầu người.
Đáng chú ý, trong giai đoạn này, tốc độ tăng thuế thu nhập cá nhân không chỉ nhanh hơn thu nhập bình quân đầu người mà còn không phản ánh đúng sự thay đổi của thu nhập thực. Do vậy, cần xem xét lại mức giảm trừ gia cảnh cũng như biểu thuế lũy tiến để bảo đảm chính sách thuế công bằng hơn, phù hợp thực tế kinh tế và mức sống của người lao động Việt Nam.
PGS.TS Lê Xuân Trường - Trưởng Khoa Thuế và Hải quan (Học viện Tài chính) cũng cho biết, khi so sánh mức giảm trừ bản thân của Việt Nam với GDP bình quân đầu người thì mức giảm trừ bản thân của Việt Nam khá cao so với các nước trong khu vực và thế giới. Cụ thể, so với Indonesia, một nước trong khu vực Đông Nam Á và ở trình độ phát triển tương đương (GDP đầu người của Indonesia năm 2024 là 4.981 USD, còn GDP bình quân đầu người của Việt Nam năm 2024 là 4.700 USD) thì mức giảm trừ bản thân người nộp thuế của Việt Nam cao hơn khoảng 50%.
Chia sẻ về biểu thuế thu nhập cá nhân, bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn thuế cho rằng, hiện nay biểu thuế lũy tiến từng phần áp dụng đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công với 7 bậc thuế: 5%, 10%, 15%, 20%, 25%, 30% và 35%. Tuy nhiên, biểu thuế lũy tiến từng phần hiện hành là chưa hợp lý do khoảng cách giữa các bậc quá hẹp, nên dẫn đến những người có mức thu nhập cao bị điều tiết thuế khá cao.
Ngoài ra, bà Nguyễn Thị Cúc cũng đưa ra ý kiến, cùng với điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh, biểu thuế lũy tiến từng phần, chính sách ưu đãi cần chi tiết thu nhập chịu thuế từ tiền lương tiền công bảo đảm rõ ràng, minh bạch. Đặc biệt là thu nhập bằng hiện vật, các khoản lợi ích được hưởng, tương đồng giữa thu nhập từ tiền lương tiền công với thu nhập khác, giữa thuế thu nhập cá nhân với sắc thuế khác.
Đồng thời quy định phương thức thu thuế, tránh tình trạng như hiện hành, thuế thu nhập cá nhân được tạm thu theo tháng, quyết toán năm; những tháng đầu năm mức thu nhập cao từ lương tháng 13, thưởng, tết… phải nộp thuế ngay nhưng đến hết quý I năm sau (12 tháng) khi quyết toán thuế mới được bù trừ tiền thuế cả năm, gây thiệt thòi cho người nộp thuế.
Sớm hoàn thiện Luật Thuế thu nhập cá nhân thay thế
Trong cuộc họp báo thường kỳ quý I của Bộ Tài chính, khi chia sẻ về quá trình xây dựng Dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân thay thế, ông Trương Bá Tuấn – Phó Cục trưởng Cục Giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài chính) cho biết, , Bộ Tài chính đã lập đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân mới nhằm thay thế Luật hiện hành, đảm bảo phù hợp với bối cảnh kinh tế - xã hội và đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Trong quá trình xây dựng, Bộ đã lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương, đồng thời công khai thông tin trên các cổng thông tin điện tử để tiếp nhận góp ý từ các bên liên quan.
Bộ Tài chính đã có tờ trình gửi Chính phủ đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân mới. Đây là bước quan trọng trong quá trình hoàn thiện chính sách thuế, hướng đến việc sửa đổi toàn diện nhằm đảm bảo công bằng, minh bạch và phù hợp với thông lệ quốc tế. Hiện tại, Bộ đang triển khai các bước tiếp theo theo đúng trình tự quy định để đảm bảo tiến độ xây dựng và ban hành luật mới.