Sửa đổi Nghị quyết số 25: Bảo đảm thống nhất các văn bản quy phạm

Một trong các tờ trình, dự thảo nghị quyết được UBND tỉnh trình tại Kỳ họp thứ 20 HĐND tỉnh khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026 (sẽ được tổ chức ngày 6/9/2024), là sửa đổi Nghị quyết số 25/2023/NQ-HĐND ngày 8/12/2023 của HĐND tỉnh quy định các khoản thu, mức thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục (GD) ngoài học phí trong các cơ sở GD thuộc tỉnh quản lý (Nghị quyết số 25). Việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 25 là phù hợp với thực tế, bảo đảm tính thống nhất, liên thông giữa các luật và thông tư hướng dẫn.

Nhiều học sinh mầm non dù đăng ký học hè nhưng đi học không đều, ảnh hưởng đến ngày công của giáo viên (ảnh minh họa).

Nhiều học sinh mầm non dù đăng ký học hè nhưng đi học không đều, ảnh hưởng đến ngày công của giáo viên (ảnh minh họa).

Chống lạm thu trong cơ sở giáo dục

Ngay sau khi được HĐND tỉnh ban hành, Nghị quyết số 25 được cộng đồng xã hội, nhất là các phụ huynh học sinh (HS) đánh giá cao. Nghị quyết quy định rất rõ các khoản thu, mức thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động GD ngoài học phí. Đơn cử như mục: Dịch vụ bán trú, khoản chi quản lý chăm sóc trẻ, HS buổi trưa tính theo số ngày thực tế đối với các bậc học mầm non, tiểu học, THCS (địa bàn 1,2,3) mức thu tối đa không quá 6.000 đồng/ngày.

Địa bàn 1: Các phường thuộc thành phố. Địa bàn 2 là thị trấn trung tâm các huyện, các xã, thị trấn không phải khu vực I, II, III thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Địa bàn 3 là các xã, thị trấn còn lại.

Hay như khoản thu trang thiết bị, đồ dùng, dụng cụ phục vụ trẻ, HS bán trú mới tuyển sinh hoặc trang bị lần đầu (tính theo năm học) địa bàn 1 là 250.000 đồng/HS, địa bàn 2 là 220.000 đồng/HS và địa bàn 3 là 200.000 đồng/HS. Đối với những năm tiếp theo, để thay thế dụng cụ mất, hư hỏng, mức đóng lần lượt các địa bàn là 150.000, 120.000 và 100.000 đồng.

Theo cô giáo Phạm Thị Huyền, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phú Xá (TP. Thái Nguyên): Mặc dù Nghị quyết số 25 ban hành mức thu tối đa mua dụng cụ, công cụ, hóa chất phục vụ vệ sinh, thuê chăm sóc vườn hoa, cây cảnh, thuê vệ sinh chung 20.000/HS/tháng, song qua tính toán thực tế Nhà trường thu 13.000/HS/tháng. Hay như tiền ăn bán trú, mức thu khu vực 1 bao gồm cả chất đốt, tiền công thuê nấu suất ăn tối đa 31.000 đồng, Trường thu thực tế là 25.000 đồng/HS/ngày.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 25 vẫn còn một số khó khăn cần sự điều chỉnh phù hợp với thực tế và có hướng dẫn cụ thể.

Nhiều trường mầm non mua các máy sấy bát đĩa để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho học sinh ăn bán trú.

Nhiều trường mầm non mua các máy sấy bát đĩa để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho học sinh ăn bán trú.

Chủ động rà soát, sửa đổi cho phù hợp

Theo bà Nguyễn Thị Phương Lan, Phó Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP. Thái Nguyên: Trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 25, các cơ sở gặp khó khăn khi chưa có hướng dẫn cụ thể việc lựa chọn đơn vị để ký hợp đồng dịch vụ theo quy định của pháp luật hiện hành. Quy trình tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ cho trường cũng là một công việc khó khăn, phức tạp, cần có hướng dẫn cụ thể.

Ngoài nội dung trên, cô giáo Vũ Thị Anh Đào, Hiệu trưởng Trường Mầm non Độc Lập (TP. Thái Nguyên), nêu ý kiến: Các cơ sở GD mầm non công lập phải tổ chức nhập thực phẩm, nấu ăn tại trường. Tuy nhiên, trong danh mục các khoản thu theo Nghị quyết số 25 chỉ có thu tiền điện điều hòa, bình nóng lạnh. Trong khi đó, công tác chăm sóc, GD trẻ mầm non cần rất nhiều thiết bị điện phục vụ bán trú như: Tủ sấy bát, tủ hấp khăn, máy xay sinh tố, vắt cam, xay thịt, tủ cơm điện, máy sấy tay…

Ngoài ra, trong các danh mục dịch vụ hỗ trợ hoạt động GD quy định thu tiền chăm sóc trẻ, HS trong các ngày nghỉ, nghỉ hè thu theo số ngày thực tế (35.000 đồng/HS/ngày) trước đây các trường thỏa thuận với phụ huynh thu theo tháng. Với quy định này, nhiều HS mầm non dù đăng ký đi học hè nhưng đi học không đều, ảnh hưởng lớn đến ngày công của giáo viên khi đã đến trường chăm sóc trẻ.

Tại Hội nghị Giám đốc Sở GD&ĐT tổ chức tại TP. Hải Phòng cuối tháng 7 vừa qua, một số tỉnh khi ban hành nghị quyết quy định các khoản thu phục vụ, hỗ trợ hoạt động GD ngoài học phí tương tự như Thái Nguyên được Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật Bộ Tư pháp kiểm tra và thông báo một số nội dung chưa đúng Luật Giá năm 2012; Quyết định số 43/2018/QĐ-TTg ngày 01/11/2018 của Thủ tướng Chính phủ ban hành hệ thống ngành sản phẩm Việt Nam và Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.

Cụ thể, Khoản 1 Điều 2 Luật Đấu thầu 2023 (có hiệu lực từ 01/01/2024) quy định: “Hoạt động lựa chọn nhà thầu có sử dụng vốn ngân sách nhà nước theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, vốn từ nguồn thu hợp pháp theo quy định của pháp luật của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập”. Tuy nhiên, Nghị quyết số 25 chưa quy định việc thực hiện nhiệm vụ và nội dung chi cho hoạt động đấu thầu nói riêng (cũng như chi phí cho công tác mua sắm hàng hóa dịch vụ nói chung), nên không xác định được nguồn kinh phí để thực hiện nhiệm vụ này từ các khoản thu, dẫn đến khó khăn trong việc thực hiện của các trường học (các cơ sở GD có tổ chức ăn bán trú cho HS và phát sinh nội dung phải lựa chọn đơn vị cung cấp thực phẩm nấu suất ăn bán trú…).

Mục 2, phụ lục ban hành kèm theo Nghị quyết số 25 về “dạy thêm, dạy tăng cường”, quy định mức trần, khi thực hiện các cơ sở GD phải thỏa thuận với cha mẹ HS. Tuy nhiên, Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định: “Mức thu tiền học thêm do thỏa thuận giữa cha mẹ học sinh với nhà trường”. Nên theo Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật Bộ Tư pháp thì quy định mức trần cũng là không đúng.

Ông Nguyễn Đức Thịnh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, cho biết thêm: Trên cơ sở chủ động rà soát lại Nghị quyết số 25 có một số nội dung chưa thực sự phù hợp, đúng với quy định pháp luật hiện hành, Sở Giáo dục và Đào tạo đã báo cáo UBND tỉnh trình HĐND tỉnh trong Kỳ họp thứ 20 sửa đổi Nghị quyết đảm bảo đúng quy định.

Hằng Nga

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/thoi-su-thai-nguyen/202408/sua-doi-nghi-quyet-so-25bao-damthong-nhat-cac-van-ban-quy-pham-8480386/
Zalo