Sửa đổi Luật Điện lực là một cơ hội phải tận dụng

Theo đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, sửa đổi Luật Điện lực lần này là một cơ hội, phải tận dụng cơ hội này, nếu không ta sẽ mất 5-7 năm sau mới có thể sửa chữa.

Ông Phan Đức Hiếu (phải) trao đổi với các chuyên gia khách mời tại Tọa đàm - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Ông Phan Đức Hiếu (phải) trao đổi với các chuyên gia khách mời tại Tọa đàm - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Chính sách phải đồng bộ

Chia sẻ tại Tọa đàm "Đột phá nào để thu hút đầu tư vào ngành điện", nhìn từ góc độ nhà kinh tế, trong câu chuyện điện nói chung, theo ông Phan Đức Hiếu có mấy điểm lưu ý khi nhìn điểm nghẽn ấy: Thứ nhất là tính hệ thống của chính sách phải luôn đồng bộ.

Chúng ta nói đầu vào, thu hút đầu vào là phát điện, sản xuất điện… mà đầu ra không hợp lý thì rõ ràng không hiệu quả, thậm chí rất khó vận hành. Nói gì thì nói, phải cải cách toàn diện đồng bộ.

Nhìn ở góc độ rộng, giá điện không chỉ tác động đến ngành điện mà có những tác động lớn hơn đến sự vận hành và tái cấu trúc nền kinh tế. Ví dụ như giá điện được điều hành một cách đúng đắn và hợp lý thì sẽ thúc đẩy cả chuyển đổi sản xuất xanh, sử dụng năng lượng tiết kiệm điện trong các hộ gia đình, cá nhân…

Tất cả những cái này đều có tác động không chỉ thu hút đầu tư sản xuất nguồn điện trong khi chúng ta thúc đẩy rất lớn kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn, xanh sạch, net zero. Như vậy chúng ta phải nhìn thấy tầm quan trọng của cơ chế giá điện, nó tác động toàn diện.

Tận dụng cơ hội sửa đổi Luật Điện lực

Chính phủ đang rà soát và sửa đổi Luật Điện lực, ông Phan Đức Hiếu nói và cho rằng nhiều nội dung thảo luận trong Tọa đàm hôm nay cũng đã bắt đầu được nhận diện và thể chế hóa trong dự thảo Luật Điện lực sửa đổi lần này.

Ông Hiếu cũng kiến nghị: Thứ nhất, sửa đổi Luật Điện lực lần này là một cơ hội, phải tận dụng cơ hội này, nếu không ta sẽ mất 5-7 năm sau mới có thể sửa chữa.

Đồng thời nhất trí quan điểm hiện nay tính giá để xác định ra giá sản xuất. Nhà làm chính sách luôn phải biết được đầu tiên sản xuất ra 1 kWh điện thì chiếm bao nhiêu phần trăm giá thành. Cái này rất quan trọng ở chỗ thúc đẩy suất tiết kiệm hơn. Cứ tính đúng tính đủ, công bố công khai, so sánh với các nước. Về nguyên lý kinh tế, mọi nguồn lực phải được nhận diện đúng đủ, hạch toán đủ về kinh tế hãy sản xuất.

Thứ hai, phải tách bạch. Với giá như vậy, để giảm giá thành, tự khắc tạo áp lực cho doanh nghiệp cạnh tranh để giảm giá thành.

Tiếp theo là tách bạch giá bán điện, nhưng nếu chúng ta không biết được chính xác giá sản xuất bao nhiêu thì làm sao có thể điều hành giá bán phù hợp cho các nhóm đối tượng khác nhau.

Ông Phan Đức Hiếu nhất trí với quan điểm việc tính giá điện, cứ tạm gọi là giá sản xuất, không nên đưa quá nhiều mục tiêu chính sách vào đây mà gây méo mó. Đầu tiên cứ tính đúng tính đủ.

Luật Đất đai vừa qua cũng thể hiện rõ nguyên tắc này, xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường. Giá đó tác động tốt hay bất lợi thế nào đến đời sống, hoạt động kinh doanh, thị trường thì điều chỉnh bằng nhóm chính sách khác, các chính sách về giá, tiền sử dụng đất, cắt giảm bớt mức thu tiền sử dụng đất đi hay giá có biến động thì Luật Đất đai có cơ chế ổn định tiền thuê đất cho doanh nghiệp trong một chu kỳ 5 năm chẳn hạn.

Liên quan đến cơ cấu ngành điện, có cả doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân, thì cơ chế tài chính ở đây cần minh bạch, đâu là trợ cấp xã hội, đâu là bù giá, đâu là kinh doanh, phải tách bạch.

Thứ ba, là thúc đẩy tính thị trường, tăng sự cạnh tranh trong mọi hoạt động, mọi khâu của điện lực. Trong việc bán điện và tính giá thì phải tăng tính cạnh tranh và tính thị trường.

Tính thị trường ở đây có nhiều yếu tố như khi nào giá cả đầu vào biến động thì được điều chỉnh giá đầu ra. Có biến động mà mình không kiểm soát, bỏ ngỏ 6 tháng 1 năm mới điều hành thì đó không phải là thị trường. Phải thị trường hơn trong cách điều hành.

Tiếp đến là cạnh tranh trong bán lẻ. Rõ ràng để dùng cơ chế thị trường nhiều hơn thì sẽ giảm giá bởi có cạnh tranh thì có xu hướng kiểm soát độc quyền, người tiêu dùng mới có cơ hội được hưởng giá cả cạnh tranh hơn.

Thứ ba, trong cơ chế hiện nay vẫn phải kiểm soát giá sản phẩm này, khung giá và cách tính giá theo Quyết định 28 chưa thực sự khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm.

Trong cơ cấu quản lý giá thì khung giá phải hướng mạnh đến việc thực sự tạo ra áp lực sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, phân khúc theo nhiều tiêu chí gọi là mức độ sử dụng, giờ sử dụng…

Tất cả những cái này phải mang tính chất phân biệt và cạnh tranh hơn để tạo ra áp lực sử dụng tiết kiệm điện. Để đồng bộ cái này, nên có chính sách để thúc đẩy sản xuất kinh doanh sử dụng năng lượng tiết kiệm.

Ông Phan Đức Hiếu cho rằng việc sửa đổi luật lần này rất quan trọng để có thể sửa đổi căn cơ hơn.

Nguồn Chính Phủ: https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/sua-doi-luat-dien-luc-la-mot-co-hoi-phai-tan-dung-11924082017533046.htm
Zalo