Sửa đổi Nghị định 103/2024/NĐ-CP: Cần xem xét đến cả doanh nghiệp tư nhân

Trong bối cảnh đất nước đang nỗ lực phục hồi và phát triển kinh tế, đặc biệt là tại các vùng khó khăn, vai trò của doanh nghiệp tư nhân trong việc vực dậy các đơn vị nông, lâm nghiệp kém hiệu quả càng trở nên quan trọng. Tuy nhiên, dự thảo sửa đổi Nghị định 103/2024/NĐ-CP lại đang gây thiệt thòi cho những doanh nghiệp tư nhân.

Gánh nặng truy thu

Chủ trương của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân đã được thể hiện rõ nét và nhất quán. Đặc biệt, Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị, ban hành ngày 4 tháng 5 năm 2025, đã đặt kinh tế tư nhân ở vị trí trung tâm, được xem là động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia. Nghị quyết 198/2025/QH15 của Quốc hội cũng đề cập đến các cơ chế, chính sách đặc biệt để phát triển kinh tế tư nhân. Những nghị quyết này khẳng định cam kết mạnh mẽ của Đảng và Nhà nước trong việc tạo môi trường thuận lợi, bình đẳng cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển.

 Nông dân Đắk Lắk phơi cà phê khi vừa mới thu hoạch. Ảnh minh họa: Huỳnh Thủy

Nông dân Đắk Lắk phơi cà phê khi vừa mới thu hoạch. Ảnh minh họa: Huỳnh Thủy

Thế nhưng, tại một số địa bàn khó khăn như ở Đắk Lắk, phần lớn các doanh nghiệp nông, lâm nghiệp đang phải đối mặt với gánh nặng truy thu tiền thuê đất cho giai đoạn trước Luật Đất đai 2024. Đáng lẽ các khoản này được miễn giảm theo chính sách ưu đãi, nhưng do thiếu thông tin và hướng dẫn cụ thể, nhiều doanh nghiệp đã không biết để nộp hồ sơ xin miễn giảm kịp thời. Điều đáng nói là sự thiếu sót này chủ yếu xảy ra trong giai đoạn các doanh nghiệp này vẫn còn là đơn vị có vốn nhà nước hoặc đang trong quá trình chuyển đổi, chưa tiến hành cổ phần hóa hoàn toàn. Tuy nhiên, đến nay, người phải gánh chịu hậu quả nặng nề nhất lại là các doanh nghiệp tư nhân đã tham gia tiếp quản và tái cơ cấu.

Không ít trong số các doanh nghiệp này, ngày xưa vốn là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, sau này đã thực hiện cổ phần hóa hoặc chuyển đổi thành công ty hai thành viên có vốn nhà nước. Sự tham gia của khối tư nhân không chỉ đơn thuần là đầu tư tài chính. Đó là sự chung tay để phục hồi những doanh nghiệp chậm phát triển, quản lý yếu kém, với tình trạng đất đai bị lấn chiếm gần hết. Doanh nghiệp tư nhân đã mang đến nguồn vốn, kinh nghiệm quản lý, công nghệ để tái cơ cấu, phát triển sản xuất, ổn định đời sống cho hàng ngàn người lao động tại các vùng sâu, vùng xa. Họ chính là những "cứu tinh" đã vực dậy nhiều tài sản và quỹ đất hoang hóa, kém hiệu quả.

Vì sao chính sách hồi tố không mở cho doanh nghiệp tư nhân?

Luật Đất đai 2024 đã có bước tiến lớn khi cho phép các trường hợp đủ điều kiện đương nhiên được miễn giảm tiền thuê đất mà không cần làm thủ tục. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ Luật không có quy định cho phép hồi tố về giai đoạn trước. Điều này đồng nghĩa với việc các khoản truy thu tiền thuê đất phát sinh từ trước năm 2024 vẫn còn treo lơ lửng, tạo gánh nặng tài chính khổng lồ cho doanh nghiệp.

Mới đây, Bộ Tài chính đang thực hiện việc sửa đổi một số quy định của Nghị định 103/2024/NĐ-CP. Trong Tờ trình số 10880/BTC-QLCS gửi Bộ Tư pháp ngày 17/7/2025 để thẩm định, Bộ Tài chính đã đề xuất bổ sung nội dung cho phép hồi tố miễn giảm tiền thuê đất cho các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước. Điều này càng khiến doanh nghiệp tư nhân cảm thấy bị bỏ lại phía sau.

Kiến nghị tạo môi trường công bằng

Tình trạng trên đang gây khó khăn nghiêm trọng cho việc hồi phục và phát triển của các doanh nghiệp nông lâm nghiệp tại Đắk Lắk và Tây Nguyên. Họ là những đơn vị đã và đang góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế-xã hội, tạo việc làm cho hàng ngàn đồng bào dân tộc thiểu số, giúp ổn định an sinh xã hội và giữ vững tài nguyên rừng tại những địa bàn khó khăn. Việc không được hưởng chính sách hồi tố ngang bằng với các đơn vị công lập hay doanh nghiệp 100% vốn nhà nước ảnh hưởng lớn đến khả năng tài chính của họ và tạo ra tâm lý thiếu bình đẳng.

Các doanh nghiệp này hy vọng các cơ quan đang điều chỉnh, thẩm định điều chỉnh Nghị định 103/2024/NĐ-CP có thể cân nhắc bổ sung quy định cho phép hồi tố miễn giảm tiền thuê đất đối với cả các doanh nghiệp tư nhân. Điều này còn là sự ghi nhận xứng đáng cho những đóng góp của khu vực tư nhân, giúp họ vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất và đóng góp tích cực hơn vào sự phát triển bền vững của đất nước.

P.V

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/sua-doi-nghi-dinh-1032024nd-cp-can-xem-xet-den-ca-doanh-nghiep-tu-nhan-post1762777.tpo
Zalo